'Trăm cái dại cũng tại lòng… tham'

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân nông thôn vẫn mắc 'bẫy' mua hàng được nhận lại tiền. Thủ đoạn của các đối tượng xấu đưa ra không mới nhưng đánh vào sự cả tin, lòng tham của một số người để trục lợi.

Trò chuyện với phóng viên, bà N.T.H, thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) kể, cách đây vài tuần, người hàng xóm mời bà sang nhà chơi để được tư vấn sức khỏe; chỉ cần ngồi nghe sẽ được tặng quà. Ban đầu bà H chần chừ nhưng sau đó có vài người nữa rủ nên bà sang với mục đích nghe ngóng chứ không mua bán gì.

Tại đây có một nhóm người đi ô tô, mang theo nhiều hàng dạng thực phẩm chức năng như: Yến sào, bổ sung canxi, hoạt huyết dưỡng não… và giao tiếp xởi lởi. Họ hỏi han sức khỏe từng người, sau đó nhiệt tình giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, ban đầu cứ người nào mua hàng thì được trả lại tiền. Thấy có người được hàng chẳng mất đồng nào nên nhiều người đăng ký theo, đưa tiền cho nhóm đối tượng này và nghĩ cũng được trả lại tiền sau khi nhận hàng.

Sản phẩm không rõ nguồn gốc mà bà H bỏ tiền ra mua với giá cao.

Khi số người đăng ký mua, nộp tiền mỗi lúc tăng lên, nhóm bán hàng nhanh chóng đưa đồ cho người mua gói ghém, sau đó vờ ra xe sửa soạn lấy quà tặng cho khách hàng rồi “chuồn” mất hút. “Vừa cho món hàng vào trong túi, ngoảnh đi, ngoảnh lại chúng tôi đã chẳng thấy họ đâu. Ai dè, họ đã lên xe, rời đi từ lúc nào rồi. Lúc đó bà con mới sực tỉnh, biết đã trúng kế mua phải hàng không rõ nguồn gốc với giá cao”-bà H nói.

Theo người dân trong thôn, chỉ trong vài chục phút buổi sáng, khoảng chục người tại thôn Lẻ đã bị cuốn vào mua hàng như bà H. Người nhiều bỏ ra 2 triệu đồng, người ít 500 nghìn đồng mua về một bịch sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng, không biết có tác dụng gì.

Trước đó, tại thôn Hoa, xã Xuân Hương cũng với chiêu trò tư vấn dinh dưỡng, mua hàng nhận lại tiền, các đối tượng bán được nhiều hàng không rõ nguồn gốc cho người dân, sau đó “cao chạy, xa bay.

Nhìn gói hàng mang về, bà H buồn bã: “Toàn bộ số tiền hơn 2 triệu đồng dịp Tết được các con, cháu mừng tuổi tôi đã bỏ ra mua hàng. Nếu hàng uy tín, chất lượng thì họ đã chẳng phải chạy nhanh thế. Hàng thì không rõ nguồn gốc, tôi cũng chẳng dám dùng. Đúng là cả tin, mất tiền rồi”.

Quan sát hàng của một số người dân như: Sản phẩm hoạt huyết dưỡng não, bổ sung can xi hay yến chưng sẵn… nếu mua của hãng uy tín trên thị trường cũng chỉ vài chục nghìn, tính tổng ra chỉ vài trăm nghìn, vậy mà người dân đã phải bỏ ra cả vài triệu đồng.

Thời gian qua, công tác quản lý bán hàng đa cấp được tăng cường, những doanh nghiệp (DN) đăng ký theo quy định hoạt động bài bản, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng làm ăn chụp giật. Không còn tổ chức rầm rộ ở nhà văn hóa thôn, tổ dân phố như trước đây, những đối tượng này đã tổ chức tại nhà của hộ dân, nhờ chủ nhà mời một số người thân, họ hàng tham gia.

Các đối tượng nhắm đến là người cao tuổi, trung niên vì việc sử dụng điện thoại thông minh hạn chế, thường không quay clip khi tham dự. Khi người dân tập trung đông thì bắt đầu tư vấn, vờ là không bán sản phẩm. Những ai mua cần cho đủ tiền vào trong một chiếc phong bì rồi sẽ được hoàn lại đầy đủ mà vẫn có hàng. Với cách làm này, nhóm người xấu đã đánh vào sự cả tin, lòng tham nên đã khiến một số người bỏ ra số tiền lớn mua hàng không rõ nguồn gốc.

Rõ ràng, những thủ đoạn như trên không mới nhưng một số người dân vùng nông thôn vẫn nhẹ dạ, sập “bẫy”. Trước tình trạng trên, chính quyền cơ sở cần tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa đảo dưới hình thức "mua hàng được hoàn tiền"; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo thường xuyên qua hệ thống loa truyền thanh của thôn, tổ dân phố. Mỗi người dân nêu cao cảnh giác, nếu phát hiện các biểu hiện lừa đảo hãy báo tin cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tram-cai-dai-cung-tai-long%E2%80%A6-tham.bbg