Trái tim nhân ái của cô giáo khuyết tật

Tai nạn giao thông cướp mất một chân nhưng cô Nguyễn Thị Minh Tâm (giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) vượt lên nghịch cảnh, tiếp tục đến lớp. Cô còn lập nhóm từ thiện Nhất Tâm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Minh Tâm (trái) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô giáo Minh Tâm (trái) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Vượt lên số phận

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm ngành Toán, cô Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1986) hăm hở về nhận công tác tại Trường THPT Tân Thành (huyện biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp).

Năm 2009 trong một lần đi vận động HS bỏ học trở lại trường, cô gặp tai nạn giao thông. Tương lai dường như tắt lịm khi tỉnh dậy trong bệnh viện, cô thấy mình chỉ còn một chân. Nhưng nhờ sự quan tâm chăm sóc, tình yêu thương của mẹ và học trò, cô được tiếp thêm sức mạnh. Bắt đầu tập đi với chân giả, 6 tháng sau cô có thể đến trường, tiếp tục công tác. Sau đó, cô được ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) gần nhà.

Nói về những xáo trộn sau khi bị tai nạn, cô Minh Tâm kể: “Ngày đầu tiên quay lại lớp học với chiếc chân giả, tôi mang trong mình nhiều nỗi sợ. Sợ học trò trêu chọc, phụ huynh không chấp nhận giáo viên khuyết tật dạy con mình...”.

Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân, niềm tin nơi phụ huynh, lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp, cô từng bước khẳng định mình thông qua việc tham gia các hoạt động, cuộc thi của trường và nhiều lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường. “Nghề giáo mà tôi theo đuổi trước và sau khi bị tai nạn chỉ có chút thay đổi. Càng dạy, tiếp xúc học sinh, tôi càng yêu nghề hơn và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho giáo dục” – cô Minh Tâm chia sẻ.

Em Phan Thị Mỹ Duyên, học trò cũ của cô Tâm nói: “Lúc mới về trường, trong mắt em và nhiều bạn học sinh cô mang vẻ đẹp trẻ trung. Khi cô phải chống nạng đến trường, với em, nét đẹp của cô không hề suy giảm. Nhất là những giờ cô đứng lớp, em biết cô rất mệt, nhưng vẫn theo lớp đến cuối năm học”.

Người mẫu khuyết tật

Cô giáo Minh Tâm cùng nhóm thiện nguyện thực hiện việc hớt tóc, gội đầu miễn phí và tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (28/2/2020). Ảnh: FBNV

Năm 2015, nghị lực của cô giáo khuyết tật một lần nữa được tỏa sáng khi lọt vào top 5 Liên hoan Vẻ đẹp vầng trăng khuyết – cuộc thi hoa hậu dành cho phụ nữ khuyết tật. Tham gia cuộc thi này, cô muốn vượt lên chính mình và đóng góp tiếng nói đến cộng đồng để thay đổi cách nhìn, nhận thức của mọi người về người khuyết tật (NKT). Tuy không đạt giải thưởng nhưng với cô, việc tham gia cuộc thi và cố gắng trong từng phần thi là một phần thưởng dành cho mẹ và người thân của mình.

Ở chương trình biểu diễn thời trang dành cho phụ nữ khuyết tật với tên gọi “Tôi đẹp bạn cũng thế”, cô Minh Tâm cùng các bạn người mẫu khuyết tật khác đã giúp mọi người thay đổi khuôn mẫu về thẩm mỹ của cộng đồng và của NKT với bản thân mình.

Bên cạnh đó, cô Minh Tâm còn xuất hiện tại nhiều sự kiện với vai trò diễn giả, giao lưu tạo động lực với các bạn HSSV cùng điệu múa điêu luyện. “Tham gia các hoạt động dành cho NKT giúp tôi tự tin hơn với khiếm khuyết của mình, là động lực để phấn đấu và mong muốn đóng góp nhiều hơn” – cô Tâm bày tỏ.

Bán hoa hồng gây quỹ thiện nguyện

Trở thành NKT, cô Minh Tâm hiểu nhiều hơn những khó khăn, thiệt thòi mà NKT đang phải gánh chịu cùng những những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Cô mong muốn được giúp họ nhiều hơn. Ngày 8/3/2015, cô cùng một sinh viên lập nhóm thiện nguyện mang tên Nhất Tâm.

Hoạt động đầu tiên của nhóm là bán hoa hồng nhân các ngày lễ để gây quỹ. Số tiền thu được, nhóm mua quà tặng cho người nghèo, trẻ em mồ côi, người bệnh tâm thần, bệnh nhân ở bệnh viện… Sau khoảng thời gian hoạt động, nhóm được người biết đến, một số nhà hảo tâm quan tâm đăng ký tham gia là thành viên và đóng góp quỹ hàng tháng cho nhóm.

Sau thời gian hoạt động, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm trở nên quen thuộc với người dân có hoàn cảnh khó khăn, HSSV ở Đồng Tháp. Có thể kể đến các chương trình như “Tiếp sức mùa thi” năm 2019 đến 14 trường THPT trong tỉnh Đồng Tháp; “Thăm các bệnh nhân mất chân do bệnh, tai nạn lao động, giao thông” tại các Bệnh viện: Chấn thương chỉnh hình TPHCM, 175, 115, Phục hồi Chức năng và Bệnh nghề nghiệp quận 8, Chợ Rẫy...

Mọi chuyện dường như không dừng lại khi phải mang chiếc chân giả hằng ngày. Cô tiếp tục học cao học tại Trường ĐH Đồng Tháp chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Toán. Nói về tương lai, cô chia sẻ: “Tôi mong muốn trong thời gian tới có thể đạt học bổng chính phủ Austrailia để có cơ hội học kiến thức và kĩ năng chuyên nghiệp, giúp được nhiều người hơn. Ngoài ra, tôi cũng mong nhóm thiện nguyện phát triển hơn, có thể kết nối với nhiều người cùng chung sức giúp người khó khăn, NKT”.

Tuy có chút khó khăn khi đi lại nhưng đó không phải vấn đề lớn bởi tôi luôn có mẹ đồng hành trong những hoạt động thiện nguyện. Ngoài ra, với đôi chân không lành lặn, tôi luôn cố gắng, học hỏi và phấn đấu để truyền cảm hứng cho mọi người, lan tỏa tinh thần yêu thương, chia sẻ. - Cô Nguyễn Thị Minh Tâm

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trai-tim-nhan-ai-cua-co-giao-khuyet-tat-20200329173617308.html