Trải lòng của người phục dựng súng thần công thời Nguyễn

Súng thần công trở thành một điểm nhấn văn hóa truyền thống đặc biệt của người dân Bà Rịa- Tàu nhưng đang bị lãng quên.

Công trình phục dựng súng và nghi thức bắn súng thần công được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu, nhắc lại lịch sử hào hùng của quân đội nhà Nguyễn đi đầu đánh liên quân Pháp - Tây Ban Nha (trận đánh trên vịnh Hàng Dừa ngày mồng 8 Tết Kỷ Mùi 1859) và cũng là khẳng định vị trí cửa ngõ chiến lược của Vũng Tàu.

Nghi thức bắn súng thần công tại Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo (năm 2013). Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Nghi thức bắn súng thần công tại Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo (năm 2013). Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Chia sẻ với Báo Đất Việt, Đại tá Võ Quang Hùng - Nguyên Giám đốc Chi nhánh phía Nam của Viện Vũ khí- trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Chủ nhiệm công trình, việc nghiên cứu thiết kế mô hình súng thần công và phục dựng nghi thức bắn thần công là ý tưởng của ban lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu từ hồi 2006.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hồi năm 2006 đã đặt vấn đề phục chế súng thần công từ thời nhà Nguyễn, từ đó chế tạo súng mới để sử dụng súng đó phục vụ trong các lễ hội của tỉnh.

Các chuyên gia của thuộc Viện Vũ khí cơ sở phía Nam đều nhận định là có thể làm được. Do đó, họ bắt tay vào nghiên cứu.

"Khi ấy, việc phục chế súng thần công từ một khối hoen rỉ đã có thể bắn được là chúng tôi hoàn thành trong 4- 5 tháng. Nhưng chế tạo súng mới dựa trên thiết kế súng thần công của nhà Nguyễn, chế tạo đạn để bắn trong các lễ hội thì cần thời gian dài hơn" - ông Hùng nhận định.

Súng thần công có một số chi tiết kỹ thuật: điều khiển được góc tầm từ -5 độ đến +30 độ; kích thước bao của súng: chiều rộng x dài x cao: 1.080 mm x 3.000 mm x 1.835 mm; cỡ nòng 160 mm, chiều dài nòng 2.500 mm.

Khối lượng toàn bộ súng là 2.500 kg; tầm bắn từ 700m đến 2.000m tùy thuộc vào sự thay đổi lượng thuốc phóng và góc bắn.

Quá trình chế tạo súng cũng gặp khó khăn. Đại tá Hùng giải thích việc đúc súng thần công cần sự tỉ mỉ, khéo léo, bởi yêu cầu các công đoạn trong chế tạo súng rất khắt khe và phải bảo đảm độ bền, trong đó quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu.

Yêu cầu kỹ thuật là mặt ngoài nòng súng không được gia công cơ khí mà để nguyên như khi đúc. Bề mặt ngoài súng phải bảo đảm tính mỹ thuật: các đường gân, hoa văn trang trí... phải đặc trưng, có ý nghĩa.

Việc chế tạo mới súng thần công không hoàn toàn là phục chế lại súng thần công theo giống một nguyên mẫu nào đó (tránh vi phạm bản quyền, xâm hại giá trị di tích), và phải đáp ứng tiêu chí bắn thần công theo quy trình và nghi thức truyền thống (thời nhà Nguyễn) nhưng mang dấu ấn Bà Rịa - Vũng Tàu. Những cỗ thần công đúc mới được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và giải pháp kỹ thuật sử dụng (cả truyền thống và hiện đại).

Theo Đại tá Võ Quang Hùng, việc phục dựng súng thần công không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng nghiên cứu đạn để sử dụng cho súng thần công vào thời điểm chưa đúc được súng mới là chuyện... "đau đầu".

Thứ nhất, súng thần công là một loại vũ khí, vì vậy mục đích của thần công là hỏa lực tiêu diệt đối phương. Nhưng súng thần công còn dùng để bắn lệnh, báo hiệu, bắn mừng kỷ niệm, chào đón năm mới, có khi thần công được trưng bày chỉ để thể hiện uy quyền... Tiếng nổ của súng thần công theo như miêu tả là tiếng nổ rất lớn, không chát chúa mà thể hiện sự uy lực. Tiếng súng nổ nhưng nghe như tiếng pháo, tiếng

Do đó, khi phục dựng súng thần công để sử dụng cũng phải tìm được loại đạn có tiếng nổ uy lực như từng được miêu tả trong lịch sử.

Thứ hai, súng thần công phục chế được phục vụ cho lễ hội, nơi đông đảo người dân tham gia, chứng kiến. Do vậy, trong khi đảm bảo được tiếng nổ lớn như những loại súng hiện đại. Như vậy, vừa phải đảm bảo tiếng nổ lớn, vừa không được gây sát thương, phải đảm bảo an toàn cho người dân dự lễ hội, tránh được đám đông.

Thứ ba, loại đạn được sử dụng thường là các nguyên liệu chế tạo đạn lại là thuốc súng hiện đại có thể làm hư hại đến mẫu vật súng thần công vốn đã bị rỉ hoen trong vài trăm năm qua. Trong quá trình nghiên cứu chế tạo đạn phải hết sức lưu ý đến nguyên liệu, liều lượng, các chi tiết về hỏa thuật để không làm hư hại súng.

Đặc biệt là súng thần công được đúc bằng gang, rất cứng nhưng rất giòn, hơn nữa đã có tồn tại vết nứt trên thân súng. Nếu tính toán hỏa lực không cẩn thận, đạn nổ có thể làm nứt, thậm chí vỡ tung súng.

Mẫu súng thần công sau khi được chế tạo mới. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ năm 2006- 2012, sau khi hoàn thành việc phục chế, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã thường xuyên sử dụng súng thần công trong các dịp lễ hội của tỉnh. Việc sử dụng súng thần công trong các lễ hội như vậy đã thu hút lượng khách du lịch đông đảo. Người dân Bà Rịa- Vũng Tàu cũng như du khách tới xem rất đông, lượng người đến lễ hội gấp đôi gấp ba lần so với những lễ hội không có bắn súng thần công trong chương trình.

Có lễ hội, sau nghi lễ bắn súng thần công thì người dự bỏ về hết, không xem các tiết mục văn nghệ chào mừng phía sau.

Theo Đại tá Võ Quang Hùng, tổ chức một buổi ca nhạc mất hàng tỷ đồng nhưng sử dụng súng thần công trong nghi lễ chỉ mất vài trăm triệu đồng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/trai-long-cua-nguoi-phuc-dung-sung-than-cong-thoi-nguyen-3365031/