Trải nghiệm về miền Di sản Biển Đà Nẵng

Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2023 với chủ đề 'Về miền di sản biển Đà Nẵng' do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trong 2 ngày 18 và 19-11 cùng nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cùng du khách thập phương.

Cuộc thi Liên hoan "Hát dân ca - hò khoan đối đáp".

Không giấu được sự ngạc nhiên, thú vị khi tham quan không gian trưng bày, triển lãm ảnh về câu chuyện nghề đánh bắt và chế biến hải sản truyền thống cũng như những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt của cư dân vạn chài cùng "Chợ phiên đồ xưa Đà thành", anh Nguyễn Đông (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) bày tỏ, thật sự ấn tượng khi nơi đây trưng bày và bán nhiều kỷ vật xưa. Đó là những chiếc bàn ủi sử dụng than, hay những chiếc đồng hồ, máy đánh chữ, điện thoại để bàn, hộp quẹt… có từ thời xưa. Không chỉ riêng anh Đông mà đối với nhiều người dân xứ Quảng, những vật dụng này gắn với thời thơ ấu, khi nhìn thấy chúng gợi nhớ về một thời xưa cũ với biết bao kỷ niệm cùng người thân trong gia đình.

Chung cảm nhận với anh Đông, bản thân người viết cũng hết sức xúc động khi nhìn thấy đôi bầu dùng để gánh hải sản, chủ yếu là mắm, cá muối được giới thiệu tại chương trình Ngày hội lần này. Cùng với đó là những câu hát Dân ca - Hò khoan đối đáp của các đội thi như đưa tôi về với tuổi thơ. Còn nhớ, ngoại tôi là người phụ nữ miền biển Thăng Bình (Quảng Nam). Thời chiến tranh loạn lạc, vì cuộc mưu sinh, bà một thân một mình quảy đôi gánh bầu mang theo hải sản được chế biến từ miền xuôi, bách bộ lên miền ngược Tiên Phước để đổi lấy thổ sản miền ngược mít, chè, sắn…Cũng từ những câu hát hò khoan đối đáp trong lao động sản xuất mà ngoại đã nên duyên vợ chồng với chàng trai miền ngược. Những câu ca: "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên" hay "Cá không ăn muối cá ươn/con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư"… tôi được nghe ngoại ngân nga từ tấm bé, thuộc nằm lòng đến tận bây giờ.

Cùng với việc cảm nhận những nét độc đáo giá trị di sản văn hóa biển của TP Đà Nẵng tại không gian triển lãm ảnh "Chuyện làng biển", triển lãm tranh ký họa "Ký ức làng chồ" gồm 65 bức tranh ký họa gồm 4 chủ đề: "Một thuở làng chồ", "Đời chồ", "Em và chồ", "Nghề chồ" cũng thật sự tạo ấn tượng, cảm xúc cho người đến thưởng lãm. Cùng với đó là những câu hát bả trạo độc đáo của nghệ nhân Phùng Phú Phong ở tuổi 80 và những làn điệu hát hò khoan, đối đáp đến từ 6 đội thi thuộc các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện TP Đà Nẵng; hay chương trình Talkshow "Nghe sử làng biển" giúp cho người nghe hiểu hơn về tín ngưỡng thờ thần trong văn hóa biển…

Trong khuôn khổ Ngày hội, người dân và du khách còn được trải nghiệm tại "Chợ phiên đồ xưa Đà thành", tận mắt chiêm ngưỡng các di vật, cổ vật được khai quật lên từ những con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam. Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thu hút khách khác như: Trải nghiệm các hoạt động đan lát các ngư cụ truyền thống; thi làm gỏi cuốn; làm lưới gai và nhuộm lưới; workshop "Cá và Mắm" với trải nghiệm làm mắm nêm, mắm xổi và cà phê mắm; Không gian sắp đặt check-in về văn hóa biển Đà Nẵng cùng các trò chơi dân gian…

Nữ du khách ngoại quốc thăm quan triển lãm ảnh "Chuyện làng biển".

Bà Ngô Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, một bộ phận cư dân thành phố từ xa xưa đã bám biển, sống bằng nghề biển và hình thành nên các làng chài ven biển như: Nam Ô, Mân Thái, Mỹ Khê, Thanh Khê… Từ trong quá trình sinh tồn, những nét văn hóa của cư dân biển Đà Nẵng dần được hình thành và góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa vùng miền. Với chủ đề "Về miền di sản biển Đà Nẵng", đến với Ngày hội Di sản văn hóa năm nay, công chúng được thưởng thức, tìm hiểu di sản bằng đa giác quan, từ xem triển lãm, nghe hát, nghe talkshow, nếm tinh hoa ẩm thực và chơi các trò chơi dân gian mang đặc trưng của vùng biển xứ Quảng.

Nếu như mọi năm, Ngày hội Di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng chỉ tập trung hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên thì năm nay, đơn vị đã đổi mới các hoạt động nhằm phục vụ công chúng ở mọi độ tuổi. Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng đã chủ động kết nối, huy động sự tham gia của các đơn vị, địa phương trong khâu tổ chức để góp phần đưa sự kiện này trở thành ngày hội của toàn dân.

Các hoạt động của Ngày hội được Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng theo tiêu chí gần gũi, hướng tới cộng đồng, đặc biệt có sự tham gia của các chủ thể văn hóa - những người cả đời gắn bó với biển. Thông qua đó, quảng bá và tôn vinh những giá trị di sản văn hóa biển của thành phố, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa cũng như bảo vệ môi trường biển hôm nay.

Đinh Nga

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/trai-nghiem-ve-mien-di-san-bien-da-nang-post286754.html