Trải nghiệm có một không hai của du học sinh Việt: Đi thực tập từ năm lớp 11

Trong số 15 thực tập sinh của công ty giáo dục, Tịnh Nhi là người duy nhất đang là học sinh cấp 3.

Phạm Lê Tịnh Nhi (sinh năm 2004) đang là học sinh lớp 11 chương trình Tú tài Quốc tế (IB), trường Quốc tế Givat Haviva (Israel). Tịnh Nhi giành được học bổng và lên đường du học vào tháng 9/2021 – khi đang là học sinh chuyên Văn, trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM).

Tịnh Nhi giành học bổng Tú tài Quốc tế du học tại Israel. (Ảnh: NVCC)

Sau nửa năm du học, Tịnh Nhi bắt đầu tìm kiếm cơ hội trải nghiệm trong môi trường doanh nghiệp để thử thách bản thân. Tịnh Nhi được nhận vào thực tập tại một công ty về lĩnh vực giáo dục tháng 4/2022 - sau 2 tuần thử việc.

“Trước đây, đa phần các hoạt động ngoại khóa của học sinh mà em tham gia đều xoay quanh việc làm truyền thông và tổ chức sự kiện hướng đến các bạn trẻ, trong phạm vi nhà trường hoặc thành phố. Vì vậy, em nghĩ công việc thực tập sẽ trao cho mình cơ hội được mở rộng môi trường làm việc và khám phá những mảng trước đây mình chưa từng thử”, nữ sinh chia sẻ.

Nhóm thực tập của Nhi có 15 thành viên, bao gồm các sinh viên năm cuối đang trên hành trình định hướng sự nghiệp hay những người đã ra trường nhiều năm nhưng muốn đổi ngành nên tham gia trải nghiệm. Tịnh Nhi đang học cấp 3 và cũng là người nhỏ tuổi nhất.

Để được nhận vào thực tập, Tịnh nhi thuyết phục nhà tuyển dụng với CV ấn tượng và phong thái tự tin trong vòng phỏng vấn.

Trong CV, Tịnh Nhi nhắc đến học bổng Tú tài Quốc tế mà em giành được để thể hiện khả năng học thuật. Em cũng liệt kê các hoạt động ngoại khóa mà em từng tham gia với vai trò chủ nhiệm, lãnh đạo hoặc người sáng lập, để từ đó cho thấy những kỹ năng và kinh nghiệm mà em đang sở hữu.

Tịnh Nhi cũng không ngại nhắc đến việc sẽ gặp nhiều hạn chế về mặt thời gian khi đi thực tập từ năm cấp 3. Tuy nhiên, chính điểm yếu này lại là điểm mạnh của nữ sinh. Khi đang là học sinh, nữ sinh có thể dễ dàng thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của những bạn cùng độ tuổi – cũng là đối tượng khách hàng của công ty.

Tịnh Nhi (ngoài cùng bên trái) và các bạn tại Israel. (Ảnh: NVCC)

Hai tuần đầu thử việc, nữ sinh choáng ngợp bởi những quy trình và lượng tài liệu giấy tờ phải hoàn thành. Quãng thời gian hoạt động ngoại khóa tại Việt Nam với vai trò lãnh đạo, Nhi quen với việc làm mọi thứ theo nguyên tắc của riêng mình, miễn sao là xong việc. Ở môi trường công ty lại khác, mọi quy trình giấy tờ và thủ tục báo cáo rất nghiêm ngặt và chỉn chu hơn rất nhiều. Công việc sau khi hoàn thành xong đều sẽ được lưu lại và nhận góp ý từ quản lý để nâng cao hiệu quả cho các dự án sau này. Thực tập sinh phải báo cáo tiến độ công việc mỗi ngày, mỗi tuần theo từng hình thức báo cáo đặc thù.

Ở công ty giáo dục này, Tịnh Nhi được thử sức ở những mảng công việc khác nhau như làm trợ giảng, dùng thử và đánh giá phần mềm dạy học, lên kế hoạch và nội dung cho chương trình, tìm hiểu tâm lý của học sinh,... Cụ thể, khi công ty tổ chức chạy thử chương trình tiếng Anh cho các học sinh cấp 2, Tịnh Nhi tham gia dạy 2 buổi 1 tuần. Với lợi thế về độ tuổi, Tịnh Nhi dễ dàng lắng nghe phản hồi từ học sinh của mình như một người bạn. Từ đó, em chỉ ra những điểm tốt, những điểm cần chỉnh sửa và đề xuất phương án sao cho 1 tiết học hiệu quả hơn. Cả nhóm sau đó sẽ ngồi họp và lên lại khung chương trình.

Tịnh Nhi được nhận xét có ý thức làm việc tốt, đề xuất được nhiều ý tưởng mới lạ và luôn bắt kịp được với công việc. Tính sáng tạo luôn được các lãnh đạo nhìn thấy ở nữ sinh.

Tuy nhiên, Tịnh Nhi cũng gặp không ít khó khăn trong việc phân bổ thời gian làm việc và học. “Những sinh viên có thể dành toàn bộ thời gian, tâm huyết để đi thực tập vì nó nằm trong chương trình học. Còn em là học sinh cấp 3, học toàn thời gian trên trường nên để cân bằng giữa học và làm là rất khó”, Tịnh Nhi nói.

Nhờ nhận được sự hỗ trợ từ các anh chị đồng nghiệp, Tịnh Nhi có thể dồn tất cả các đầu việc xuống cuối tuần để giải quyết. Những ngày trong tuần, nữ sinh tập trung học đến đâu chắc đến đó để không tốn thời gian ôn tập nhiều.

“Việc thực tập từ cấp 3 hiện không phổ biến nhưng không có nghĩa là không thể. Em mong các bạn đồng trang lứa sẽ luôn tự tin, khao khát học hỏi và vượt khỏi giới hạn của bản thân. Cứ gõ cửa sẽ mở, biết đâu nó sẽ mở ra một cuộc hành trình ý nghĩa và bản thân sẽ khai phá được nhiều điều đặc biệt từ bản thân mình”, nữ sinh chia sẻ.

Thời gian tới, 10x tiếp tục tập trung hoàn thành chương trình Tú tài Quốc tế và làm tốt ở cương vị là một thực tập sinh.

HOÀI ANH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trai-nghiem-co-mot-khong-hai-cua-du-hoc-sinh-viet-di-thuc-tap-tu-nam-lop-11-ar678895.html