Trải lòng của cô gái 2 lần bị kiểm tra trinh tiết khi nhập ngũ

Dù cảnh sát Indonesia đã chấm dứt việc kiểm tra trinh tiết ứng viên nữ từ năm ngoái nhưng quân đội nước này vẫn duy trì thủ tục đó ở đất nước chỉ có 5% binh sĩ và sĩ quan cảnh sát là nữ giới.

Ước mơ từ thuở ấu thơ của Rianti là được phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia. Thế nên, khi tròn 20 tuổi vào năm 2017, cô đã đăng ký nhập ngũ ở Jayapura, thủ phủ của tỉnh Papua.

Chia sẻ trong bài viết đăng tải trên trang The South China Morning Post (SCMP) hôm 18-8, Rianti kể lại rằng ngày đầu tiên trôi qua khá yên bình với giấy tờ thủ tục. Nhưng khi nhìn thấy phụ nữ vào và ra khỏi căn phòng nhỏ, Rianti bắt đầu cảm thấy tò mò.

Các ứng viên nữ cho lực lượng vũ trang Indonesia tham gia cuộc kiểm tra y tế tại Semarang, Trung Java năm 2014. Ảnh: Alamy

Các ứng viên nữ cho lực lượng vũ trang Indonesia tham gia cuộc kiểm tra y tế tại Semarang, Trung Java năm 2014. Ảnh: Alamy

"Tôi không biết vì sao họ bị gọi vào phòng đó. Nhưng tôi nhớ biểu cảm của họ khi trở ra ngoài. Ai cũng căng thẳng"- Rianti nói.

Khi cuối cùng cùng đến lượt mình vào ngày hôm sau, Rianti bước vào phòng với 3 ứng viên nữ trẻ tuổi. Trong phòng có 4 bác sĩ, bao gồm 3 nam giới và một phụ nữ.

Họ yêu cầu Rianti cởi quần áo, chỉ mặc áo choàng để kiểm tra sức khỏe. Cô gái trẻ cảm thấy tim mình nặng trĩu khi biết mình sắp bị kiểm tra trinh tiết.

Khi Rianti nằm trên giường, một bác sĩ nam ấn hai ngón tay vào trong bộ phận sinh dục của cô để xác định xem cô còn trinh tiết hay không. Trong khi đó, một nữ y tá cầm đèn pin trợ giúp đồng nghiệp, trao đổi điều gì đó mà Rianti không nghe rõ.

"Tôi chỉ muốn mọi chuyện kết thúc nhanh nhất có thể. Tôi cảm thấy đó là giây phút tồi tệ và dài nhất trong cuộc đời. Trước đây, tôi chưa bao giờ bị đàn ông đụng chạm như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ và bị sốc"- Rianti trải lòng.

Đêm đó, cô gái trẻ mở lời hỏi bác mình cũng làm trong quân đội, rằng làm sao bác sĩ nam lại được kiểm tra trinh tiết phụ nữ. Người bác không giải thích mà chỉ nói rằng đó là quy định.

Rianti nói rằng cô cảm thấy giống như bị quấy rồi tình dục.

"Tôi cảm thấy muốn ói khi nghĩ về chuyện này"- Rianti cho biết.

Chưa hết, Rainti còn bị kiểm tra trinh tiết một lần nữa ở vòng trong tại trụ sở của quân đội Indonesia ở Bangdung, tỉnh Tây Java.

"Lần này nhanh hơn và có bác sĩ nữ kiểm tra. Nhưng tôi vẫn phải cởi quần áo và có bác sĩ nam kiểm tra da hay ngực" - cô gái 21 tuổi chia sẻ.

Luật pháp Indonesia Lực lượng Vũ trang Quốc gia và Cảnh sát Quốc gia phải tuyển mộ những ứng viên khỏe mạnh về thể chất và do đó cần phải tiến hành các cuộc kiểm tra bắt buộc.

Thủ tục kiểm tra trinh tiết lần đầu được hé lộ vào năm 2014 khi báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho thấy phụ nữ đăng ký nhập ngũ cho lực lượng an ninh Indonesia không chỉ kiểm tra sức khỏe mà còn phải chứng minh liệu đã có quan hệ tình dục trước đây hay chưa!

Ủy ban Quốc gia Indonesia giám sát nạn bạo hành phụ nữ đã lên án kịch liệt hình thức kiểm tra trinh tiết này, khẳng định đó là một hành vi phân biệt giới tính.

Ngoài ra, vượt qua bài kiểm tra nói trên cũng không có nghĩa là ứng viên sẽ lọt vào hàng ngũ binh sĩ quân đội hay cảnh sát. Trong trường hợp của Rianti, cô đã trượt đợt sát hạch.

Ông Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu Indonesia cho HRW nói rằng việc kiểm tra trinh tiết đã có từ cách đây hơn 5 thập kỷ. Do không đủ bác sĩ quân y là nữ nên có tới 75% bác sĩ kiểm tra trinh tiết là nam giới.

"Tôi nghĩ nhiều người trong quân đội không nắm được rằng không có gì đảm bảo việc biết rõ nam giới hay nữ giới còn trinh tiết hay không" - ông Harsono nói.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng kiểm tra trinh tiết sẽ càng hạn chế phụ nữ gia nhập quân ngũ.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia, Thiếu tướng Mohamad Sabrar Fadhilah, công chúng đang hiểu nhầm vấn đề kiểm tra trinh tiết.

"Chúng thôi thực hiện kiểm tra sức khỏe và (bác sĩ) kiểm tra các phần kín. Các ứng viên nam cũng trải qua kiểm tra tương tự. Chúng tôi muốn nguồn nhân lực cho lực lượng phải khỏe mạnh và trong sạch bởi quá trình phục vụ rất lâu dài và họ phải đối mặt với những thử thách khó khăn trên thực địa"- ông Mohamad khẳng định.

Theo SCMP, Ranti chia sẻ rằng sau cú sốc vì kiểm tra trinh tiết, cô không có ý định đăng ký nhập ngũ lần nữa. "Cô trải lòng: "Những người bạn mà tôi biết cũng không muốn kiểm tra một lần nào nữa. Chúng tôi không còn quan tâm đó có phải giấc mơ của mình hay không. Không cần thiết phải như vậy để vào quân đội".

Đỗ Quyên (Theo SCMP)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trai-long-cua-co-gai-2-lan-bi-kiem-tra-trinh-tiet-khi-nhap-ngu-20180819123324589.htm