Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Phan Phi Long (Văn phòng Luật sư Phạm Duy - Chi nhánh Đồng Nai), ThS. Bùi Thị Mỹ Hương (Khoa Luật - Đại học Cần Thơ), ThS. Nguyễn Huỳnh Anh (Khoa Luật - Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định quan trọng trong pháp luật dân sự của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các chủ thể bị thiệt hại từ hành vi gây thiệt hại của chủ thể khác. Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các giao lưu dân sự diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài đã trở thành một vấn đề mang tính chất pháp lý quan trọng, cần được điều chỉnh chặt chẽ. Bài viết đưa ra một số bất cập và kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ khóa: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, yếu tố nước ngoài, Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Sau một thời gian áp dụng, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời đã sửa đổi, hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trên, cụ thể là đã ghi nhận trách nhiệm này tại Điều 687, khắc phục những hạn chế quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Sau khi được đưa vào áp dụng nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự nói chung, quan hệ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói riêng, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đạt được những thành tựu đáng kể như: Điều chỉnh kịp thời vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng phổ biến; Đưa nền Tư pháp quốc tế Việt Nam bắt kịp với xu hướng thế giới; Góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội; Răn đe, giáo dục việc tuân thủ pháp luật về vấn đề tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác,… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên thì quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài vẫn còn bộc lộ một vài bất cập. Bài viết phân tích và đưa ra hướng hoàn thiện cụ thể.

2. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và hướng hoàn thiện 2.1. Sự thỏa thuận của các bên đương sự

Theo khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong các mối quan hệ dân sự. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về “sự thỏa thuận” giữa các bên mà chỉ có quy định về hợp đồng. Theo quan điểm của nhóm tác giả, việc xây dựng “sự thỏa thuận” có thể căn cứ trên các quy định về hợp đồng, bởi lẽ bản chất của hợp đồng cũng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Bên cạnh đó, hợp đồng hay “sự thỏa thuận” đều xuất phát từ ý chí của các bên hướng về mục đích nhất định và mục đích của “sự thỏa thuận” trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là chọn ra được hệ thống pháp luật áp dụng để giải quyết.

Kết quả phân tích về “sự thỏa thuận” trong vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài, cho thấy một vài bất cập mà pháp luật chưa quy định cụ thể. Bài viết đưa ra hướng hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng. Đầu tiên, điều kiện về chủ thể của thỏa thuận phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với thỏa thuận được xác lập. Người mất năng lực hành vi dân sự khi bị thiệt hại cũng có quyền được bồi thường và năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự được xác định theo nguyên tắc luật quốc tịch. Nếu một người không hội đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự thì sự thỏa thuận này không thể xác lập, lúc này họ có thể thông qua người đại diện hợp pháp để xác lập thỏa thuận. Chủ thể tham gia thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, tức là ý chí xác lập thỏa thuận không bị ép buộc hay đe dọa. Mục đích của thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội và không nhằm lẩn tránh pháp luật.

Thứ hai, về hình thức của thỏa thuận. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật mà chỉ quy định về hình thức của hợp đồng. Bài viết đưa ra kiến nghị hình thức của thỏa thuận nên lập thành văn bản. Việc quy định hình thức của thỏa thuận phải lập thành văn bản có ý nghĩa bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên, tránh tình trạng một bên còn lại phủ nhận sự thỏa thuận của mình khi tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền thụ lý xét xử.

