Trải nghiệm con đường nguy hiểm nhất hành tinh

Cao tốc Kabul - Jalalabad là một phần của quốc lộ A01, có tổng chiều dài 153 km, nối Kabul và Jalalabad.

Cảnh tượng trên “con đường nguy hiểm nhất thế giới”.

Tuyến cao tốc huyết mạch nối hai tỉnh Kabul, Jalalabad (Afghanistan) được CNN gọi là “Con đường nguy hiểm nhất thế giới”. Mỗi năm có khoảng 200 người chết và hàng nghìn người bị thương.

Trung tuần tháng 12, phóng viên Francz - Stefan Gady của The Diplomat đã thực hiện một phóng sự ngắn liên quan tới con đường nguy hiểm nhất hành tinh.

Bài báo mở đầu: “Buổi sáng sớm, trên quốc lộ từ Kabul đến Jalalabad chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng đặc biệt: Chiếc xe tải chở đầy hàng hóa, mắc kẹt trong một đường hầm vì phần sau của chiếc xe phồng lên quá lớn. Chiếc xe đột ngột phải dừng lại.

Tại hiện trường, một cảnh sát giao thông Afghanistan tranh cãi gay gắt với tài xế xe tải. May mắn cho chúng tôi là sự việc xảy ra khi đã qua đoạn đường hầm dài 64 km dọc sông Kabul Gorge, nên chúng tôi không bị mắc kẹt theo trong hầm.Đường hầm đá được xây dựng vào năm 1962 bởi Chính phủ Tây Đức. Một nhân viên hiếm hoi thuộc lực lượng Cảnh sát quốc gia Afghanistan được trang bị một khẩu AK-47 thò đầu ra khỏi hàng rào dây thép gai và các bao cát để thực thi nhiệm vụ giám sát an ninh trong nội địa Afghanistan.

“Con đường tử thần”

Đoạn dọc theo sông Gorge Kabul dài 64 km nằm trong khu vực Taliban kiểm soát. Đoạn đường hai làn xe này chạy dọc theo các vách đá dựng đứng cao tới 600 m. TNGT chết người thường xuyên xảy ra ở khu vực này, chủ yếu do lái xe bất cẩn.

Từng đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường nguy hiểm nhất thế giới.

Tuy nhiên, đây là con đường chiến lược vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn với thương mại, các hoạt động viện trợ nhân đạo cũng như nỗ lực tái thiết Afghanistan. Năm 1969, đường cao tốc ở đây được trải nhựa tiêu chuẩn. Ngoài ra, với nguồn tài trợ từ Ủy ban châu Âu (EC), Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, con đường cũng đã được nâng cấp.

Sự chênh lệch độ cao giữa Kabul và Jalalabad khoảng 1200 m, địa hình cực kỳ hiểm trở khiến nhiều đoạn hiện không hoạt động do việc đào bới, san lấp hoặc do thời tiết quá khắc nghiệt. Sự hùng vĩ của thiên nhiên trải dài suốt 40 dặm, với sự hiện hiện của các vực thẳm, tạo bởi núi và các vách đá cao chính là những điểm tử thần.

Sự âm u của vùng núi khiến cho hiệu quả của những chiếc đèn xe đôi hầu như không phát huy tác dụng. Chưa kể, ngoài tốc độ, việc các xe tải bị mắc kẹt trong các hẻm núi chật hẹp cũng là điều dễ xảy ra. Và nguy hiểm hơn, trong một đoàn xe tải mắc kẹt, chỉ cần một chiếc trượt dài sẽ kéo theo hiệu ứng “domino” với những chiếc xe nối tiếp sau nó.

Sao lại nguy hiểm đến thế?

Giới chức tỉnh Laghman, nơi có tuyến cao tốc Kabul -Jalalabad chạy qua gần đây cho hay, an ninh ở khu vực này ở mức đáng báo động.Cư dân tỉnh Laghman báo cáo với các nhà chức trách về những người đàn ông được trang bị vũ trang (có khả năng liên kết Taliban) thường xuyên xuất hiện trên đường cao tốc, khiến hành khách và các tài xế rất hoang mang, sợ hãi.

Khó có thể thống kê chính xác tổng số vụ TNGT trên đoạn đường này, song trung bình có khoảng 200 người chết và hàng nghìn người bị thương mỗi năm. Xe tải bị lật, rơi xuống thung lũng, xe buýt va chạm nhau là chuyện thường gặp trên con đường này.

Bashir Ahmad, một tài xế trên tuyến đường tử thần này cho biết: “Súng nổ là chuyện “cơm bữa”. Họ (lực lượng nổi dậy) không quan tâm rằng đang bắn vào nhân viên an ninh hay dân thường”. Một lái xe khác còn phản ánh thực trạng cướp bóc, hôi của diễn ra tại khu vực Surkhakan và Kasai.Rủi ro tiềm ẩn ở đây rất nhiều, khi lực lượng nổi dậy Taliban sẵn sàng đặt bom xe bên lề đường (đặc biệt, là ở 26 km đầu tiên của quốc lộ), bắt cóc hay những tài xế liều lĩnh, bạt mạng phóng trên các con đường đầy rẫy khúc cua.“Xe không thể di chuyển nhanh. Nếu đang leo dốc hay qua các đoạn khúc cua hẹp của hẻm núi, xe không thể chuyển động linh hoạt được. Chúng sẽ mắc kẹt ở đấy và rơi xuống”, phóng viên Dexter Filkins viết trong một bài báo trên tờ New York Times năm 2010.

Thế nhưng bất chấp những mối hiểm nguy rình rập, hàng trăm xe hơi, xe tải vẫn hoạt động trên con đường từ Kabul đến Jalalabad hàng ngày. Bởi đơn giản, đây là tuyến đường huyết mạch ở Afghanistan. Dọc theo đường cao tốc cũng muôn màu muôn vẻ. Ví như thị trấn nhỏ Surobi, thủ phủ của huyện Surobi, tỉnh Kabul trở thành một “địa bàn màu mỡ” của Taliban. Nơi đây tập trung các quán hàng rong, tạp hóa, hàng dệt may, vật liệu xây dựng và cả súng đạn…

Gần đây, các phương tiện truyền thông địa phương Afghanistan cho biết, các vụ bắt cóc và tấn công trên cao tốc này ngày càng tăng. Tolonews dẫn lời giới chức địa phương cho hay: “Các vụ xả súng trên đoạn đường từ Kabul tới Jalalabad xảy ra gần như hàng ngày”.

Hương Mai

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/trai-nghiem-con-duong-nguy-hiem-nhat-hanh-tinh-d137055.html