Trầm cảm đã bào mòn cuộc đời các ngôi sao Hollywood thế nào?

Chưa bao giờ trầm cảm lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của giới showbiz hiện tại. Trước Sulli, nhiều ngôi sao phương Tây cũng chọn tự tử để giải thoát khỏi căn bệnh này.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước tin nữ ca sĩ Sulli tự tử vào chiều 14/10. Trước khi mất, cựu thành viên f(x) từng khóc và nói với cộng đồng mạng rằng: "Tôi không phải người xấu đâu. Tại sao nói những lời như vậy với tôi. Tôi đã làm gì để nhận lại những điều này chứ?".

Trong khoảng thời gian dài, Sulli phải đối mặt với vô số lời miệt thị, chỉ trích thậm tệ, khiến cô rơi vào cơn trầm cảm ngày một nặng nề hơn. Thế nhưng, đã không ai thấu hiểu, không ai lắng nghe tâm sự của người nghệ sĩ trẻ.

Mất ở tuổi 25, độ tuổi đang tràn trề nhựa sống và đáng lẽ ra phải nhận được những điều hạnh phúc nhất, Sulli lại cho thấy căn bệnh này thực sự là một ác mộng kinh hoàng nếu không có người ở cạnh giúp đỡ.

Người hâm mộ vẫn chưa khỏi đau xót trước sự ra đi quá đột ngột của Sulli.

Người hâm mộ vẫn chưa khỏi đau xót trước sự ra đi quá đột ngột của Sulli.

Không chỉ châu Á, làng giải trí phương Tây cũng nhiều trường hợp nghệ sĩ qua đời vì trầm cảm. Căn bệnh này như một nỗi ám ảnh, bao trùm thành bóng đen xung quanh khiến các sao suy sụp, mất phương hướng.

Avicii - kiệt quệ vì rượu, cô đơn và trầm cảm

Tháng 4/2018, ngôi sao sáng giá trên bầu trời EDM Avicii tự kết liễu đời mình sau những năm tháng vật vã với loạt show diễn xuyên đêm, nỗi cô đơn và chứng trầm cảm nghiêm trọng.

Thi thể của anh được tìm thấy tại Muscat, Oman vào một chiều thứ 6 âm u. Sau đó, tang lễ của DJ quá cố được diễn tại quê hương Stockholm (Thụy Điển). Khi mất, Avicii để lại lá thư tuyệt mệnh với lời trăng trối về một cuộc sống bình yên.

Chủ nhân hit Wake Me Up rời bỏ thế giới ở tuổi 28 để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho cộng đồng người yêu nhạc. Và cũng chính cái chết của anh đã mở toang cánh cửa về một thực tế khắc nghiệt rằng, để trả giá cho thành công, nghệ sĩ phải âm thầm "làm bạn" với đủ loại cảm xúc, áp lực khác nhau rồi rơi vào trầm cảm lúc nào không hay.

Thêm nữa, Avicii còn thường thiếu ngủ, thiếu tình cảm gia đình, ăn thức ăn nhanh quá nhiều, nghiện rượu, xa lạ với việc vận động cộng thêm lối sống nội tâm đầy nỗi u uất không thể giãi bày, khiến căn bệnh tâm lý của anh càng thêm trầm trọng.

Cái chết của Avicii gây rúng động làng nhạc, và cũng là hồi chuông cảnh báo về chứng trầm cảm đang ngày một lan rộng trong giới nghệ sĩ.

"Những thứ xoay quanh âm nhạc hay các show diễn luôn làm tôi không được tự nhiên. Tôi luôn cảm thấy khó khăn khi đối diện với điều đó bởi tôi đã mang theo mình quá nhiều năng lượng tiêu cực", Avicii nói trên Billboard năm 2016.

Ngôi sao nhạc ADM còn tâm sự anh luôn uống khá nhiều rượu trước lúc biểu diễn để giúp bản thân vượt qua nỗi lo lắng, bồn chồn. Có hơi men trong người, anh mới cảm thấy thoải mái hơn khi chơi nhạc. Dù biết chất kích thích lẫn chứng trầm cảm sẽ bào mòn mình, nhưng Avicii vẫn một mực chịu đựng.

Và đến một ngày, khi sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn, nam DJ phải chọn cách tự giải thoát bản thân mình.

Thực tế, Avicii đã báo trước cái chết của anh khi nhiều lần đưa thông điệp ngầm về nỗi mất mát, sự kết thúc, lụi tàn, cô độc vào những ca khúc. Trong đó, những giai điệu trong Wake Me Up, Hey Brother hay The Nights khiến người nghe dự cảm được về một tuổi trẻ tuy rực rỡ nhưng ngắn ngủi của nam DJ.

Những cái tên khác

Hai tháng sau cái chết của Avicii, showbiz thế giới tiếp tục đón nhận tin dữ: Kate Spade - một nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng từ cuối thế kỷ 20 - tự tử tại nhà riêng ở Park Avenue, New York.

Kate Spade là nhà thiết kế túi xách, váy áo đình đám có quan hệ thân thiết với công nương Kate và nhiều thành viên hoàng gia.

