Trại giam Đồng Sơn nỗ lực phòng, chống dịch

Gần như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, cán bộ chiến sỹ (CBCS) không được nghỉ phép, người nhà phạm nhân dừng thăm gặp, chỉ tiếp khách nếu công việc thực sự rất cần thiết... là một số biện pháp Trại giam Đồng Sơn, Bộ Công an thực hiện trong những ngày này để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi tình hình diễn biến phức tạp, là đơn vị đóng quân tại địa bàn đông dân cư thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - nơi đang có nhiều đồng bào từ Lào, Thái Lan về nước tránh dịch nên công tác phòng, chống COVID-19 ở Trại giam Đồng Sơn khẩn trương và quyết liệt hơn bao giờ hết. Bởi, CBCS ở đây hiểu rằng, nếu chỉ một mầm dịch nhỏ vào trại, sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Việc ra vào trại giam được kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch bệnh xâm nhập.

Việc ra vào trại giam được kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch bệnh xâm nhập.

Cán bộ không nghỉ phép để tập trung phòng dịch

Không chỉ “cấm trại” đối với toàn bộ CBCS và dừng thăm gặp, Ban Giám thị Trại giam Đồng Sơn còn không cho phép CBCS nhận hàng, chuyển phát nhanh đến đơn vị. Theo lệnh của Giám thị, bất cứ CBCS nào nhận đồ chuyển từ bên ngoài vào Trại sẽ bị xử lý nghiêm.

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Giám thị Trại giam Đồng Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và địa phương nơi đơn vị đóng quân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đơn vị đã trích quỹ mua máy đo thân nhiệt, máy phun hoa chất, Cloramin B, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

“Để phạm nhân hiểu, biết cách phòng ngừa dịch COVID-19, chúng tôi tuyên truyền bằng loa hăầng ngày tại khu giam, khu sản xuất, cho phạm nhân xem truyền hình, đọc báo, dán pano, áp phích, hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình rửa tay, cách phòng, chống dịch bệnh ở các bếp ăn, nơi làm việc, nhà vệ sinh của CBCS và phạm nhân, cổng đơn vị, cổng các phân trại, khu sản xuất, khu làm việc, nhà ở của CBCS, buồng giam, nhà thăm gặp, căng-tin... để CBCS và phạm nhân biết, thực hiện. Đặc biệt, chúng tôi chỉ tiếp những khách đến làm việc thật sự cần thiết, khi làm việc đều yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào Trại. Thường xuyên kiểm tra công tác phòng dịch tại các phân trại, khu sản xuất” - Thượng tá Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Việc phun thuốc khử trùng được thực hiện 2 ngày/lần tại Trại giam Đồng Sơn.

Trại đã tận dụng hệ thống loa “nấm” (loa truyền thanh lưu động) để tuyên truyền chống dịch. Theo đó, đơn vị liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19, phương pháp phòng tránh và các khuyến cáo của ngành y tế cũng như các yêu cầu của Trại về công tác phòng dịch. Hệ thống loa này được đặt lưu động ở bếp ăn, phòng giam, khu sản xuất... để tất cả CBCS, phạm nhân đều nghe được, hiểu được.

Để phòng ngừa mầm bệnh xâm nhập bên ngoài vào, từ cuối tháng 2 đến nay, Trại giam Đồng Sơn đã tạm ngừng hẳn việc thăm gặp phạm nhân. CBCS không nghỉ phép, không được tham gia cưới hỏi, tập trung đông người. Đơn vị yêu cầu tất cả CBCS khai y tế, phải ký cam kết không tiếp xúc, tham gia cưới, hỏi, tân gia và các nơi đông người. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định... Trại cũng đã chuẩn bị khu cách ly ở bệnh xá dành cho CBCS, 2 khu giam riêng dành cho phạm nhân, đề phòng nếu ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe sẽ cách ly ngay, tránh lây lan dịch.

Một trong những lực lượng vất vả nhất ở Trại trong những ngày này là CBCS Đội Y tế - bảo vệ môi trường. Hằng ngày, cổng trại có cán bộ y tế trực 24/24h để kiểm tra thân nhiệt CBCS ra vào, khách đến làm việc, hướng dẫn y tế, phòng dịch cho CBCS và phạm nhân, phun thuốc khử trùng 2 ngày/lần và triển khai các kế hoạch về phòng chống dịch trong toàn Trại. CBCS của Đội, dù là lãnh đạo hay cán bộ đều tự nguyện thay phiên nhau đi bơm thuốc sát trùng.