Thứ ba, thỏa thuận được các bên xác lập trước hay sau khi xảy ra thiệt hại thực tế. Vấn đề đặt ra, thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng tại thời điểm nào được chấp nhận? Trước khi thiệt hại xảy ra hay sau khi có thiệt hại xảy ra? Trên thực tế, có trường hợp xảy ra hành vi gây thiệt hại nhưng chưa xuất hiện thiệt hại. Vậy khi chưa xuất hiện thiệt hại, các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng cho việc giải quyết bồi thường hay không,hay sau khi xuất hiện thiệt hại thì các bên mới được thỏa thuận. Theo quan điểm của nhóm tác giả thì sau khi thiệt hại xảy ra trên thực tế, các bên mới được thỏa thuận pháp luật áp dụng. Việc thỏa thuận vào thời điểm sau khi phát sinh thiệt hại thực tế như vậy mới phù hợp với căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Thứ tư, vấn đề đặt ra là thỏa thuận lựa chọn pháp luật của các bên có thể được các bên thỏa thuận lại hay không? Việc cho phép hay không cho phép thỏa thuận lại pháp luật áp dụng dẫn đến hai tinh thần khác nhau của quy định pháp luật. Nếu cho phép thỏa thuận lại sẽ cho thấy pháp luật dân sự đang tôn trọng tuyệt đối quyền thỏa thuận để định đoạt vấn đề của các bên. Ngược lại, nếu không cho phép thỏa thuận lại pháp luật thì nguyên tắc tự do thỏa thuận vẫn đảm bảo nhưng mang tính tương đối vì số lần thỏa thuận của các bên bị hạn chế. Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên một cách tuyệt đối, vấn đề này nên cho phép các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

Để tạo điều kiện cho các bên trong việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ và để tôn trọng quyền định đoạt của họ, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất hoặc xây dựng các quy định cụ thể về sự thỏa thuận lựa chọn pháp luật của các bên. Việc xây dựng quy định để hoàn thiện các bất cập nêu trên sẽ giúp các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt hơn và tránh tình trạng thỏa thuận trái với pháp luật.

2.2. Về pháp luật áp dụng

Khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng lại không cho biết các bên có được lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại hay không. Trên thực tế, có hệ thống pháp luật khi được dẫn chiếu có thể giải quyết triệt để vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng cũng có thể có hệ thống pháp luật được dẫn chiếu không giải quyết triệt để vấn đề bồi thường thiệt hại mà chỉ góp phần giải quyết một phần về bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, quan điểm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở mỗi quốc gia là khác nhau tùy vào các đặc điểm về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội,… Điều này đặt ra vấn đề, nếu các bên thỏa thuận pháp luật một quốc gia giải quyết việc bồi thường mà vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng, các bên có quyền thỏa thuận tiếp pháp luật của một quốc gia khác để giải quyết vấn đề còn dở dang không? Nói cách khác, pháp luật Việt Nam có công nhận khả năng lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật để điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không? Việc cho phép các bên lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật được coi là tôn trọng quyền tự do lựa chọn, nhưng giải pháp này đặt ra nhiều khó khăn trên thực tế về việc áp dụng bởi việc tìm hiểu, nắm rõ quy định của pháp luật nuớc ngoài là vấn đề khó khăn và phức tạp.

Dựa vào nguyên tắc tự do thỏa thuận những nội dung pháp luật không cấm, việc lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là có thể. Tuy nhiên, khi các bên thỏa thuận lựa chọn pháp luật, chỉ nên lựa chọn một hệ thống pháp luật giải quyết. Nếu các bên lựa chọn nhiều hệ thống pháp luật giải quyết sẽ dẫn đến vấn đề tìm kiếm, giải thích và hiểu rõ quy định pháp luật nước ngoài khó khăn chồng thêm khó khăn cho Tòa án giải quyết lẫn các bên. Có thể quy định về vấn đề lựa chọn pháp luật giải quyết như sau: “Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật của một nước để áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nếu pháp luật của nước này không điều chỉnh hết nội dung bồi thường, các bên có quyền tiếp tục thỏa thuận lựa chọn tiếp hệ thống pháp luật một nước khác để điều chỉnh các vấn đề còn lại”.

