Trạm BOT Cai Lậy: Bộ Giao thông lý giải vì sao cầu lại 'biến' thành cống

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc hai câu cầu “biến mất” là do giải pháp kỹ thuật khi thực hiện. Hai câu cầu còn lại thực chất là cầu bản chỉ dài có 6m. Chủ đầu tư đã kiến nghị thay thế 2 cây cầu đó bằng cống hộp.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.

Chiều 17/8, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp báo về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Cai Lậy và dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vị trí đặt trạm thu phí ở dự án BOT Cai Lậy đã qua một quá trình khảo sát rất lâu và kỹ lưỡng.

Dự án do Bộ Giao thông vận tải và địa phương lập dự án, trong quá trình làm đã lấy đầy đủ các ý kiến từ Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải và địa phương.

Theo ông Đông, dự án này nằm trong dự án để chủ đầu tư hoàn vốn. Ngân sách đang hạn chế, Nhà nước không có tiền để đầu tư nên giao cho các chủ đầu tư là công ty thực hiện.

“Quỹ bảo trì đường bộ chỉ để vá đường, không nâng cấp cải tạo được. Còn nếu ngân sách mà đủ để đầu tư thì chúng tôi hết sức hoan nghênh”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Được biết, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư do Bộ Giao thông vận tải ký, đường tránh trên 1.000 tỷ đồng ở Cai Lậy có 7 cây cầu được xây mới nhưng thực tế chỉ có 5 cầu.

Làm rõ vấn đề này tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc hai câu cầu “biến mất” là do giải pháp kỹ thuật khi thực hiện. Hai câu cầu còn lại thực chất là cầu bản chỉ dài có 6m. Chủ đầu tư đã kiến nghị thay thế 2 cây cầu đó bằng cống hộp.

“Như cái cửa, ban đầu thiết kế 2 m nhưng sau đó thấy cao quá nên chỉ làm 1,8m. Vấn đề là phải đảm bảo thoát nước. Còn việc giảm được bao nhiêu kinh phí sau khi 2 cầu thành cống, Bộ sẽ có thông báo con số cụ thể nhưng chắc chắn kinh phí giảm không được nhiều", ông Đông khẳng định.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã thông báo về việc thống nhất phương án giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy.

Theo đó, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 25.000 đồng/lượt.

Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) giảm từ 50.000 đồng xuống còn 35.000 đồng/lượt.

Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giảm từ 60.000 đồng xuống còn 40.000 đồng/lượt.

Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 100.000 đồng xuống còn 70.000 đồng/lượt.

Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 180.000 đồng xuống còn 140.000 đồng/lượt; Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này.

Thời gian áp dụng mức phí mới bắt đầu từ ngày 21/8.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10.9.

Bộ Giao thông vận tải cũng thống nhất, trước ngày 25/8, UBND tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo các cơ quan chức năng thống kê lượng xe được giảm, miễn phí dịch vụ. Đồng thời, cơ quan chức năng phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại trạm BOT Cai Lậy, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/du-an/tram-bot-cai-lay-bo-giao-thong-ly-giai-vi-sao-cau-lai-bien-thanh-cong-3087087.html