Trách nhiệm với tài sản công

Thương vụ bán chỉ định hơn 30 ha đất tại Khu dân cư (KDC) Phước Kiển của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận, một đơn vị 100% vốn trực thuộc Thành ủy TP HCM) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) dù đã được chính cơ quan chủ quản là Thành ủy TP HCM yêu cầu hủy hợp đồng, thế nhưng trách nhiệm cá nhân trong vụ việc khuất tất này vẫn còn bỏ ngỏ.

Hủy thương vụ bất động sản trên, theo Thành ủy TP HCM là vì việc ký hợp đồng không đúng quy định trong việc quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố. Tuy nhiên, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra việc bán đất công sản với giá rẻ như bèo (1,29 triệu/m2) này cần phải được làm rõ.

Trước hết, về mặt kinh tế thì việc thông báo hủy hợp đồng với QCG đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp này. Một trong các hệ lụy đó đã khiến QCG chỉ sau một đêm mất hơn 135 tỷ đồng vốn hóa do cổ phiếu QCG lao dốc (Báo cáo thị trường chứng khoán ngày 19/4). Thiệt hại cho doanh nghiệp đã khiến Công ty Tân Thuận rơi vào tình thế khó khăn.

Trong thương vụ trên, không thể một mình Tân Thuận có thể quyết định được các vấn đề liên quan đến việc bán hơn 30 ha đất của KDC Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai, mà chưa có sự cho phép của cơ quan chủ quản, của người có thẩm quyền. Khi yêu cầu hủy hợp đồng cũng cần phải có trách nhiệm làm rõ những sai phạm cá nhân. Ai sai đến đâu phải làm rõ, xử lý đến đó; phải chịu trách nhiệm vì thiếu kiểm tra, giám sát đơn vị thành viên. Bởi vì rõ ràng, 30 ha đất ở trung tâm TP HCM hiện là một tài sản có giá trị “khủng”, nên không thể đơn giản, qua loa.

Hiện nay, KDC Phước Kiển là dự án trọng tâm và lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai với giá trị đầu tư tính đến cuối năm 2017 lên tới hơn 5.075 tỷ đồng. Nếu không xử lý công bằng, khách quan, tuân thủ quy trình luật pháp, thì không những thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư vốn được coi là thông thoáng, ưu việt của thành phố lâu nay.

Theo thông cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Thành phố không đồng ý việc bán chỉ định thương vụ và yêu cầu Công ty Tân Thuận phải đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Đồng thời, Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.

Thành ủy TP HCM khẳng định khi biết thông tin về việc này thì ngày 27/12/2017, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo cho Thường trực Thành ủy.

Dư luận đòi hỏi, nếu một thương vụ với giá rẻ bất thường, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước thì cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc buông lỏng, thiếu giám sát, kiểm tra, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tài sản nhà nước, về nguyên tắc không phải thích bán là bán, mà phải tuân theo các quy định của pháp luật, của cơ quan chủ quản. Trường hợp này cơ quan chủ quản, đại diện quản lý phần vốn nhà nước trong Công ty Tân Thuận còn cần phải tuân theo các quy định của Đảng.

Nếu phát hiện có thất thoát tài sản nhà nước tại thương vụ hơn 30 ha KDC Phước Kiển thì trước hết phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Công ty Tân Thuận. Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan chủ quản trước pháp luật, sai đến đâu phải làm rõ trách nhiệm đến đó, nhất là trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Nhìn từ vụ việc tương tự liên quan đến sang nhượng, bán đất công tại TP Đà Nẵng mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định kỷ luật đối với 5 lãnh đạo cấp sở, ngành vì có những sai phạm trong quản lý điều hành. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật đối với nhiều cá nhân là lãnh đạo các sở ngành, trong đó xem xét kỷ luật đối với những người đứng đầu vì đã có những vi phạm trong quá trình điều hành, công tác.

Chính Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khi nói về việc nhà đất công bị “xẻ thịt”, cũng đã phải thốt lên rằng, trong thời gian sắp tới, thành phố sẽ xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý tài sản công chặt chẽ hơn. Và vì, không thể tình trạng một cá nhân “đi đêm” đã có thể dễ dàng được đặc quyền mua nhiều đất công giá rẻ như thế.

Cũng như Đà Nẵng, TP HCM có ưu thế là đô thị có tốc độ phát triển nhanh, hệ lụy là việc quy hoạch chưa phù hợp, không theo kịp, nên nảy sinh nhiều bất cập. Có những thời điểm, thành phố đưa ra một số chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nhưng chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

Việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các sai phạm là yêu cầu bức thiết để đảm bảo kỷ cương pháp luật, lấy lại niềm tin của người dân. Không chỉ là xử lý trách nhiệm trong thương vụ này, TP HCM cũng cần quyết liệt kiểm tra, giám sát, lật lại các dự án đất công khác có dấu hiệu sai phạm. Về lâu dài, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt liêm chính, trong sạch, làm việc vì dân của thành phố trong thời gian tới là rất quan trọng và nặng nề.

Cơ chế đặc thù của TP HCM là để phát huy được sự năng động của đầu tàu kinh tế phía Nam, khai thác triệt để tiềm năng, nguồn lực và thế mạnh của địa phương thay vì để cho tình trạng tranh thủ “kẽ hở” của pháp luật để tư lợi, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và làm tha hóa, hư hỏng cán bộ.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/trach-nhiem-voi-tai-san-cong-tintuc401486