2.3. Về nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại

Trước khi phân tích vấn đề này, có thể lấy ví dụ: Ông A mang quốc tịch Việt Nam, ông B mang quốc tịch Mỹ. Trong một lần ông B sang Việt Nam du lịch, trong lúc đi qua đường ông B bị ông A điều khiển xe máy vượt đèn tín hiệu giao thông va chạm phải. Vụ va chạm khiến ông B đập đầu vào vỉa hè, đồng thời bị gãy một bên chân. Tuy nhiên, sau khi khám sơ bộ tại Việt Nam, ông B được bác sĩ cho biết là không có gì nguy hiểm, chỉ cần băng bó chân là ổn. Do có việc gấp, nên ông B trở về Mỹ và nói với ông A sẽ quay trở lại Việt Nam để khởi kiện ông A để yêu cầu bồi thường, giữa hai người không có thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Sau khi trở về Mỹ một tuần, ông B liên tục bị đau đầu, khi đến bệnh viện ở Mỹ khám lại, ông B phát hiện máu bầm tụ trong não do di chứng của tai nạn giữa A và B, cần phải loại bỏ gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vậy khi quay lại Việt Nam, khi B khởi kiện A ra Tòa án Việt Nam nếu không có thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng để giải quyết trách nhiệm bồi thường giữa A và B thì pháp luật nước nào sẽ được áp dụng giải quyết?

Trong tình huống trên, có thể thấy rõ hậu quả phát sinh (chân ông B bị gãy và máu bầm xuất hiện trong não ông B) của sự kiện gây thiệt hại (A vượt đèn tín hiệu va chạm phải B) xuất hiện ở cả hai nước Việt Nam và Mỹ. Điều này cho thấy một thực tế, việc phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại không phải nhất thiết là trên cùng lãnh thổ một quốc gia mà có thể xuất hiện trên lãnh thổ nhiều nước. Điều này cho thấy quy định về “pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng” là có thể vướng phải hạn chế, khiến Tòa án khó xác định hệ thống pháp luật của nước nào sẽ được áp dụng giải quyết khi các bên đương sự không có thỏa thuận lựa chọn pháp luật để giải quyết về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bài viết đề xuất cần bổ sung thêm vào quy định cụ thể như sau: “Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng. Trong trường hợp nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại xảy ra ở nhiều nước thì pháp luật của nước đầu tiên mà hậu quả phát sinh của sự kiện gây thiệt hại xuất hiện sẽ được áp dụng. Nếu đã áp dụng pháp luật của nước đầu tiên không điều chỉnh hết nội dung bồi thường thì tiếp tục áp dụng pháp luật của các nước tiếp theo theo thứ tự phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại”.

3. Kết luận

Khi xã hội ngày càng phát triển và phát sinh các vấn đề mới trong các quan hệ xã hội nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói riêng, các quy định về trách nhiệm này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, việc khắc phục những bất cập và hoàn thiện hơn nữa những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là điều vô cùng quan trọng. Những đề xuất về hướng hoàn thiện của bài viết sẽ góp phầnxây dựng quy định pháp luật dân sự về chế định này ngày càng hoàn thiện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.

NON-CONTRACTUAL RELATION INVOLVING FOREIGN ELEMENTS: CURRENT STATE AND SOLUTIONS

LLM. BUI THI MY HUONG - LLM. PHAN PHI LONG - LLM NGUYỄN HUỲNH ANH

Faculty of Law, Can Tho University

ABSTRACT:

Non-contractual compensation liability is one of the important regulations under the civil law of Vietnam to protect the legitimate rights and interests of entities who suffer losses or damages from wrongful acts of other entities. Amid the current globalization, civil relations have become more complicated and diverse, thus the compensation for non-contractual relation involving foreign elements has emerged as an important legal issue that need to be governed by consistent rules. Therefore, this article points out some shortcomings of the current laws on this issue and proposes recommendations to revise the relevant provisions in the 2015 Civil Code.

Keywords: Non-contractual compensation liability, foreign element, 2015 Civil Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-co-yeu-to-nuoc-ngoai-thuc-trang-va-huong-hoan-thien-74064.htm