'Trái đắng' nhớ đời từ quảng cáo 2 phút bị gỡ khỏi Youtube của Pepsi

Pepsi cố gắng đưa ra một thông điệp xã hội ý nghĩa trong TVC quảng cáo mới nhất của họ, nhưng thực tế họ đã phải hạ quảng cáo chỉ sau đúng 1 ngày.

Mới đây, hãng nước giải khát nổi tiếng thế giới Pepsi đã tung ra một đoạn quảng cáo trong có có sự xuất hiện của Kendall Jenner - em gái cô Kim 'siêu vòng 3', một trong những ngôi sao trẻ có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội với gần 80 triệu người theo dõi trên Instagram. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận, chỉ sau 1 ngày, clip quảng cáo đã phải gỡ khỏi Youtube vì vấp phải làn sóng mạnh mẽ từ cư dân mạng.

Đoạn clip dài 2 phút diễn tả lại cảnh một người mẫu (Kendall Jenner) đang chụp hình với ekip. Khi thấy đoàn người biểu tình đi ngang qua, ngôi sao này đã bỏ buổi chụp hình và hòa vào dòng người. Cảnh đặc biệt nhất là hình ảnh siêu mẫu xinh đẹp tiến đến gần một sĩ quan cảnh sát và 'cảm hóa' anh này chỉ bằng một lon Pepsi. Cô này sau đó nhận được những tràng vỗ tay hoan hỉ từ phía đoàn người biểu tình và một nụ cười cảm kích từ phía viên sĩ quan. Còn những người biểu tình thì ôm nhau cười vui vẻ và tất nhiên, không thể thiếu việc họ cũng uống... Pepsi.

Hình ảnh được cho là 'nhạy cảm' trong clip quảng cáo của Pepsi có bố cục giống với...

... bức ảnh một phụ nữ da màu đứng biểu tình ôn hòa do Reuters chụp, nhưng điểm khác biệt là trong khi cô siêu mẫu rất bình thản và tươi cười thì người phụ nữ da màu bang Louisianaa (Mỹ) chẳng vui vẻ gì vì hai sĩ quan cảnh sát chống bạo động đang sẵn sàng bắt cô.

Quảng cáo được quay rất đẹp, người mẫu ấn tượng và nhạc nền hay nên đã thu hút được lượng người xem rất lớn ngay trong ngày đầu ra mắt, nhưng đáng tiếc số ý kiến chê bai cũng tăng tỷ lệ thuận với số lượt xem.

Theo chia sẻ của người xem Mỹ, quảng cáo này lấy cảm hứng từ “Black Lives Matter" - phong trào 'Người da màu đáng được sống' nhằm chống lại bất bình đẳng và bạo lực của cảnh sát đối với những người Mỹ gốc Phi. Lý do khiến quảng cáo này bị dislike mạnh mẽ đến vậy là bởi, hãng nước uống này đã đánh giá quá cao thứ nước uống giải khát của mình khi đưa ra thông điệp rằng: sản phẩm của họ có thể giúp giải quyết các mâu thuẫn xã hội, khiến mọi người xích lại gần nhau hơn.

Như đã biết, mâu thuẫn sắc tộc là vấn đề nhức nhối tồn tại khá sâu trong lòng xã hội Mỹ. Đã có rất nhiều vụ xô xát giữa những người da đen và cảnh sát gây thương vong thậm chí là thiệt mạng. Hình ảnh Kendall Jenner – một cô gái da trắng – hóa giải cuộc biểu tình chỉ bằng một lon Pepsi khiến những người trong cuộc cảm thấy tổn thương và bị coi thường.

Từng là một trong những người tổ chức cuộc vận động Black Lives Matter trước đây, bà Elle Hearns, Giám đốc điều hành của Viện Marsha P. Johnson khẳng định: 'Không một ai cảm thấy vui vẻ nhờ có Pepsi trong một cuộc biểu tình hết!'. Hàng ngàn người chỉ trích Pepsi đã coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của những mâu thuẫn xã hội và 'tầm thường hóa' những vấn đề nhạy cảm, phản ánh không đúng thực tế và lợi dụng hình ảnh của những cuộc biểu tình nghiêm túc để quảng cáo cho sản phẩm.

