Trầm cảm khi mang thai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Tỉ lệ bà bầu mắc hội chứng trầm cảm khi mang thai ngày một gia tăng. Chị em cần biết những dấu hiệu trầm cảm ban đầu để có giải pháp điều trị thích hợp.

Nguyên nhân và dấu hiệu bà bầu bị trầm cảm khi mang thai

Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, có khoảng 14 – 23% bà bầu mắc chứng trầm cảm tại một thời điểm nhất định trong thời kỳ mang thai. Sự gia tăng các hormone nội tiết tố khiến bà bầu trở nên nhạy cảm. Bạn có thể dễ khóc, dễ cười và dễ căng thẳng thẳng hơn trong cả 3 tam cá nguyệt. Tuy nhiên, cảm giác phiền muộn thường xuyên có thể là nguy cơ cao của chứng trầm cảm ở bà bầu.

Tỉ lệ bà bầu bị trầm cảm khi mang thai ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa: Internet

Tỉ lệ bà bầu bị trầm cảm khi mang thai ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa: Internet

Theo trang MomJunction, trầm cảm trong thời kỳ mang thai hoặc trầm cảm sau sinh là hội chứng rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của phụ nữ. Chứng trầm cảm khiến bà bầu cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng, vô dụng. Các triệu chứng xuất hiện kéo dài có thể ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu. Những trạng thái cảm xúc này có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể được điều trị dứt điểm.

Khi mang thai, sức khỏe thể chất và tinh thần của bà bầu đều đóng vai trò quan trọng. Chị em có những biểu hiện dưới đây cần đến gặp bác sĩ để có giải pháp điều trị đúng đắn:

Có sự thay đổi về cảm xúc: Bà bầu có xu hướng cảm thấy buồn, trống rỗng, thấy bản thân vô dụng hoặc bất lực. Bên cạnh đó, bà bầu có dấu hiệu trầm cảm thường dễ bị kích thích, dễ lo lắng, tức giận, thất vọng và khóc thường xuyên.

Bà bầu bị trầm cảm sẽ có nhiều dấu hiệu thay đổi liên quan đến cảm xúc, cơ thể và lối sống - Ảnh minh họa: Internet

Thay đổi trong cơ thể: Bà bầu thường có cảm giác thiếu năng lượng, luôn mệt mỏi đi kèm các triệu chứng đau đầu, đau bụng và một số triệu chứng khác.

Thay đổi trong lối sống: Bà bầu có thể ăn, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, thường gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định, khó khăn khi tập trung. Trí nhớ của chị em khi mắc hội chứng trầm cảm có nguy cơ giảm sút, giảm hứng thú với các hoạt động yêu thích, không tương tác cùng gia đình, bạn bè.

Cách điều trị hội chứng trầm cảm khi mang thai

Bà bầu bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai nên tìm đến bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các bác sĩ sẽ giúp chị em lựa chọn phương pháp điều trị và các loại thuốc thích hợp. Có thể liệt kê những giải pháp tiêu biểu như:

Tâm lý trị liệu

Biện pháp tâm lý trị liệu cho bà bầu hay còn gọi là phương pháp trò chuyện, trao đổi thông thường liên quan đến quá trình chia sẻ cảm xúc và mối quan tâm của bà bầu với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

Bà bầu bị trầm cảm mức độ nhẹ có thể chữa trị bằng phương pháp tâm lý trị liệu - Ảnh minh họa: Internet

Hoạt động này giúp bà bầu bị trầm cảm làm chủ được cảm xúc, giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Theo nghiên cứu, liệu pháp cá nhân (IPT) và liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) là hai trong nhiều liệu pháp để điều trị trầm cảm. Đây là phương pháp phổ biến các bác sĩ khuyên nên áp dụng cho phụ nữ có thai.

Liên hệ nhóm hỗ trợ trực tuyến

Một số hội nhóm trực tuyến cùng gặp các vấn đề liên quan đến bệnh trầm cảm có thể tương tác và chia sẻ cùng nhau. Các thành viên của nhóm sẽ giúp mẹ bầu và những thành viên khác tìm ra giải pháp cho những tình huống đang gặp phải.

Sử dụng thuốc

Bà bầu uống thuốc trầm cảm khi mang thai cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

Dựa vào mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê những loại thuốc chống trầm cảm cho bà bầu. Chị em tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

Liệu pháp choáng điện (ECT)

ECT là liệu pháp cho dòng điện chạy qua não để điều trị hội chứng trầm cảm nặng ở bà bầu khi các liệu pháp trên không có tác dụng.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tram-cam-khi-mang-thai-nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-c20a299017.html