Trái ngọt vùng đồi

Mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT để cải tiến quy trình chăm sóc, từ đó biến những vùng đất gò, đồi khô cằn thành vườn cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang là hướng mở triển vọng của bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong tỉnh. Những mùa quả ngọt trĩu cành đã mang lại cuộc sống ngày càng sung túc cho người dân vùng đồi núi, tích cực góp phần giảm nghèo bền vững.

Mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng cam canh ở khu Đèo Cón, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao

Cây mới trên đất cũ

Sáu năm về trước, hơn một ha vườn đồi của gia đình chị Đinh Thị Tiền ở khu 5, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn chỉ độc canh cây ngô nhằm phục vụ chăn nuôi. Đây là loài cây lương thực phổ biến, giá trị kinh tế thấp, tốn công chăm sóc, nên đến năm 2016, vợ chồng chị cùng bàn bạc chuyển đổi sang trồng mít Thái, ổi và bưởi cho hiệu quả kinh tế vượt trội. 400 gốc ổi sau ba năm chăm sóc đã cho thu hoạch. Năm 2022, gia đình chị thu được khoảng năm tấn quả với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, 200 gốc mít Thái, mít Malaysia cho thu hoạch quanh năm với trọng lượng quả từ 15-20kg/quả. Cùng với ổi, mít còn có 300 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn cũng bước sang năm thứ hai cho quả. Mời khách thưởng thức vị ngọt, giòn của những trái ổi găng mới hái, chị Tiền cho biết: “Trước kia hai vợ chồng tôi cứ nghĩ đất sỏi đá thế này thì làm sao cải tạo để trồng cây ăn quả được, kỹ thuật mình lại không nắm được. Sau thời gian ấp ủ và chủ động tìm nguồn giống, sự hỗ trợ kỹ thuật của những người đi trước, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sườn đồi thành vườn cây ăn quả. Gia đình mất nhiều năm để cải tạo đất trồng bằng việc sử dụng các loại phân hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để quản lý độ ẩm, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng bằng các loại chế phẩm sinh học để xua đuổi côn trùng, sâu bệnh gây hại. Đồng thời, trồng xen canh các loại cây dưới tán để hạn chế cỏ dại, chống xói mòn đất. Với diện tích trồng cây ăn quả như hiện nay, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng, cuộc sống đã khá dần lên”.

Tiên phong đưa các giống cây ăn quả có múi về bén dễ đất cằn, gia đình anh Đặng Quang Tiệp ở khu Đồng Than, xã Kiệt Sơn đã có hơn 7ha trồng bưởi, cam, quýt. Niên vụ quả năm 2022 vừa qua mặc dù chịu ảnh hưởng của sương muối, nhưng gia đình anh vẫn thu hoạch được hơn 30 tấn cam, quýt trị giá trên 700 triệu đồng. Anh Tiệp chia sẻ: “Thời gian đầu, gia đình tôi phải đưa mẫu đất đi phân tích xác định chất đất có phù hợp để trồng cam, quýt không. Sau đó đi tham quan các trang trại, nhà vườn ở Hòa Bình và tham dự các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cam, quýt. Khi đủ tự tin mới mạnh dạn đi lựa mua cây giống chuẩn nhất đưa về trồng”. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm vườn cây trái của gia đình cho thu hoạch vài chục tấn quả mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Tết Nguyên đán vừa qua, vườn quýt của gia đình anh Tiệp cho thu không đủ bán so với nhu cầu tăng cao.

Sở hữu diện tích lớn đồi rừng, những năm trước, gia đình ông Đinh Văn Phú ở khu Bằng Thung, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập chỉ biết trồng keo lấy gỗ cho thu nhập theo chu kỳ 6-7 năm/lần. Tuy nhiên, xác định phải “lấy ngắn nuôi dài” để cuộc sống duy trì ổn định và phát triển hơn, gia đình chỉ giữ lại 3ha trồng keo, còn lại chuyển đổi mục đích sang trồng 200 gốc bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình), hơn 100 gốc mít Thái kết hợp chăn nuôi hươu lấy lộc và nuôi 200 đàn ong lấy mật. Mô hình kinh tế tổng hợp V-C-R này mỗi năm trừ chi phí còn thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhờ đó, từ hộ khó khăn, đến nay kinh tế gia đình ông Phú đã vươn lên khá giả ở khu 135 này.

