Trái cây chỉ còn 'cửa' xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn quý Dương (ảnh)- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nói: Khả năng cao thời gian tới, Trung Quốc còn áp dụng những quy định, yêu cầu khắt khe hơn nữa với trái cây NK. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy XK chính ngạch kết hợp nâng cao chất lượng là hướng đi ổn định, bền vững cho trái cây nói riêng, nông sản Việt nói chung.

Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Ngày 26/4/2019, hai nước đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt và Nghị định thư về XK sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Từ cuối năm ngoái đến nay, phía Trung Quốc ngày càng siết chặt quy định, yêu cầu NK trái cây, gây nhiều khó khăn khi XK trái cây sang thị trường tỷ dân này. Ông đánh giá như thế nào về động thái từ phía Trung Quốc?

Trên thực tế, khi các nước XK chính ngạch vào Trung Quốc, chính quyền Trung ương Trung Quốc mới có thể nắm bắt được, còn XK tiểu ngạch, chính quyền Trung ương không nắm được hết. Trung Quốc suốt một thời gian gian dài đã nới lỏng chính sách, cho cơ chế để các tỉnh nghèo như Vân Nam, Quảng Tây thúc đẩy XNK của địa phương, giúp kinh tế đi lên. Hiện nay, Trung Quốc bắt đầu siết lại để có thể quản lý.

Ngay tại thị trường nội địa Trung Quốc trước đây, người nông dân cũng sử dụng hóa chất khá lung tung, song mấy năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu quan tâm khá nhiều. Sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cũng đang nâng cao yêu cầu về an toàn thực phẩm. Vì vậy, với hàng NK, Trung Quốc cũng bắt đầu nâng yêu cầu, kiểm soát chất lượng. Bản thân phía Trung Quốc muốn quản lý tình hình XNK nên những động thái siết chặt từ phía Trung Quốc là bình thường.

Ở góc độ nhất định, điều này cũng tốt cho sản xuất của Việt Nam, đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng, cần quan tâm hơn tới vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác,… Người sản xuất phải hình thành tư tưởng, sản xuất để bán, sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường. XK sang Trung Quốc cũng cần làm tốt mới có thể xuất được. Ngoài hàng XK, làm được như vậy, thị trường nội địa cũng sẽ được hưởng lợi.

Xin ông cho biết rõ hơn tình hình XK trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ đầu năm đến nay? Phải chăng chỉ XK tiểu ngạch mới gặp khó, thưa ông?

Tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam XK vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu XK chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.

Từ đầu năm đến nay, về cơ bản các DN lớn XK những loại quả này đều nắm được thông tin, yêu cầu từ phía Trung Quốc. Hàng hóa có thể có thời điểm ùn ứ tại cửa khẩu do chính vụ hoa quả, lượng xuất nhiều chứ không có chuyện DN gặp khó do không nắm được thông tin, quy định thay đổi từ phía Trung Quốc.

Khó khăn xuất hiện chủ yếu ở một số loại trái cây vốn có lượng XK khá lớn sang Trung Quốc, song chưa được cấp phép XK chính ngạch nên nay không thể XK. Ví dụ điển hình như mặt hàng sầu riêng, dừa,... Hiện, toàn quốc có tới 47.000 ha sầu riêng. 2 năm trở lại đây, đây được xem là loại cây tiền tỷ. Năm 2018, trên diện tích trồng 1ha sầu riêng, có gia đình đã thu được số tiền hơn 1 tỷ đồng khi năng suất trung bình đạt khoảng 20 tấn/ha, với mức giá bán ngay tại vườn lên tới 70.000 đồng/kg. Sầu riêng của Việt Nam hầu như chỉ XK sang Trung Quốc. Người Trung Quốc rất thích sầu riêng, thậm chí coi đây như vua của các loại quả, ăn sầu riêng có thể đem lại may mắn. Năm nay, sầu riêng chưa được vào diện XK chính ngạch nên rất khó khăn.

Dự báo sắp tới, liệu phía phía Trung Quốc có từng bước siết chặt thêm quy định, yêu cầu với trái cây Việt không, thưa ông?

Hiện nay, với trái cây XK chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác. Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, phía Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo tất cả các tỉnh, đừng nghĩ cấp xong là xong.

