Trải nghiệm khủng khiếp của những người đang chiến đấu với tử thần tại Gaza

Không điện, nước, nhiên liệu, internet, Dải Gaza đang được xem là chẳng khác nào đang quay về thời kỳ đồ đá.

Và không chỉ hơn hai triệu người dân Gaza, các phóng viên, nhà báo và các y bác sĩ có lẽ là những người thấm nhất những khổ sở, cùng cực gây nên bởi “thảm họa nhân đạo chưa từng có” tại dải đất đau thương này. Trong đó, trải nghiệm khủng khiếp nhất có lẽ là những người đang lĩnh nhiệm vụ nỗ lực cứu người.

Bệnh viện không điện nước, không thiết bị y tế

Ngày 12/11, Al-Shifa và Al-Quds- hai bệnh viện lớn nhất và lớn thứ hai ở Gaza - thông báo tạm dừng hoạt động. Nhưng không chỉ có Al-Shifa và Al-Quds, ngày 10/11, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết 20 bệnh viện ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát đầu tháng 10.

Con số này tương đương với hơn một nửa số bệnh viện tại đây đã không thể thực thi nhiệm vụ cứu người, bởi theo thống kê tại khu vực này chỉ có khoảng 36 bệnh viện. Cùng với đó, 71% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Gaza cũng đã phải đóng cửa vì hư hỏng hoặc thiếu nhiên liệu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thì lên tiếng các bệnh viện khu vực này đã không thể duy trì chức năng của một cơ sở chăm sóc y tế.

Trong một bài đăng ngày 12/11 trên mạng xã hội X, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng “tình hình rất thảm khốc, nguy hiểm” và “bệnh viện không còn hoạt động như một bệnh viện nữa”.

Ngày 14/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng đã phải lên tiếng “vô cùng lo lắng trước tình hình tồi tệ khủng khiếp” tại các bệnh viện ở Gaza. Và chính người đứng đầu LHQ đã lý giải cho cái sự “tồi tệ khủng khiếp tại các bệnh viện” mà ông nói đến. “Người bị thương, người bệnh, người đang hấp hối nằm chật kín hành lang các bệnh viện. Nhà xác đã quá tải. Bác sĩ phải phẫu thuật mà không có thuốc gây mê. Hàng chục nghìn người đang lánh nạn trong khuôn viên các bệnh viện” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 10/11.

Còn “người trong cuộc” như bác sĩ Marwan Abusada, thì đau xót chia sẻ tình cảnh mà ông và các đồng nghiệp ở Gaza đang phải hứng chịu: “Chúng tôi không có điện, không có nước, thậm chí không có thức ăn”. Đau xót hơn, với những người làm nghề y như ông là sự bất lực khi thấy người sắp chết, người bị thương mà không thể cứu.

“Hôm nay chúng tôi đã mất một em bé. Hôm qua chúng tôi đã mất 2 em bé và tôi sợ rằng tất cả các em có thể sẽ mất mạng”, đó là chia sẻ của một bác sỹ tại bệnh viện Al-Shifa khi việc mất điện đã làm hệ thống lồng ấp - điều sống còn với trẻ sinh non - không thể hoạt động. Nhiều y, bác sĩ cho biết, họ cảm nhận được nỗi đau của bệnh nhân, nhưng thực sự đã không thể làm gì được.

Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Mọi sự tồi tệ chắc chắn sẽ còn tồi tệ tang thương hơn nữa khi Israel vẫn phong tỏa dải đất này, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt, và thậm chí, các cuộc tấn công vẫn không ngừng hướng vào các bệnh viện, nơi vốn dĩ chỉ để cứu người. Và khi “Israel đang phát động cuộc chiến vào các bệnh viện ở thành phố Gaza” - như chia sẻ của Mohammad Abu Selmeyah, giám đốc Bệnh viện Al Shifa, thì không chỉ bệnh viện không có thuốc, không điện, không nước, không còn cơ sở vật chất khám chữa bệnh mà ngay cả tính mạng của các y, bác sĩ cũng không được bảo toàn.