Phát huy lợi thế

Từng là một trong 63 huyện nghèo của cả nước với bạt ngàn núi đồi bao phủ, sau hơn tám năm nỗ lực phấn đấu, đến năm 2018, Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo, từ đó huyện tập trung vào phát huy các thế mạnh để đưa cuộc sống của người dân từng bước vươn lên. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đến nay, toàn huyện Tân Sơn có hơn 400ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích cây có múi trên 200ha, phần lớn trồng bưởi, cam, quýt. Nhiều mô hình trồng cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt 20 tấn/ha/năm mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong khi đầu ra của nhiều loại nông sản khác bấp bênh thì bưởi, cam, quýt canh tác trên vùng đồi Tân Sơn luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thị trường rộng mở đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng quy mô diện tích. Nhiều hộ dân ở các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn… mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả có múi. Các vườn cây ăn quả trên khắp các vùng đồi Tân Sơn là minh chứng cho sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Việt - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để hiện thực hóa cho thương hiệu nông sản Tân Sơn, huyện sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc ít có tiềm năng, kém hiệu quả để trồng các cây ăn quả có giá trị; hỗ trợ chi phí thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho diện tích cây bưởi thời kỳ kinh doanh tại các vùng trồng bưởi ở xã Minh Đài, Văn Luông, Tân Phú, Thạch Kiệt… nhằm tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm cây ăn quả có múi”.

Phát triển kinh tế đồi rừng là một trong những khâu đột phá mà huyện miền núi Yên Lập triển khai xuyên suốt ba nhiệm kỳ trở lại đây. Mỗi nhiệm kỳ, quan điểm chỉ đạo cũng như cách thức tổ chức thực hiện lại có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 42 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV đã có sự đổi mới trên cơ sở xác định phương hướng phát triển cụ thể của loại cây ăn quả, hứa hẹn tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh kinh tế đồi rừng. Nghị quyết số 42 xác định: “Đặc biệt quan tâm mở rộng diện tích cây bưởi và nâng cao năng suất chất lượng quả bưởi, tạo ra thương hiệu bưởi Yên Lập trên thị trường; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể (ngoài chính sách của tỉnh) nhằm đưa Yên Lập trở thành vùng trọng điểm bưởi theo đúng định hướng chỉ đạo của tỉnh”. Toàn huyện hiện có trên 30.000ha đất đồi rừng, chiếm 70% diện tích tự nhiên. Nếu như trên vùng đồi núi cao, cây gỗ lớn và cây dược liệu chiếm ưu thế thì ở vùng đồi thấp, cây bưởi đã hiện hữu từ hàng chục năm trở về trước. Tuy nhiên, cây bưởi được trồng nhiều nhưng không có quy hoạch, định hướng cụ thể nên hiện vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Theo đó, huyện Yên Lập đề ra mục tiêu đến năm 2025, mở rộng diện tích cây ăn quả (chủ yếu là cây bưởi Diễn) lên trên 800ha và phấn đấu mỗi xã, thị trấn có một mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả để nhân rộng.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, những vườn bưởi ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác.

Còn tại huyện miền núi Thanh Sơn - nơi có hơn 900ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó bưởi được xác định trở thành loại cây ăn quả chủ lực đã được trồng tập trung ở các xã: Tân Minh, Văn Miếu, Tất Thắng, Tân Lập, Cự Thắng, Thục Luyện. Những vùng bưởi chuyên canh hình thành dần thay thế các loại cây tạp và một số cây lấy gỗ như bạch đàn, keo lai... kém hiệu quả, từ đó đưa cuộc sống người dân ngày một phát triển. Đồng chí Kiều Đức Mạnh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mô hình trồng bưởi Diễn với mức lãi thu về khoảng 100 triệu đồng/năm của các xã đang trở thành mục tiêu hướng tới của các hộ nông dân trong toàn huyện. Cây bưởi ngày một khẳng định là loại cây phù hợp để phát triển ở vùng đất này và sẽ làm hồi sinh những vùng đất cằn. Từ sự thành công của các xã trồng điểm, huyện Thanh Sơn khuyến khích bà con đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, địa điểm mua cây giống đảm bảo chất lượng. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích bưởi của huyện đạt trên 1.000ha, trong đó trên 500ha trồng bưởi tập trung. Các hộ đăng ký trồng bưởi được tập huấn về tiêu chuẩn, chất lượng cơ bản, hướng dẫn biện pháp, quy trình chăm sóc.

Mỗi năm gia đình chị Đinh Thị Tiền ở khu 5, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.

Những mùa quả ngọt tiếp nối với hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều chủ vườn ở các huyện miền núi Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập có cuộc sống sung túc, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên đất quê. Các loại trái cây thơm ngon có chất lượng đã chiếm được cảm tình của chính người dân địa phương, từ đó tạo cơ hội để nông sản Đất Tổ vươn xa hơn nữa trên thị trường trong thời gian tới.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/trai-ngot-vung-doi/190930.htm