Pepsi không phải là thương hiệu đầu tiên bị tẩy chay vì quảng cáo đụng đến vấn đề nhạy cảm

Pepsi không phải là nhãn hiệu đầu tiên phải hứng chịu 'gạch đá' từ dư luận bởi sự thiếu tinh tế khi truyền tải thông điệp. Năm 2002, hãng Starbucks cũng đưa ra một chiến dịch marketing rất hấp dẫn mang tên 'Collapse into cool' (Tan vỡ trong sự mát lạnh).

Quảng cáo gợi đến sự thương vong của Mỹ

Tuy vậy, chiến dịch này lại được ra mắt chỉ vài tháng sau sự kiện New York bị tấn công ngày 11/9. Hình ảnh hai cốc Starbucks song song nhau phía trên là một con chuồn chuồn, cùng với chữ 'collapse' có nghĩa là 'sụp đổ' ngay lập tức khiến người tiêu dùng liên tưởng tới hình ảnh chiếc máy bay khủng bố lao vào tòa tháp đôi vô cùng tức giận.

Đối thủ trực tiếp của Pepsi là Coca-cola cũng từng gặp phải rắc rối khi tung quảng cáo tại Trung Đông với ba bức hình: một người đang mệt mỏi trên sa mạc, sau khi uống Coca, anh ta tiếp tục chạy một cách khỏe khoắn.

Nội dung này thoạt tiên có vẻ rất bình thường, nhưng Coca đã quên mất rằng ở những quốc gia Ả Rập người ta đọc từ phải qua trái. Và hình ảnh này khi hiểu theo hướng ngược lại, đã thực sự trở thành một thảm họa.

Quảng cáo gây hiểu lầm của Coca

Có thể thấy rằng đối với các nhãn hiệu lớn, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề chính trị - văn hóa – xã hội trước khi đưa ra bất kỳ một thông điệp nào là vô cùng quan trọng. Các thương hiệu phải chắc chắn rằng những gì họ truyền đạt tới người tiêu dùng là thật sự chân thành, bởi chúng có thể đem lại tiếng tăm, nhưng cũng rất có thể là tai tiếng.

Đoạn quảng cáo của Pepsi quá đẹp, nhưng với nhiều người, nó cũng quá giả tạo. Và phản ứng tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.

Để tránh một scandal tương tự

Để không vấp phải sự cố đáng tiếc như Pepsi, các thương hiệu cần phải hiểu khách hàng của mình trân trọng những giá trị gì, những điều gì là vấn đề nhạy cảm, dễ gây tổn thương và không nên động tới.

Khi muốn đưa ra quan điểm về bất kỳ vấn đề xã hội nào, cách tốt nhất là thăm dò ý kiến của càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là nhóm khách hàng trung thành.

Tất nhiên, các thương hiệu cũng không nên cố gắng đưa ra thông điệp một cách gượng ép nếu vấn đề đó không thực sự liên quan mật thiết tới hoạt động kinh doanh của họ. Đáng lẽ Pepsi phải đặt ra câu hỏi rằng thực sự lon Pepsi của họ có giúp giải quyết được mâu thuẫn sâu sắc của nước Mỹ hay không trước khi tung ra quảng cáo. Hậu quả là giờ đây mọi người đã gắn hình ảnh Pepsi với vấn đề mâu thuẫn sắc tộc theo một hướng tiêu cực.

Và điều cuối cùng là, đừng bao giờ quá tâng bốc sản phẩm lên tận 'mây xanh'. Các thương hiệu vẫn sử dụng cách thức khuếch đại công dụng của sản phẩm trong quảng cáo nhưng thổi phồng nó một cách bất hợp lý đến mức đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề xã hội nhạy cảm mà quảng cáo đề cập đến sẽ mang lại phản ứng ngược.

Theo Will Phan Spiderum/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/tung-quang-cao-gay-tranh-cai-va-thieu-tinh-te-pepsi-bi-che-toi-boi.html