Ngày 7/11, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Christian Lindmeier cho biết đã có khoảng 160 nhân viên y tế đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại Dải Gaza và con số này sẽ còn tăng lên. Những người đang lãnh trách nhiệm cứu người tại Gaza đang đối phó với tình huống hiểm nguy, ngặt nghèo hơn bao giờ hết.

Gắng gượng bám trụ để giành giật sự sống

Nhưng trái tim người thầy thuốc đã khiến rất nhiều y bác sĩ tại Gaza đã chọn cách đối mặt với tử thần, đối mặt với điều kiện sống và làm việc thiếu thốn đến ngặt nghèo để ở lại, đồng hành cùng những người bệnh của mình đến khi nào có thể.

“Chúng tôi rất sợ những cuộc oanh tạc. Nhưng chúng tôi phải ở lại đây, về mặt đạo đức, chúng tôi có nghĩa vụ phải điều trị cho bệnh nhân và chúng tôi không thể rời đi khi bệnh nhân vẫn còn ở bên trong” - chia sẻ của bác sỹ Abu Sada, bệnh viện al-Shifa cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều y bác sĩ tại vùng đất lửa này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn ngày càng khốc liệt và những cảnh báo rằng các lực lượng tham chiến đang tấn công hoặc sử dụng bệnh viện làm lá chắn thì bản thân những y bác sĩ quả cảm nhất cũng không chắc được rằng họ còn có thể trụ lại được bao lâu, thậm chí họ còn giữ được chính tính mạng mình hay không.

Như chia sẻ rất thật lòng của một giám đốc bệnh viện tại Gaza: “Tình hình thật bi thảm. Chúng tôi bị thiếu hụt lớn về thuốc cấp cứu và thuốc gây mê cũng như các vật tư y tế khác. Chúng tôi không có nguồn nào hỗ trợ, sự sống của các em bé và bà mẹ được tính bằng từng phút. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức của mình và kéo dài được chừng nào hay chừng ấy”.

Các bệnh nhân tại bệnh viện Al-Shifa. Ảnh: Getty

“Thế giới không thể im lặng trong khi các bệnh viện, nơi lẽ ra phải là chỗ trú ẩn an toàn, lại biến thành cảnh tượng chết chóc, tàn phá và tuyệt vọng” - Tổng Thư ký LHQ Ghebreyesus đã cảnh báo trên mạng xã hội X. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên án Hamas sử dụng “bệnh viện và dân thường làm lá chắn sống” ở Dải Gaza. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã kêu gọi bảo vệ các bệnh viện trên khắp Gaza.

“Điện trong bệnh viện là nguồn sống. Nếu không có điện, bệnh nhân sẽ chết. Cần phải hành động ngay bây giờ, nếu chúng ta không ngăn chặn cuộc đổ máu này ngay lập tức bằng lệnh ngừng bắn hoặc ở mức tối thiểu là sơ tán bệnh nhân về mặt y tế, những bệnh viện này sẽ trở thành nhà xác” - tổ chức MSF nhấn mạnh.

Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết: “Những hành động thù địch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bệnh viện và gây thiệt hại nặng nề cho dân thường cùng nhân viên y tế. Luật nhân đạo quốc tế quy định các bệnh viện, vật tư y tế và dân thường bên trong bệnh viện phải được bảo vệ”. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cáo buộc Hamas sử dụng bệnh viện và các cơ sở dân sự khác để làm nơi trú ẩn cho các chiến binh và chứa vũ khí.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nhấn mạnh: “Các quy tắc của chiến tranh rất rõ ràng. Bệnh viện là cơ sở được bảo vệ đặc biệt theo luật nhân đạo quốc tế. ICRC kêu gọi bảo vệ tất cả dân thường, bao gồm cả nhân viên nhân đạo và nhân viên y tế. Sự bảo vệ này không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là mệnh lệnh đạo đức để bảo toàn mạng sống con người trong thời điểm khủng khiếp này”.

Nhưng có vẻ mọi sự cảnh báo đanh thép này rất khó để được lắng nghe. Và nếu như vậy, cuộc chiến cứu người và cả cứu các y, bác sĩ, các bệnh viện ở Gaza còn trong tuyệt vọng.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trai-nghiem-khung-khiep-cua-nhung-nguoi-dang-chien-dau-voi-tu-than-tai-gaza-post272682.html