Trái chiều ý kiến về chấm chéo bài thi THPT quốc gia

Chấm thi theo cụm hay theo địa phương đang là vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng để thống nhất điều chỉnh trong Kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo diễn ra vào ngày 17.9.

Thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa: KA

Nên hay không chấm thi theo cụm?

Vấn đề về chấm bài thi đã nhiều ý kiến từ phía các lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) địa phương. Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng đề xuất chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm chấm tập trung, chấm chéo sẽ không gây khó khăn gì. Trước đây, một số năm chúng ta tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành. Vấn đề là chúng ta cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý.

Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh rằng việc phối hợp giữa Sở và trường đại học cần gắn chặt hơn nữa; có thể thay đổi, không phải là trường đại học đứng trên địa bàn phối hợp với các sở GDĐT địa phương mà có thể hoán đổi dưới nhiều hình thức khác nhau để luôn tạo sự mới mẻ, sự giám sát lẫn nhau được tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GDĐT Vĩnh Long lại cho rằng chỉ cần thành lập tổ chấm liên tỉnh hoặc khu vực đối với bài thi trắc nghiệm. Quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi do Bộ GDĐT ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố.

Đối với bài thi tự luận, bà Thanh đề nghị vẫn giao cho địa phương chấm thi nhưng thống nhất tổ chức đánh phách 1 vòng và cách li Ban làm phách hoàn toàn từ lúc làm nhiệm vụ đến lúc chấm xong bài thi cuối cùng.

Cho rằng không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa lí giải trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Bà Hằng đặt vấn đề về tầm quan trọng trong việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế. Các địa phương có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, thanh tra Sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian đối của cán bộ chấm thi.

Mỗi môn thi là một phiếu trả lời

Tại buổi họp, các đại biểu cũng đề xuất việc tách phiếu trả lời trắc nghiệm ở các bài thi tổ hợp.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng phân tích: “Thực tiễn làm công tác thi, chúng tôi thấy việc chỉ dùng 1 phiếu trả lời trắc nghiệm cho môn tổ hợp cũng gây nên phiền toái cho giám thị giám sát. Đồng thời, đây cùng là kẽ hở cho thí sinh có thể hỏi bài bạn để vào môn thi thứ 2 tiếp tục chỉnh sửa. Ông Vĩnh đề xuất, mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác.

Các đại biểu đề xuất tách riêng, làm phách phiếu trả lời trắc nghiệm để hạn chế tiêu cực

Đồng quan điểm, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam cho rằng không chỉ mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm mà trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách. Điều này giúp cho người xử lý bài thi không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.

Ông Quốc cũng nhấn mạnh việc Bộ cần chỉ đạo để các trường đại học thấy rằng, việc các trường về địa phương, cùng địa phương tổ chức thi là trách nhiệm.

“Tôi có cảm giác 2 năm vừa rồi, việc bố trí cán bộ làm công tác thi ở địa phương không được một số trường đại học, cao đẳng quan tâm đúng mức. Nhiều trường không cử giảng viên mà cử nhân viên làm nhiệm vụ coi thi; như vậy sẽ không đảm bảo tính nghiêm túc”, ông Quốc bày tỏ.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/trai-chieu-y-kien-ve-cham-cheo-bai-thi-thpt-quoc-gia-631407.ldo