Trái đất nóng lên - Mối nguy hiểm quá lớn

Toàn thế giới đã ấm lên hơn 1 độ C kể từ thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp. Trong khi đó, thỏa thuận khí hậu Paris đặt ra mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ Cách mạng công nghiệp, thậm chí chỉ là 1,5 độ C vào năm 2030 đã không được ký kết vào Ngày Trái đất trong năm 2016.

Sự ấm lên được cảm nhận rõ ở các vùng đất liền, Bắc Cực và nhiều khu vực ở Nam Cực. Con số 1 độ C nghe có vẻ thấp, nhưng xét theo nhiệt độ trung bình của bề mặt một hành tinh, nó thực sự là mức cao. Các nhà khoa học tin rằng trái đất bắt đầu nóng lên kể từ năm 1950 do hiệu ứng nhà kính. Nếu sự phát thải không được kiểm soát, giới khoa học tin rằng nhiệt độ trái đất có thể tăng quá 4,5 độ C. Mức nhiệt này sẽ làm biến đổi hành tinh của chúng ta và suy yếu khả năng hỗ trợ của trái đất cho một lượng dân số khổng lồ.

Tính từ năm 1850, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng 1 độ C. 2 độ C là mức tăng nhiệt độ Trái đất mà các nhà đàm phán khí hậu đã đặt ra vào năm 2050 để có thể giảm thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu. Lượng khí CO2 trên Trái Đất đã tăng 30% kể từ thời tiền công nghiệp.

Năm 1979, lần đầu tiên chúng ta biết được sự nóng lên toàn cầu, lượng băng tại Bắc Cực đã giảm 4%. Và mỗi năm, bằng cách đốt than, dầu và khí đốt, loài người ngày càng thải vô tội vạ lượng carbon dioxide vào bầu khí quyển khiến trái đất nóng lên.

Đầu tháng 2/1979, tại Hội nghị khí hậu thế giới đầu tiên ở Geneva, các nhà khoa học đến từ 50 quốc gia nhất trí rằng phải hành động khẩn cấp trước vấn đề biến đổi khí hậu. Bốn tháng sau, tại cuộc họp nhóm 7 ở Tokyo, các nhà lãnh đạo của 7 quốc gia giàu có nhất thế giới đã ký một tuyên bố cam kết giảm lượng khí thải carbon.

Vào đầu những năm 1980, một báo cáo được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ) đề nghị rằng: “Vấn đề carbon dioxide cần phải được đưa vào chương trình nghị sự quốc tế trong bối cảnh tối đa hóa hợp tác và xây dựng đồng thuận, giảm thiểu các tác động chính trị, tranh cãi và phân chia”. “Nếu thế giới thông qua đề xuất được xác nhận rộng rãi vào cuối những năm 80 – hạn chế đến mức thấp nhất khí thải carbon, với mức giảm 20% vào năm 2005 thì sự nóng lên có thể đã được giữ ở mức dưới 1,5 độ” – một chuyên gia nhận định.

Năm 1990, thế giới đốt cháy hơn 20 tỷ tấn carbon dioxide. Kể từ năm 2000, thế giới ghi nhận 9 năm nóng kỷ lục. Nhiều người lo ngại biến đổi khí hậu trở thành mối nguy còn lớn hơn cả khủng bố. Đến năm 2017, con số carbon dioxide bị đốt cháy tăng lên 32,5 tỷ tấn, một con số kỷ lục.
Sự biến đổi khí hậu của hành tinh chúng ta vẫn đang diễn ra từ từ xen lẫn đột ngột. Nếu không có sự can thiệp cứng rắn, bất cứ điều gì xảy ra trong vấn đề biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tồi tệ và ảnh hưởng lớn đến thế hệ mai sau.

Minh Hoàng

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/moi-truong/trai-dat-nong-len-moi-nguy-hiem-qua-lon-93074.html