“Tất cả các phân trại, nơi làm việc, khu sản xuất, vườn cây... đều được phun thuốc 2 ngày/lần nên anh em chia nhau ra đi phun. Trung úy, trung tá đều như nhau hết, bơm thuốc đến mòn tay, phóng viên ạ! Người lúc nào cũng mùi thuốc sát trùng, đến ăn cơm cũng chỉ ngửi thấy mùi thuốc” - Trung tá Cao Thanh Hải, Đội trưởng Đội Y tế và bảo vệ môi trường, Trại giam Đồng Sơn nói vui.

Đặc biệt, đối với nhóm phạm nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh truyền nhiễm sức khỏe yếu, dễ mắc bệnh nên các cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm đến họ hơn, thường xuyên hơn cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Trung tá Cao Thanh Hải cho biết, hiện đơn vị có 52 phạm nhân có HIV, trong đó 44 phạm nhân điều trị ARV; 8 trường hợp mắc bệnh lao và 8 trường hợp bị tai biến. Các trường hợp trên đều có bệnh trước khi vào trại nên sau khi khám, sàng lọc, xét nghiệm, đơn vị đã phối hợp với các trung tâm y tế phòng ngừa lây lan, tư vấn và điều trị cho các bệnh nhân.

Đối với số phạm nhân mắc lao, HIV và các bệnh mãn tính nặng thường có tâm lý không ổn định, hay dao động vì họ luôn nghĩ rằng “đằng nào cũng chết” nên ngại tiếp xúc với cán bộ, thậm chí không muốn chữa bệnh, không hợp tác với cán bộ y tế để khám, chữa bệnh. Chính vì vậy, không chỉ đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân, các cán bộ y tế Trại giam Đồng Sơn còn là bạn, là người nhà để động viên họ yên tâm chữa bệnh, cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, cộng đồng.

Dùng tình người để cảm hóa phạm nhân

Phạm nhân Trần Văn Ngà (SN 1975, trú ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt ngày 25-6-2015, án phạt 168 tháng. Trước khi bị bắt, Trần Văn Ngà đã nhiễm HIV nên luôn tỏ thái độ “bất cần đời”. Bị bắt, phải trả giá với mức án dài, kinh tế kiệt quệ, bố mẹ già, gia cảnh khó khăn nên Ngà càng chán nản hơn.

Đặc biệt, có lẽ do quá mệt mỏi với người chồng nghiện ngập, tù tội nên vợ Ngà đã xin ly hôn. Điều này càng khiến phạm nhân này tư tưởng bất ổn, không muốn điều trị, không muốn tiếp xúc với ai. HIV đã làm cho sức khỏe của Ngà gần như kiệt quệ, sinh ra nhiều loại bệnh tật khác, biến chứng mờ mắt nên hầu như không nhìn thấy gì, cả ngày chỉ nằm một chỗ với tinh thần... chờ chết.

Biết hoàn cảnh của Ngà như vậy, Trung tá Cao Thanh Hải cũng các cán bộ y tế thường xuyên gặp gỡ, động viên để anh ta phối hợp điều trị bệnh. Cán bộ quản giáo trực tiếp của Trần Văn Ngà cũng trích tiền cá nhân của mình mua sữa, đồ dùng cá nhân tặng cho Ngà, báo cáo lãnh đạo đơn vị động viên, tặng quà.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở trại giam được tuân thủ nghiêm ngặt.

Cảm nhận được tình cảm chân thành của các cán bộ, Trần Văn Ngà đã tự thấy rằng, cho dù bệnh tật nhưng vẫn còn cơ hội được sống và điều quan trọng nhất là không nên phụ lòng tốt của các cán bộ đối với mình, mình đã gây ra tội thì cố gắng tốt nhất để trả nợ cuộc đời... Vì thế, tư tưởng của Ngà tốt dần lên, anh ta yên tâm chữa bệnh, tích cực uống thuốc, tự tập thể dục, chăm sóc sức khỏe. Vì thế, khi biết dịch COVID-19 có thể gây chết người, đặc biệt đối với những người có bệnh nền như mình thì Trần Văn Ngà càng tích cực tự chăm sóc mình hơn. Nhờ đó, sức khỏe anh ta cũng tốt hơn rất nhiều.

Phạm nhân Lương Thái Quyền (SN 1979, ở Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An) cũng có hoàn cảnh tương tự như Trần Văn Ngà. Quyền cũng phạm tội về ma túy, bị bắt ngày 27-9-2012, lĩnh mức án 170 tháng tù giam. Vốn là người dân tộc ít người, ở tận xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An nên có khi cả năm không ai đến thăm nuôi. Bố mẹ anh ta già yếu, vợ con kinh tế khó khăn nên cũng không có điều kiện đi lại, thăm nuôi hay gửi đồ tiếp tế. Chính vì vậy, mọi chế độ từ ăn uống, chăm sóc, thuốc men đều phụ thuộc vào Nhà nước.

