Trầm Bê: Những chuyện bây giờ mới kể

Trước khi bị bắt vào ngày 1/8, Trầm Bê đã tự 'viết' cho mình một cuốn sách độc nhất vô nhị về những thăng trầm, những thành công đếm bằng nghìn tỷ.

Nợ Sacombank 43.000 tỷ đồng

Sau khi bộ Công an thông tin về việc ông Trầm Bê bị bắt vào chiều 1/8, ngay lập tức, ngân hàng Sacombank đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định: “Hiện Sacombank vẫn hoạt động bình thường và tăng trưởng ổn định”.

Theo Sacombank, việc khởi tố ông Trầm Bê do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng, theo kết luận giám định của NHNN, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh.

Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014.

Trả lời báo chí, Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh cũng tiết lộ thêm, ông Trầm Bê đang có 2 khoản nợ Sacombank với tổng giá trị 43.000 tỷ đồng. Theo đó, một là nợ liên quan tới bất động sản với giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng. Khoản nợ thứ 2 là cổ phiếu khoảng 10.000 tỷ đồng.

“Tất cả khoản nợ này đều có tài sản bảo đảm tương đương” - ông Minh cho biết.

Nói cách khác, khối tài sản của ông Trầm Bê đang cầm cố tại ngân hàng có thể tương xứng với khoản nợ 43.000 tỷ đồng.

Nhìn lại những thăng trầm trong cuộc đời doanh nhân gốc Hoa này, người ta cũng phần nào hiểu được khối tài sản khủng mà ông cùng gia đình đang sở hữu.

Mang chuông đi đánh xứ người

Khởi nghiệp từ năm 1991, ông Trầm Bê làm Giám đốc công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh và sau đó làm chủ tịch HĐQT công ty này đến năm 2001.

Năm 1999, ông tham gia vào thị trường bất động sản với việc mua cổ phần của công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), tham gia với vai trò thành viên HĐQT. Đây cũng là nơi bắt đầu tình bạn giữa Trầm Bê và một doanh nhân gốc Hoa khác là ông Trần Ngọc Henri – chủ tịch HĐQT BCCI.

BCCI đã có một thập kỷ ăn nên làm ra, thậm chí vẫn đứng vững và tăng trưởng trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2010.

10 năm sau khi “kết duyên” với nhà đất, ông Trầm Bê đã quyết định “mang chuông đi đánh xứ người” với thương vụ chịu chi 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall thuộc trung tâm thương mại tại Cupertino (bang California, Mỹ) vào năm 2009.

Vallco Shopping Mall (thường được biết dưới tên Cupertino Square hoặc Vallco Fashion Park) là một khu trung tâm mua sắm 3 tầng, tọa lạc tại Cupertino, California, USA. Vallco Park bắt đầu hoạt động từ những năm 1960 và hiện diện tích của toàn bộ khu này đã lên tới 55.700m2.

Tháng 11/2014, ông Trầm Bê – khi đó là Phó chủ tịch Sacombank xác nhận, CTCP Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn do con trai ông là Trầm Trọng Ngân làm giám đốc đã thực hiện chuyển nhượng khu thương mại Vallco Shopping Mall với trị giá 116 triệu USD.

Sau khi trừ đi khoảng 36 triệu USD thực hiện các nghĩa vụ thuế, 80 triệu USD còn lại sẽ được chuyển về Việt Nam. Ông Bê cho biết đây là khoản đầu tư duy nhất của ông ở nước ngoài và mang lại lợi nhuận.

Như vậy, chỉ sau 5 năm đầu tư nhà đất tại Mỹ, ông Trầm Bê đã lãi 16 triệu USD – tương đương hơn 340 tỷ đồng (tính theo tỷ giá USD/VND năm 2014).

Dinh thự hạng sang, 9 ngôi chùa “dát vàng”

Tại quê nhà ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, danh tiếng ông Trầm Bê còn gắn liên với dinh thự rộng 30ha “có một không hai” và những lần góp tiền tỷ xây chùa cho người Khơ-me.

Dinh thự riêng của gia đình Trầm Bê có thể coi như một tòa lâu đài lộng lẫy với 5 tháp trên mái, từng được đánh giá là tòa nhà lớn nhất Nam Bộ. Trong khuôn viên rộng 30ha có rất nhiều cây cảnh, đặc biệt có hơn 1.000 cây tùng các loại được nhập từ Nhật Bản về có giá hàng triệu USD.

Dinh thự của gia đình Trầm Bê tại Trà Vinh

Nếu chỉ có tiền và xây dinh thự thì Trầm Bê đã không nổi tiếng đến vậy, người dân miền Tây Nam Bộ - đặc biệt là cộng đồng người Khơ-me khu vực tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng luôn nhớ tới vị đại gia này khi ông liên tục phát tâm, góp hàng trăm tỷ đồng xây 9 ngôi chùa “dát vàng”.

Một kỹ sư xây dựng từng tiết lộ những ngôi chùa mang dấu ấn Trầm Bê có thể kể đến như chùa Vàm Ray, chùa Cà Hom, chùa Ba Sát, chùa Bến Có, chùa Mới, chùa Phnô Đôn, chùa Tà Điêu... 7 ngôi chùa vừa kể đều tọa lạc tại tỉnh Trà Vinh, quê hương của đại gia Trầm Bê.

Ngoài ra, vị đại gia này còn bỏ ra 6 tỷ đồng để xây một ngôi chùa ở Vũng Liêm, Vĩnh Long và khoảng 12 tỷ đồng xây ngôi chùa thứ 9 có tên Prắc-Huy-Hia, tọa lạc tại tỉnh Prắc-Huy-Hia, Campuchia được khởi công vào đầu năm 2014.

Ông Trầm Bê từng đóng góp gần 20 tỷ đồng xây dựng chùa Vàm Ray - ngôi chùa Khơ-me lớn nhất Việt Nam.

Anh em Trầm Bê, Trầm Sê, Trầm Đê

Ngoài BCCI và Sacombank là hai doanh nghiệp, ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán, những công ty của Trầm gia đều chỉ được biết đến qua những cái tên của anh em ông Trầm Bê là Trầm Sê, Trầm Đê và các con là Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa và Trầm Thuyết Kiều.

Trầm gia còn góp mặt trong lĩnh vực y tế với việc xây dựng bệnh viện Triều An, nơi ông Trần Ngọc Henri làm Chủ tịch HĐQT.

Bệnh viện Triều An nơi con gái Trầm Bê là Trầm Thuyết Kiều làm thành viên HĐQT

Bệnh viện Triều An là bệnh viện tư nhân đa khoa chuyên sâu đầu tiên và cũng là lớn hàng đầu Việt Nam. Hai anh trai ông là Trầm Sê, Trầm Đê và con gái Trầm Thuyết Kiều hiện đều đang lãnh đạo bệnh viện Triều An với vai trò cao trong ban kiểm soát và ban điều hành.

Ngoài ra, công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn với thương vụ triệu USD tại Mỹ là do ông Trầm Bê từng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, con trai Trầm Trọng Ngân làm tổng giám đốc đã chiếm lĩnh 100% thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam giai đoạn 2002 -2009.

Đại gia Trầm Bê còn giữ cổ phần chi phối tại công ty Xây dựng Hàm Giang, đơn vị từng bỏ ra tới 60 triệu USD để mua lại khu trung tâm thương mại châu Á lớn nhất tại Mỹ, là Cupertino Square (San Jose, California).

Hoa Liên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tram-be-nhung-chuyen-bay-gio-moi-ke-a334587.html