Trách nhiệm và niềm tin

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế hệ hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc.

Vâng, quả đúng như vậy, nếu mỗi người, mỗi gia đình, hay rộng hơn là mỗi cấp, ngành, cả hệ thống chính trị cùng xác định được vai trò, trách nhiệm với xã hội thì niềm tin về một nước Việt Nam thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh sẽ là hiện thực trong tầm tay.

Trong hơn 20 năm đổi mới, dù có lúc thăng trầm, song nhìn chung kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá (trung bình 6,63%/năm), riêng năm 2017 tăng 6,81% và 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ trên 60% xuống còn khoảng 7%, quy mô nền kinh tế đang đứng thứ 44 thế giới (tính theo GDP). Với đà tăng trưởng này, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng tới tròn 100 năm đất nước độc lập (2045), Việt Nam sẽ đạt mức GDP 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD (hiện khoảng 2.540 USD).

Song, Thủ tướng cũng cảnh báo không được chủ quan, say sưa với kết quả đã đạt được, mà cần tập trung phấn đấu hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng XII đã đặt ra: Đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn vậy thì phải ngay lập tức bỏ thói quan liêu, xa hoa, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... dồn hết tinh lực để xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều phải tự học hỏi nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật, nâng cao hiệu suất lao động mới có thể đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh mà bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ đưa ra hình ảnh một đàn chim muốn bay nhanh thì mỗi con chim đều phải có khát vọng về miền đất hứa, chứ không chỉ là những con cuối đàn. Tương tự, muốn đất nước ngày càng giàu mạnh, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc thì mỗi người đều phải có khát vọng vươn lên, ý chí vượt qua mọi khó khăn gian khổ, giành chiến thắng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vẫn biết mục tiêu tới 2045, Việt Nam đạt mức GDP 2.500 tỷ USD là không hề đơn giản, nhưng phải luôn nuôi dưỡng khát vọng, không ngừng phấn đấu để hiện thực hóa mục tiêu, hướng tới sự thịnh vượng.

Chính niềm tin và khát vọng là động lực giúp Việt Nam dần đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, khoảng cách thu nhập đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 1990, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần... Song, để bảo vệ các thành quả đó và đạt được những mục tiêu đặt ra là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn của các cấp, ngành và mỗi cá nhân.

Minh chứng cho sự quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến tạo, phục vụ nhân dân, đưa kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngay cả lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, để có thể nắm bắt kịp thời cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vượt qua được ranh giới trình độ phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Quan điểm của Chính phủ là cả dân tộc phát triển nhanh nhưng phải đều, quyết không để ai bị tụt lại phía sau, bị hố sâu giàu nghèo ngăn cách.

Và tất nhiên, để tạo động lực, thúc đẩy, khuyến khích mọi người trong xã hội nuôi dưỡng khát vọng, tạo dựng ý chí vươn lên, nâng cao năng lực làm việc, hiệu suất lao động thì mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương mẫu mực nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, đi trước về sau... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước phải thấm nhuần, quán triệt đầy đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức Chủ tịch nước: Mỗi cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Theo đó người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, mỗi cấp, ngành hãy cùng tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để có thể đưa đất nước phát triển vượt bậc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Quan điểm nhất quán đó được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gói gọn vào một câu: “Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc”. Câu nói ngắn gọn nhưng hàm ý sâu xa, cô đọng, xúc tích, mang tính đòn bẩy giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội có động lực chung vai góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, hướng tới chân trời ấm no, hạnh phúc. Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trách nhiệm của các ngành, các cấp, toàn xã hội sẽ hưởng ứng với niềm tin vào một tương lai tươi sáng, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/trach-nhiem-va-niem-tin-tintuc421805