Có HIV, không người thân động viên nên phạm nhân Lương Thái Quyền thực sự chán nản. Anh ta luôn cho rằng “đằng nào cũng chết, cần gì phấn đấu”. Vì vậy, có những thời điểm sức khỏe anh ta giảm sút nghiêm trọng, mắc nhiều bệnh khác nhau nên việc điều trị rất khó khăn. Các cán bộ y tế, quản giáo biết hoàn cảnh như vậy nên thường xuyên động viên, giúp đỡ, phân tích để Quyền thấy rằng, HIV hiện nay đã có được điều trị bằng thuốc ARV giúp cứu sống và cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân, điều quan trọng nhất đó là sự hợp tác và tinh thần lạc quan của người bệnh.

Được động viên, tặng quà, được các y bác sĩ chăm sóc như người thân, nhất là những khi trái gió trở trời, đã khiến cho Lương Thái Quyền thay đổi thái độ. Anh ta đã hiểu rằng, các cán bộ dù bận việc nhưng không bỏ rơi anh ta, vẫn chăm sóc, quan tâm như người thân của mình, cái tình đó không dễ gì có được. Vì thế, Quyền đã ổn định tinh thần, hợp tác để điều trị. Nhờ đó, sức khỏe của Quyền đã khá hơn trước rất nhiều.

Trong đợt dịch COVID-19 này, để bớt đi phần nào gánh nặng cho các cán bộ, Quyền đã tự nâng cao ý thức phòng dịch cho mình, thường xuyên sát khuẩn, súc miệng nước muối, vận động, đi lại, cố gắng ăn uống tốt hơn để nâng cao sức đề kháng. Không chỉ thế, Quyền còn là “hạt nhân” vận động các phạm nhân khác đang điều trị ở bệnh xá tự nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.

Vì “cấm trại” hoàn toàn, nên CBCS Trại giam Đồng Sơn có kế hoạch xây dựng gia đình cũng phải hoãn lại, chờ dịch qua đi. Nhiều người quê ở xa, gia đình có việc quan trọng cũng không được về vì biết đâu, ra ngoài sẽ mang mầm bệnh vào đơn vị. Dù vậy, CBCS ai cũng yên tâm công tác, gia đình cũng thông cảm bởi công việc đặc thù không cho phép sơ suất điều gì, cho dù là nhỏ nhất.

Tạm dừng việc thăm gặp phạm nhân trên cả nước

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) cho biết, hiện nay tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) diễn ra rất phức tạp. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, để đảm bảo an toàn cho CBCS và các phạm nhân, Cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giam giữ nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng chống dịch, tạm dừng cho phép các gia đình phạm nhân đến thăm gặp, gửi đồ tiếp tế.

Trước đó, trong tháng 2, các cơ sở giam giữ đã hạn chế thăm gặp, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo quy định đối với CBCS, phạm nhân và gia đình phạm nhân. “Các gia đình từ tất cả các địa phương trong cả nước đến trại giam, rất khó kiểm tra, xác định có nhiễm virus hay không, dễ mang mầm bệnh vào trại giam nên chúng tôi phải tạm dừng việc thăm gặp” - Trung tướng Hồ Thanh Đình cho biết.

Bên cạnh việc tạm dừng cho gia đình phạm nhân thăm gặp, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cũng đã tạm dừng, không giải quyết cho CBCS nghỉ phép để tránh lây bệnh; hoãn hoặc không tổ chức các hội nghị, cuộc họp không cần thiết. Đối với CBCS ra vào trại giam cũng đều phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về phòng dịch. Các cơ sở giam giữ đều được phun khử trùng đầy đủ thường xuyên, sử dụng nước rửa tay, khẩu trang theo quy định.

“Chúng tôi cố gắng trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, CBCS cảnh sát trại giam đều vượt qua khó khăn, đảm bảo an toàn cơ sở giam giữ trong mọi tình huống, không để xảy ra dịch bệnh, thực hiện nghiêm yêu cầu do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Công an đề ra, làm tốt công tác giáo dục, động viên CBCS làm tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, ổn định tại các cơ sở giam giữ” - Trung tướng Hồ Thanh Đình khẳng định.

Phương Thủy

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/trai-giam-dong-son-no-luc-phong-chong-dich-588651/