Trách nhiệm trong sử dụng đất có di tích

Những lùm xùm chung quanh việc liên quan quyền sử dụng đất tại khu di tích dinh thự họ Vương ở Hà Giang mới đây một lần nữa đặt ra những vấn đề trong công tác cấp 'sổ đỏ' cho di tích được xếp hạng. Bởi, dù di tích thuộc loại hình sở hữu nào cũng là di sản vô giá của địa phương, của quốc gia, cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để bảo đảm vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ, đem lại sự hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu di tích với vai trò quản lý của Nhà nước và việc giữ gìn giá trị của di sản.

Với tư cách là tài sản có ý nghĩa về văn hóa và lịch sử của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất, các di tích là tài sản vô giá, ghi dấu sự tồn tại và phát triển của lịch sử, văn hóa ở mỗi quốc gia. Di tích được chia làm bốn loại: di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và di tích danh lam thắng cảnh. Là một quốc gia có lịch sử lâu đời, Việt Nam sở hữu nhiều di tích trải rộng mọi miền đất nước, không chỉ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng mà còn là những địa danh thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến. Về quản lý xã hội, căn cứ vào giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học mà di tích được công nhận theo thứ tự: di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tính đến ngày 31-12-2017, tổng số di tích quốc gia đã được xếp hạng là 3.447, trong đó di tích lịch sử là 1.603, di tích kiến trúc nghệ thuật là 1.594, di tích khảo cổ là 99, di tích danh lam thắng cảnh là 151. Riêng trong năm 2017, đã có 55 di tích mới được xếp hạng (gồm 27 di tích lịch sử, 15 di tích kiến trúc nghệ thuật, 7 di tích khảo cổ, 6 di tích danh lam thắng cảnh). Cũng theo thống kê của Bộ VHTTDL, tổng số di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng trong năm 2017 là 10, và tổng số di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng tính đến hết năm 2017 là 95.

Với số lượng di tích đã được xếp hạng (gồm cả cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt), đồng thời có sự gia tăng qua mỗi năm, đã nảy sinh không ít vấn đề cần phải giải quyết. Hiện có nhiều di tích, kể cả di tích quốc gia là sở hữu hợp pháp của cá nhân, gia đình, nhưng việc quản lý, sử dụng phải tuân thủ theo Luật Di sản. Điều này đã dẫn tới những xung đột về lợi ích những bất cập trong việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với di tích khiến xảy ra tình trạng người dân từ chối việc công nhận di tích, tự ý xâm hại, hủy hoại di tích mà họ sở hữu thay vì nêu cao ý thức giữ gìn, tôn tạo. Chỉ riêng việc sở hữu, quản lý và bảo vệ di tích cũng đã nổi lên những lỗ hổng pháp lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các khu đất có di tích dẫn đến tranh cãi, thậm chí gây bức xúc dư luận.

Trước hết, khu vực đất đai có di tích được hiểu là toàn bộ phần diện tích đất có chứa di tích, gồm cả vùng lõi di tích (khu vực 1) và vùng đệm di tích (khu vực 2). Di tích, đặc biệt là những di tích đã được xếp hạng, dù thuộc sở hữu tư nhân thì cũng cần có sự quản lý của Nhà nước, bởi đây là những tài sản quốc gia cần được bảo vệ, giữ gìn cho các thế hệ sau. Khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau đây: a) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; b) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý diện tích đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Như vậy, pháp luật quy định rất cụ thể về việc quản lý đất đai có di tích, đồng thời quy định rất cụ thể về trách nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số trường hợp chưa phân biệt rõ ràng về chủ sở hữu của di tích, dẫn đến tranh cãi, khiếu nại mà sự kiện con cháu họ Vương yêu cầu về quyền sở hữu đối với dinh thự của dòng họ ở xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang là thí dụ tiêu biểu. Năm 1993, dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa - Thông tin thời kỳ đó công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên việc Nhà nước công nhận di tích quốc gia không đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa đất đai và tài sản trên đất đai, cho nên về nguyên tắc thì di sản vẫn thuộc quyền sở hữu của tư nhân, Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ để bảo vệ di sản. Sai phạm phát sinh từ việc năm 2012, trong quá trình rà soát các địa điểm thuộc quyền quản lý của Nhà nước để cấp sổ đỏ, tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ khu dinh thự của họ Vương (còn được gọi là dinh thự vua Mèo) cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn để phụ trách quản lý đất và di tích. Như vậy là đất thuộc sở hữu của tư nhân đã bị chuyển đổi thành đất thuộc sở hữu của Nhà nước.

