'Trảm' chủ tịch phường nếu để tái chiếm vỉa hè

Sau hơn chục ngày quay trở lại xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), cho biết sẽ đề xuất hạ chức vụ, thậm chí cách chức chủ tịch UBND phường nào buông lỏng quản lý, để tái chiếm vỉa hè, lòng đường.

Người bán hàng rong bày mũ bảo hiểm, mắt kính tràn lan ở đường Phó Đức Chính (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) chiều 3.9 - Ảnh: Đức Tiến

Theo ông Đoàn Ngọc Hải, từ đầu năm 2016, sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP.HCM thì UBND Q.1 và 10 phường trên địa bàn đã tích cực tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Hơn 6.900 trường hợp vi phạm bị lập biên bản, xử phạt số tiền hơn 3,2 tỉ đồng. Nhìn chung, trật tự đô thị trên địa bàn quận có chuyển biến, đa phần người dân có ý thức chấp hành. Nhưng thực tế vẫn còn một số địa bàn để xảy ra tái lấn chiếm, gây cản trở nghiêm trọng lối đi của người đi bộ. “Để đường thông, hè thoáng một cách bền vững, nếu chỉ có quận quyết tâm thôi thì không đủ mà đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu quản lý địa bàn cơ sở. Nếu như anh quản lý địa bàn mà không có trách nhiệm sâu sát thì dẫu đoàn liên ngành của quận có kiểm tra, xử phạt nghiêm đến mức nào cũng không tránh khỏi được nạn tái lấn chiếm”, ông Hải nói.

Ghi hình làm bằng chứng

Ông Đoàn Ngọc Hải cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của quận sẽ không ra quân rầm rộ như trước, thay vào đó cá nhân ông đi kiểm tra vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, khi phát hiện vi phạm sẽ ghi hình, yêu cầu lãnh đạo phường sở tại có mặt lập biên bản xử lý ngay. Đối với mái che, bậc tam cấp lấn chiếm không gian vỉa hè, phường thông báo lần 1 trong vòng 7 ngày để người dân khắc phục; nếu phường tiếp tục thông báo lần 2 cũng trong vòng 7 ngày mà người vi phạm không khắc phục sẽ tổ chức cưỡng chế. Riêng đối với quán nhậu vi phạm tái lấn chiếm lòng lề đường đến lần 3, ông sẽ đề xuất thường trực quận ủy, UBND quận xử lý trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa bàn cơ sở theo hướng hạ chức vụ, thậm chí cách chức chủ tịch UBND phường.

“Trong việc đề xuất này, tôi sẽ làm rất kỹ. Không phải vô cớ mà thích đề xuất gì thì đề xuất. Khi tôi đi kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ yêu cầu lập biên bản; đồng thời những trường hợp cố tình tái phạm, tôi ký văn bản chỉ đạo phường xử lý. Nếu phường cứ làm ngơ, không chịu xử lý thì mới tập hợp đầy đủ chứng cứ về việc buông lỏng quản lý để đưa ra đề xuất cụ thể”, ông Hải cho biết và nói thêm: “Cũng giống như một đội bóng, khi ra sân mà anh không chịu thi đấu hoặc thi đấu không được thì buộc phải thay thôi”.

Cũng theo ông Đoàn Ngọc Hải, sau 3 ngày công khai số điện thoại cá nhân (0902976979), ông đã nhận hơn 1.000 tin nhắn, cuộc gọi. Bên cạnh phản ánh lấn chiếm vỉa hè, động viên tinh thần thì ông còn nhận nhiều cuộc gọi đe dọa, đòi "xử" ông và gia đình. “Vừa qua, tôi đã kiên quyết xử lý vi phạm nhiều quán nhậu, dẹp nhiều bãi xe “khủng” trên địa bàn. Vì thế có thể đụng chạm đến quyền lợi của một số người nên cá nhân tôi bị đe dọa. Tôi cũng nói chuyện một cách đàng hoàng cho họ nghe, bất kỳ trường hợp nào vi phạm tôi cũng đều xử lý như nhau, không du di một ai cả”, ông Hải chia sẻ.

Không xử nghiêm sẽ còn nhiều người chết oan

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, việc “trảm” người đứng đầu địa bàn cơ sở buông lỏng vỉa hè, trật tự đô thị thực tế từng được nhiều quận, huyện thực hiện. Cuối năm 2016, tại H.Củ Chi, có 1 chủ tịch UBND xã bị cách chức, hạ bậc lương; 2 phó chủ tịch UBND xã phụ trách đô thị bị hạ bậc thi đua. Tại Q.Gò Vấp, Chủ tịch UBND quận Lê Hoàng Hà cho biết trong số 16 phường trên địa bàn quận, có 2 chủ tịch UBND phường bị cách chức vì không thực hiện tốt vai trò quản lý, điều hành, trong đó có việc buông lỏng vỉa hè, quản lý trật tự đô thị...

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, ủng hộ việc quyết liệt xử lý trách nhiệm khi để tái chiếm lòng lề đường. Theo ông Tường, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP.HCM có tới hơn 100 người chết vì tai nạn giao thông do đi bộ không đúng nơi quy định. Do vậy, nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nếu không được giải quyết triệt để thì nguy cơ số người chết sẽ còn tăng lên, bởi nhiều trường hợp người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường và bị tai nạn. Trong nhiều cuộc họp về lập lại trật tự đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu phụ trách địa bàn cơ sở buông lỏng quản lý, tránh tình trạng có nơi mạnh tay làm, nơi “thả nổi” vỉa hè.

Liên quan đến đề xuất của ông Đoàn Ngọc Hải về việc “trảm” chủ tịch UBND phường buông lỏng quản lý vỉa hè, ông Huỳnh Thanh Hải, Bí thư Quận ủy Q.1, nói: “Tôi mới nghe thông tin này qua báo chí. Quận ủy chưa nhận được đề xuất cụ thể nào. Nếu có đề xuất cụ thể, Quận ủy sẽ theo dõi, xem xét”. Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM nhận xét đề xuất của lãnh đạo UBND Q.1 phù hợp luật Cán bộ, công chức vì luật có quy định xử lý kỷ luật cán bộ lãnh đạo khi có vi phạm trong thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao. “Nếu như chủ tịch UBND cấp phường, xã 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc hoàn thành hạn chế, thì có thể bị xem xét xử lý kỷ luật hạ chức vụ, cách chức...”, vị này nói.

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tram-chu-tich-phuong-neu-de-tai-chiem-via-he-872094.html