Theo CNN, Kate Spade kết thúc cuộc đời mình bằng một chiếc khăn quấn quanh cổ, hưởng thọ 55 tuổi. Cảnh sát cho hay "bà trùm" thời trang đã gặp vấn đề tâm lý trước khi mất, trong đó, nhiều báo ghi nhận Spade bị khủng hoảng cảm xúc vì chồng muốn ly hôn, bà còn một mình chống chọi với cơn trầm cảm kéo dài hơn 5 năm.

Chị của Kate Spade, Reta Brosnahan Saffo nói trên báo: "Kate rất nhạy cảm, dễ kích động và căng thẳng. Tuy nhiên, em tôi đã từ chối chữa trị vì lo ngại thông tin chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến công việc của nó".

Cái chết bất ngờ của Spade là cú sốc lớn với giới mộ điệu bởi trước đó, bà luôn thể hiện bản thân là người vui vẻ, tỏa ra năng lượng tích cực.

Cũng trong làng mốt, vào năm 2013, NTK váy cưới nổi tiếng người Tây Ban Nha Manuel Mota trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng Sitges, gần Barcelona. Theo điều tra, Mota tự tử cũng bởi vì trầm cảm.

Ở trường hợp của nữ diễn viên quá cố Maria Scheneider, bà đã phải đối mặt với một điều khủng khiếp hơn cả trước khi cơn trầm cảm ập đến.

Năm 2007, Scheneider tiết lộ cảnh bà bị Marlon Brando cưỡng hiếp trong phim Last Tango in Paris (1972) hoàn toàn không có trong kịch bản. Chính cảnh quay không được báo trước này đã gieo vào đầu Scheneider sự chà đạp, nỗi ám ảnh kéo dài về sau, đến mức trầm cảm và tìm đến tự tử.

Nỗi ám ảnh vì bị cưỡng hiếp đã khiến Maria Scheneider trầm cảm cho đến cuối đời.

"Tôi dùng cần sa, cocaine, LSD và heroin - cách duy nhất để tôi thoát khỏi hiện thực này. Tôi đã uống thuốc để cố tự tử nhưng tôi vẫn sống, vì Chúa cho rằng đó chưa phải lúc tôi ra đi. Có 2-3 lần tôi còn bất tỉnh vì chơi ma túy quá liều, cũng chẳng khác nào tự tử, nhưng mỗi lần đó tôi đều tỉnh dậy khi xe cấp cứu đến".

Sau bộ phim, sự nghiệp của vị đạo diễn Bernardo Bertolucci và tài tử Marlon Brando khởi sắc rực rỡ. Còn Scheneider, kể từ đó cho tới lúc chết vào năm 2011, bà mãi mãi bị ám ảnh bởi tên gọi khiến bản luôn rơi vào trạng thái u uất - "cô gái bị cưỡng hiếp trong Last Tango in Paris".

Ai là người hiếm hoi chiến thắng trầm cảm?

Có lẽ, Britney Spears là minh chứng điển hình nhất cho nghị lực vực dậy bệnh tật, không để trầm cảm quyết định cuộc đời mình.

Ở giai đoạn 2007-2008, lúc đang là biểu tượng của nhan sắc lẫn tình dục, Spears đánh mất tất cả sau khi mất quyền nuôi con. Từ dạo ấy, cô bắt đầu dính vào loạt rắc rối dùng chất kích thích, uống rượu và thậm chí phải điều trị trầm cảm ở bệnh viện.

Xót xa nhất là khi Britney Spears tự cạo trọc đầu mình trong một tiệm cắt tóc vào một chiều tháng 2. Trước sự sửng sốt của những người xung quanh, nữ ca sĩ vẫn tiếp tục cầm tông-đơ cắt đi từng lọn tóc trong khi đôi môi vẫn hé nụ cười đờ đẫn.

Những hình ảnh "công chúa nhạc pop" khóc lóc sướt mướt, ngồi vật vờ như một kẻ tâm thần trên vỉa hè xuất hiện trên tất cả phương tiện truyền thông lúc đó. Và hành động mang tính bất cần, bạo lực như tấn công phóng viên, liên tục lái xe ẩu trên đường của cô như một cách để giải tỏa bản thân khỏi nỗi đau quá lớn về tinh thần.

Bức ảnh chụp Britney Spears cạo đầu đáng giá hàng triệu USD.

Trong cơn hoảng loạn, Britney Spears khiến người hâm mộ lo cô sẽ quẫn trí rồi tự sát. Nhưng tất cả đã sai. Không biết bằng một nguồn động lực mạnh mẽ nào đó, khi ở ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu, Spears đã quyết định chấn chỉnh bản thân để cứu vớt sự nghiệp.

Và rồi, cô trở lại đường đua âm nhạc với Circus - album từng giữ vị trí số 1 ở BXH Billboard 200. Khán giả lại được dịp chiêm ngưỡng loạt vũ đạo bắt mắt cùng những giai điệu mang đậm dấu ấn cá nhân của Britney Spears trên sân khấu.

Tại MTV Video Music Awards 2008, khi nữ ca sĩ được xướng tên là chủ nhân của những tượng vàng moonman cũng chính là lúc loạt bài viết có tựa đề đại loại "Britney Spears - phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn" đồng loạt xuất hiện trên báo chí.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tram-cam-da-bao-mon-cuoc-doi-cac-ngoi-sao-hollywood-the-nao-post1002003.html