Trải lòng xót xa của người mẹ trẻ có con bị tăng vận động, giảm chú ý

Thấy con biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm quá đà hơn những bạn đồng trang lứa. Chị Nguyễn M. (32 tuổi, Hà Nội) đưa con đi khám và chị thật sự buồn khi biết con mình mắc bệnh tăng vận động giảm chú ý.

Nghe Audio: Người mẹ trẻ trải lòng về bệnh tình của con

Những ngày qua, chị Nguyễn M. (32 tuổi, Hà Nội) rất buồn khi biết con trai út của mình bị bệnh tăng vận động giảm chú ý. Trong quá trình chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, người mẹ này cũng không giấu nổi nỗi buồn về bệnh tình của con.

Chị M. kể: “Tôi phát hiện con có biểu hiện tăng vận động từ khi bé được hơn 1 tuổi, nhưng tôi chưa muốn đưa con đi khám vì con còn nhỏ, tôi muốn quan sát thêm biểu hiện của con.

Biểu hiện của bé bị tăng động là bé rất hiếu động, không ngồi im được 1, 2 phút mà chân lúc nào cũng phải động đậy. Bé nhà tôi rất hay leo trèo, bé thường leo lên ghế salon nhảy xuống và cười thích thú. Nhưng, cứ mỗi lần nhìn thấy con nhảy như vậy là tôi thót tim, chỉ sợ con bị thương”.

Theo lời chị M. bé nhà chị năm nay gần 4 tuổi, dễ kích động tấn công người khác hoặc tranh giành thứ gì đó không được là cáu gắt. Chưa hết, nếu việc gì bé không thích, bé sẽ phản kháng một cách quyết liệt.

“Mới hôm trước, tôi đưa con đi khám tại viện Sức khỏe tâm thần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thì bác sĩ nói con bị bệnh tăng vận động, giảm chú ý. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân, bác sĩ có nói nếu không chữa trị sớm thì bé có thể bị sa sút về học tập, trí tuệ bị giảm sút. Bé nhà tôi hiện gần 4 tuổi nhưng con nói rất chậm, không diễn đạt được trơn tru một câu nói, có rất nhiều câu ngọng mà bản thân tôi làm mẹ cũng không hiểu con nói gì. Thêm một yếu tố nữa là, khi con kích động lên, con la hét rất khủng khiếp, quấy khóc hàng tiếng đồng hồ.

Ví dụ, đêm nằm với mẹ mà mẹ muốn đi vệ sinh, con sẽ không cho đi, mặc dù tôi có giải thích là không đi không ổn. Nhưng, bé không chấp nhận điều ấy, khi mẹ đi sẽ gào thét, la hét ầm ĩ khiến cả nhà phải thức giấc. Mỗi lần như vậy, bé sẽ khóc từ 30 phút đến gần 1 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn”, chị M. cho biết thêm.

Chị M. lo lắng khi con bị bệnh tăng vận động, giảm chú ý (Ảnh minh họa).

Trước tình trạng bé tăng vận động, chị M. cũng nói rằng nhiều người thân, bạn bè của chị thường bảo chị cho bé dùng nhiều Smartphone. Tuy nhiên, chị M. khẳng định: “Nguyên nhân thì tôi cũng không biết do đâu, tôi đưa con đi khám thì chỉ thấy bác sĩ nói chỉ số máu đặc, trẻ con thường ít uống nước máu đặc khó lưu thông, ngoài ra cũng có thể là do bé xem nhiều hoạt hình trên điện thoại. Bé nhà tôi cũng thích xem tivi, xem hoạt hình. Nhưng buổi tối thì tôi dành phần lớn thời gian chơi với con, không cho bé dùng nên không thể khẳng định được nguyên nhân chính là do xem điện thoại, ti vi nhiều”.

Cũng chia sẻ thêm về hướng điều trị bệnh, chị M. thở dài: “Bác sĩ có nói bệnh này phải điều trị lâu dài từ 5-10 năm, vừa uống thuốc vừa bổ sung ăn những loại thức ăn tốt cho não bộ. Hàng ngày, tôi cũng tâm tình, thủ thỉ với con chỉ mong con có tiến triển tốt.

Trao đổi thêm với PV, bác sĩ Anh Tú (Bác sĩ đa khoa tại một phòng khám ở Hà Nội) cho biết: “Trẻ lành mạnh thường hiếu động ở bất kỳ lứa tuổi nào vì trẻ có nhiều năng lượng. Trẻ cũng thường không thể tập trung như người lớn mà chỉ có thể ngồi yên trong vòng 5—15 phút (đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi). Nếu sự hiếu động ảnh hưởng đến việc học tập, mối quan hệ cộng đồng thì mới đáng lo”.

Trẻ tăng vận động giảm chú ý có thể ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ, phải điều trị lâu dài kết hợp thuốc (Ảnh minh họa).

Nói về bệnh tăng vận động, giảm chú ý, bác sĩ Tú cho hay: “Tăng vận động, giảm chú ý là một rối loạn tâm thần phức tạp có thể ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ, ở trường và các mối quan hệ cộng đồng. Các triệu chứng rất đa đạng và đôi khi khó nhận ra. Bệnh tăng động, kém tập trung có yếu tố di truyền từ một số gen, nên cần xem có ai trong gia đình bị bệnh này không. Nếu nghi ngờ chứng bệnh này, trẻ cần có một số dấu hiệu khác như: Trẻ có thường cắt ngang lời nói người khác không; Trẻ có khó tuân thủ lệnh và thực hiện 1 số công việc không; Trẻ có hay quên, mất kiên nhẫn hay không?

Nếu các dấu hiệu trên kéo dài quá 6 tháng và xảy ra ở nhà cũng như ở trường, thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để có hướng điều trị kịp thời.

Thường trẻ bị mắc bệnh này chỉ có thể dùng thuốc kết hợp với ăn những chất bổ sung cho não bộ. Và đòi hỏi cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm con hơn”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trai-long-xot-xa-cua-nguoi-me-co-con-bi-tang-van-dong-giam-chu-y-a385708.html