Hiện nay, không chỉ dinh thự họ Vương tại Hà Giang, mà nhiều ngôi nhà cổ tại di sản đô thị Hội An hay các nhà cổ tại Đường Lâm, phố cổ Hà Nội… cũng là di sản được xếp hạng và đều thuộc quyền sở hữu hoặc đồng sở hữu của tư nhân. Ở Hội An, phần lớn những ngôi nhà có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 được xem như bảo tàng sống về kiến trúc, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Đáng nói là người dân sinh sống tại đây vẫn được giữ quyền sở hữu, sử dụng nhà đất. Tuy nhiên do quan hệ giữa vấn đề quản lý của Nhà nước để bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa của một đô thị cổ với lợi ích trực tiếp, cụ thể của người dân được giải quyết hài hòa nên những bất cập nêu trên không còn là vấn đề cản trở trong việc chính quyền và người dân chung tay xây dựng Hội An trở thành tài sản văn hóa chung, một địa danh du lịch nổi tiếng. Nhưng không phải khu di tích nào cũng giải quyết tốt mối quan hệ này, từ đó làm nảy sinh một số hệ lụy không đáng có.

Liên quan vấn đề “sổ đỏ” - tên gọi đã được xã hội hóa của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có quy định rõ ràng về quyền sở hữu đối với các di tích, thừa nhận cũng như tôn trọng quyền sở hữu của cá nhân đối với di tích. Về sở hữu, có bốn hình thức sở hữu gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu của tập thể; sở hữu của tư nhân; sở hữu chung hỗn hợp. Khoản 1 Điều 14 Luật Di sản văn hóa quy định tổ chức hay cá nhân đều có quyền “sở hữu hợp pháp di sản văn hóa”. Đồng thời, tại Điều 27 Nghị định 43/2014 NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh như sau: “1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập do cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đó. 2. Trường hợp di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một khu vực có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng người sử dụng, từng loại đất trong khu vực đó. Người sử dụng đất phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Như vậy, luật pháp đã quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu vực đất có di tích, cho nên thiết nghĩ, bất cập lớn nhất hiện nay phải chăng do cơ quan quản lý cấp địa phương chưa nắm chắc các văn bản luật liên quan quyền sử dụng đất có di tích, hoặc vì lý do nào khác? Hơn nữa, việc thực thi đôi khi chưa thật sự nghiêm minh, dẫn đến sai sót và tranh chấp. Một bất cập khác là sự nhầm lẫn của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về hình thức sở hữu của di tích tại địa phương mình, dẫn đến cấp “sổ đỏ” chưa đúng đối tượng. Cũng cần đề cập tới nhận thức của người dân cũng như một số cơ quan quản lý về di sản và Luật Di sản văn hóa chưa thấu đáo, việc khoanh vùng di tích (theo Luật Di sản văn hóa) chưa được chú trọng thực hiện dẫn đến các tranh chấp không đáng có của những hộ dân có đất đai nằm trong di tích, khiến việc cấp “sổ đỏ” cho đất có di tích còn gặp khó khăn. Chưa kể vẫn còn tình trạng một số địa phương mới chỉ quan tâm việc tu bổ để giữ di tích, vẫn giữ tư duy, đầu tư cho di tích nhằm khai thác theo kiểu tận thu chứ không muốn đầu tư kinh phí để khoanh vùng, cắm mốc giới cho di tích để gìn giữ, bảo vệ di tích một cách bền vững.

Việc cấp “sổ đỏ” cho di tích có sở hữu tư nhân là cần thiết, vừa để bảo đảm quyền và lợi ích của người sở hữu, tránh xảy ra tranh chấp, vừa xác định rõ người chịu trách nhiệm quản lý chính việc sử dụng đất có di tích. Sự nghiêm túc này sẽ góp phần rất lớn vào việc xác định trách nhiệm của Nhà nước và người dân (gia đình, các gia đình) có quyền sở hữu trong việc cùng phối hợp khai thác, tôn vinh giá trị cũng như trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn di tích. Hy vọng thời gian tới, các địa phương, các ngành liên quan, cần nhanh chóng tiến hành rà soát, phát hiện những sai sót, vướng mắc trong việc cấp “sổ đỏ” cho các di tích, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để giải quyết hài hòa lợi ích của địa phương và chủ sở hữu di tích, cũng như nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với các di tích đã được xếp hạng.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37543802-trach-nhiem-trong-su-dung-dat-co-di-tich.html