Trách nhiệm cấp dưỡng cho con khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên.

Hỏi: Theo bản án ly hôn với vợ cũ, chồng tôi có trách nhiệm nuôi con trai nhỏ (6 tuổi). Khi kết hôn với tôi, chồng tôi thỏa thuận cho cháu về ở với mẹ, hàng tháng sẽ cấp dưỡng nuôi con. Mới đây, chồng tôi bị tai nạn mất khả năng lao động nên không thể tiếp tục thực hiện cấp dưỡng.

Tuy nhiên, vợ cũ của anh ấy không chấp nhận, nói sẽ mang con đến trả cho anh ấy nuôi. Xin hỏi trường hợp này tôi có phải thực hiện nghĩa vụ nuôi con/cấp dưỡng thay chồng hay không? (chị Lê Thị Ngọc, 34 tuổi ở Lào Cai).

Hình minh họa.

Trả lời: Theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Điều 118 Luật này cũng quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây: “1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; 2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng; 4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết; 5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn; 6. Trường hợp khác theo quy định của luật.”

Như vậy, tình huống của chồng chị không thuộc trường hợp được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. Bên cạnh đó, theo khoản 2, khoản 3 Điều 374 Bộ luật Dân sự 2015 thì nghĩa vụ dân sự được chấm dứt trong trường hợp: “Theo thỏa thuận của các bên; Bên có quyền miễn thực hiện nghĩa vụ”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Chính vì vậy, chị không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thay chồng mình vì đây là nghĩa vụ trực tiếp không thể chuyển giao.

Trường hợp chồng chị muốn chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của anh ấy thì anh ấy cần thỏa thuận với vợ cũ về việc trực tiếp nuôi con và được sự đồng ý từ mẹ cháu bé

Hỏi: Sau khi thuận tình ly hôn, vợ cũ tôi nhận nuôi con trai 6 tuổi nhưng cô ấy lại không trực tiếp nuôi con mà gửi ông bà ngoại chăm sóc giúp. Tệ hơn, cô ta còn kê khai khống các khoản chi phí để yêu cầu tôi phải cấp dưỡng nuôi con tới 10 triệu đồng mỗi tháng.

Xin luật sư cho biết pháp luật quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con là bao nhiêu % trên mức thu nhập của vợ/chồng? Tôi phải làm gì khi vợ cũ cố tình khai khống những chi phí nhằm tăng mức cấp dưỡng? (Anh Ngô Xuân San, 29 tuổi ở Bình Dương).

Trả lời: Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.” Như vậy, nếu anh không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Về mức cấp dưỡng nuôi con, Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để quyết định người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện trách nhiệm một khoản tiền trong khả năng thu nhập.

Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng còn căn cứ vào những chi phí của người được cấp dưỡng đưa ra, đương nhiên nếu là chi phí hợp lý. Mức cấp dưỡng có thể do hai bên thỏa thuận và có thể thay đổi phụ thuộc vào nhu cầu hoặc sự dao động về giá cả, các khoản chi phí.

Trường hợp vợ cũ của anh đưa ra những chứng từ, hóa đơn khống để tăng tiền cấp dưỡng nuôi con nếu xét thấy những chi phí đó không hợp lý thì Tòa sẽ không giải quyết.

Để chủ động, anh cũng phải đưa ra những căn cứ chứng minh những chi phí đó không có thật hoặc không hợp lý.

Nếu có căn cứ cho rằng vợ cũ cố tình mang con ra làm điều kiện để buộc anh phải cấp dưỡng với mức cao trong khi con anh không được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, anh có quyền khởi kiện thay đổi người nuôi con

Hỏi: Năm 2015, khi người chồng cũ bạc ác, vũ phu bị tuyên án tù về hành vi cố ý gây thương tích cho tôi, tôi mới được giải phóng khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.