Kinh nghiệm làm việc với phía Trung Quốc về mặt hàng gạo cho thấy: Muốn XK gạo sang Trung Quốc, DN XK phải vào danh sách được phép XK. Phía Trung Quốc sang kiểm tra thực tế cả DN XK lẫn nhà máy chế biến, kiểm tra vùng trồng...

Để ngành trái cây Việt tránh rơi vào thế bị động khi giao thương với thị trường Trung Quốc, xin ông cho biết, ngay từ thời điểm hiện tại, đâu là những việc cần gấp rút triển khai?

Hiện nay, việc phải làm là tiếp tục rà soát những diện tích đã cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP. Mấy năm vừa qua, ví dụ với riêng mặt hàng quả vải, dù phía Trung Quốc chưa yêu cầu nhưng khi sang Việt Nam, vùng trồng nào được cấp mã số đi các nước phát triển, vùng nào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì phía Trung Quốc nhanh chóng đặt mua, khá cạnh tranh. Mình nên chủ động trước, tổ chức sản xuất, đánh giá, hướng dẫn bà con sản xuất, cấp chứng nhận VietGAP.

Thứ hai là cần có những chính sách cho bà con nông dân liên kết thành từng nhóm, tổ, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa không chỉ bán cho Trung Quốc mà còn bán cho các nước phát triển. Đây là sản xuất hàng hóa, cần có những chính sách thúc đẩy sản xuất. Ví dụ, chương trình 15.000 hợp tác xã của Bộ NN&PTNT, hình thành hợp tác xã kiểu mới, có đầu ra ổn định.Việc đưa tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ sản xuất vào cũng khá thuận lợi. Đây là hướng mà Trung Quốc, Thái Lan đang đi. Việt Nam cũng cần làm mạnh hơn để có nông sản tốt phục vụ XK cũng như thị trường nội địa.

Rõ ràng, XK trái cây tiểu ngạch đã dần không còn "cửa" vào thị trường Trung Quốc mà chủ yếu phải thúc đẩy XK chính ngạch. Ngành nông nghiệp đã và đang có kế hoạch gì cho vấn đề này, thưa ông?

Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy XK chính ngạch sang Trung Quốc. Hiên nay, mặt hàng đang được thúc đẩy khá thích cực là sầu riêng. Bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu năm 2019, hy vọng đến năm 2020, sầu rêng sẽ được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Sau sầu rêng, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc là: Dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ…

Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Doanh nghiệp nên thay đổi dần tư duy

Những tháng đầu năm nay, dù XK rau quả vào thị trường Trung Quốc có giảm tốc nhưng đây chỉ là bước giảm tạm thời. Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn. Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy XNK giữa 2 nước tiếp tục tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp muốn các DN phải chuyển đổi dần tư duy, nên hướng đến việc XK hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác.

Ông Võ Quan Huy-Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình: Phải nhìn nhận thị trường Trung Quốc có nhiều đẳng cấp

Trên thực tế, cần phải nhìn nhận rõ thị trường Trung Quốc có nhiều đẳng cấp. Do trước đây chúng ta thường tiếp cận đẳng cấp thấp nên bây giờ chúng ta phải nâng cấp lên. Đây là câu chuyện của sự phát triển chứ không phải rào cản. Các mặt hàng tốt vẫn có thể XK sang Trung Quốc. Chúng ta phải sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn để lúc nào sản phẩm cũng bán được, bởi không có tiêu chuẩn thì hàng hóa sẽ lúc bán được lúc không, dẫn đến tình trạng giải cứu.

Ông Shi Xin Biao - Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.,Ltd: DN Việt cần trực tiếp sang tìm hiểu thị trường Trung Quốc

10 năm tới, nhu cầu gia tăng hoa quả từ Trung Quốc sẽ chững lại nhưng yêu cầu về chất lượng lại được nâng lên. Để đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra, Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa quả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu giữ; làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì. DN Việt Nam cũng cần trực tiếp sang Trung Quốc tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; nắm bắt được thời điểm thu hoạch hoa quả của Trung Quốc để XK hiệu quả.

Đức Phong (ghi)

Thanh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/trai-cay-chi-con-cua-xuat-chinh-ngach-sang-trung-quoc-109149-109149.html