Trải nghiệm đường đến trường 'đi bộ nhanh hơn xe máy' ở Thanh Hóa

Một cung đường chưa đầy chục km, thế nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ “bò” bằng xe máy, các thầy, cô giáo mới tiếp cận được điểm trường.

Sau lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, chúng tôi đến với điểm Trường Tiểu học và Mầm non Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Nơi mà hành trình gieo chữ và học chữ của học sinh rất gian nan.

Từ quốc lộ 15A vào điểm trường này, cung đường chừng hơn 7km. Thế nhưng, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy mất gần 2 tiếng đồng hồ.

Trong suốt quãng đường này, hầu như những chiếc xe máy không bao giờ có thể cài số 3 đề chạy được một quãng (dù là khoảng trăm mét), mà đều phải cài số 1 và số 2, xe mới có thể đi được.

Một người dân bị đau chân phải chở bằng xe máy trên đường vào bản Giá. Ảnh: Hồng Đức

Đáng thương nhất là các cô giáo mầm non vào đây dạy học. Thầy giáo Hoàng Kiên Cường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, phàn nàn: “Giáo viên vào điểm trường trong khu Giá đã phải chịu cảnh này suốt bao nhiêu năm qua rồi. Bản thân tôi là hiệu trưởng, không một kỳ họp Hội đồng Nhân dân cấp huyện nào mà tôi không lên tiếng đề nghị về con đường này để giúp bà con và giáo viên đi lại thuận tiện. Thế nhưng, chưa thấy làm gì!".

Thầy Cường cho biết, hiện nay, tại điểm trường bản Giá, có 70 học sinh cấp tiểu học nên nhà trường phải bố trí 5 thầy giáo vào cắm bản ở đây.

"Có những thầy giáo là người ở dưới xuôi, đã cắm bản tại điểm trường này hơn chục năm rồi. Dù khó khăn, vất vả như vậy, nhưng các thầy giáo vẫn luôn cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ của mình”, thầy Cường chia sẻ.

Đường đi trời nắng còn đỡ, trời mưa ngập nhão nhoét, rất khó di chuyển. Ảnh Hồng Đức

Thầy giáo Bùi Ngọc Sơn trên đường vào điểm trường bản Giá. Ảnh: Hồng Đức

Những ổ trâu, ổ voi và những rãnh bùn sâu hoắm... Ảnh Hồng Đức

Thầy giáo đang nắn nót từng chữ cho học sinh trong bản Giá. Ảnh: Hồng Đức

Cô giáo Phạm Thị Lan – phụ trách lớp học Mầm non ở bản Giá, cho biết: “Chúng em đi vào dạy học ở khu này vất vả quen rồi. Nhưng dù là quen, thì lần nào đi vào, đi ra đều không tránh được ngã xe máy. Nhiều hôm được nghỉ cuối tuần, chúng em muốn về nhà mà gặp trời mưa, thì đi bộ còn nhanh hơn chạy xe máy”

Lớp học Mầm non (4 và 5 tuổi) ở bản Giá. Ảnh: Hồng Đức

Cô giáo Cao Thị Luyên – Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Xuân, cho hay, tại khu lẻ bản Giá, có 49 học sinh mầm non, được bố trí 3 giáo viên từ ngoài trung tâm xã vào cắm bản. Do điều kiện còn quá khó khăn, nên các cháu đang còn phải học ở trong hai phòng tranh tre, nứa lá.

Nhóm trẻ mới nhập trường Mầm non ở bản Giá. Ảnh: Hồng Đức

Học sinh bản Giá sau giờ tan học. Ảnh: Hồng Đức

Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Phi Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa, bộc bạch: “Điểm trường bản Giá, xã Thanh Xuân hiện nay đang rất nhiều khó khăn, vất vả. Các thầy, cô giáo vào đây cắm bản, có thể phải ở lại cả tháng trời vì trời mưa, đường trơn, lầy lội không thể ra được. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên các thầy, cô giáo cố gắng vượt qua những khó khăn hàng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Những chiếc xe thu mua luồng trong bản Giá cũng chịu cảnh sa lầy. Ảnh: Hồng Đức

"Tuyến đường vào bản Giá, xã Thanh Xuân đang là trở ngại nhất cho sự phát triển kinh tế địa phương nơi đây. Gần 900 nhân khẩu (183 hộ dân) ở đây luôn bị động trọng việc giao thương với bên ngoài. Nếu mua lương thực, thực phẩm của người ngoài đưa vào bản, bà con phải mua giá cao gấp đôi.

Ngược lại, nếu ở ngoài trung tâm xã, người ta bán mỗi cây luồng được 30.000 đồng, thì bà con trong bản Giá chỉ bán được bằng phân nửa giá trị đó thôi. Huyện cũng đã đề nghị cấp trên hỗ trợ, đầu tư xây dựng con đường này, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí nào cả. Đành phải chờ thôi”

(Ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa) 

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/trai-nghiem-duong-den-truong-di-bo-nhanh-hon-xe-may-o-thanh-hoa-803617.html