Ly hôn xong, tôi dẫn con trai (6 tuổi) đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Tôi rất mừng vì cuộc sống của mẹ con tôi giờ đây đã ổn định, tại nơi ở mới không ai biết về chuyện quá khứ của mẹ con tôi.

Vì hận chồng cũ và muốn không còn liên quan, dính líu đến anh ta, nay tôi muốn làm thủ tục đổi họ cho con sang họ mẹ mà không cần sự đồng ý của chồng cũ có được không?(Chị Bùi Thị Oánh, 35 tuổi ở Bình Phước).

Trả lời: Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi họ như sau: “1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con; đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi; g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ; h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.”

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.”

Căn cứ theo các quy định trên, chị là người có quyền làm thủ tục thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ. Tuy nhiên, do cháu bé chưa đủ 18 tuổi nên việc đổi họ này phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ, nếu cháu từ 09 tuổi trở lên thì cần cả sự đồng ý của cháu nữa.

Như vậy, dù không muốn dính líu gì đến chồng cũ nhưng nếu chị muốn thay đổi họ cho con thì họ của người cha cháu bé sang theo họ mẹ thì chị vẫn phải có sự đồng ý cam kết bằng văn bản của người chồng cũ.

Hỏi: Trước kia, ông bà thông gia vì không tác thành cho bố mẹ thằng bé lấy nhau nên chẳng thèm đoái hoài đến cháu nội. Vợ chồng tôi là ông bà ngoại đã chăm sóc, nâng giấc cháu từ lúc lọt lòng.

Đâu ngờ, một ngày bố nó ghen tuông sát hại vợ rồi bị bắt tù, cháu mới 3 tuổi thành mồ côi mẹ. Sau sự việc, nhà nội đến xin đón cháu về chơi, rồi giữ luôn nó ở lại, còn cấm không cho chúng tôi gặp cháu nữa. Chúng tôi đã mất con gái, lẽ nào giờ lại mất luôn cháu ngoại?

Tôi xin hỏi trong trường hợp này, chúng tôi hay ông bà thông gia mới là người được quyền nuôi cháu? Tôi có nên kiện bên thông gia để đòi cháu ngoại về nuôi, xin luật sư cho tôi một lời khuyên?” (Bà Huỳnh Thị Đẹp, quê Vĩnh Long).

Trả lời: Theo những gì bà trình bày, cháu bé 3 tuổi mồ côi mẹ, bố bị bắt tù nên thuộc diện bắt buộc phải có người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo khoản 2 Điều 52 Luật này, người giám hộ đương nhiên của cháu bé có thể là ông/bà nội hoặc ông/bà ngoại của cháu nếu ông/bà thỏa mãn các quy định cụ thể về điều kiện là người giám hộ. Theo khoản 1 Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ông, bà nội, ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng cháu.

Như vậy, cả ông bà nội và ông bà ngoại cháu bé đều có đủ điều kiện làm người giám hộ cho cháu; nhưng để thuận tiện thì pháp luật quy định cần phải cử ra một người làm giám hộ nên hai bên sẽ phải thỏa thuận để cử một bên làm người giám hộ cũng là người sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho cháu bé.

Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể kiện ra tòa án. Thiết nghĩ, thời điểm hiện tại, hai bên hãy tạm gác lại chuyện thưa kiện tranh chấp nuôi cháu để không gây thêm những bi kịch, sang chấn tâm lý cho cháu bé trước thảm kịch gia đình.

Tình thương dành cho đứa cháu ruột mồ côi mẹ, cha đi tù trong câu chuyện thương tâm trên, ông bà nào cũng có. Và chuyện cháu bé ở với ai có lẽ không quan trọng bằng việc cháu được đảm bảo tốt nhất về quyền lợi mọi mặt, dù thiếu vắng cha mẹ nhưng vẫn được bù đắp bởi tình yêu thương, sự quan tâm của cả ông bà nội ngoại đôi bên.

Quỳnh Lưu (Thực hiện)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/trach-nhiem-cap-duong-cho-con-khi-ly-hon-d79385.html