Trạm ISS bị rò rỉ khí, bịt tạm thời bằng...ngón tay

Lỗ thủng nhỏ đường kính 2mm trên tàu vũ trụ Soyuz kết nối với ISS là hậu quả của một vụ va chạm với thiên thạch siêu nhỏ.

Tờ Express của Anh mới đây đã tường thuật lại diễn biến vá lỗ thủng làm rò rỉ khí trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Vị trí lỗ thủng trên tàu vũ trụ Nga nối với Trạm ISS.

Theo đó, một lỗ thủng có đường kính 2mm đã khiến rò rỉ khí oxy bên trong Trạm ISS.

Lỗ thủng đã kích hoạt hệ thống cảnh báo ở Trái Đất thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos bên ngoài Moscow và hệ thống cảnh báo thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA ở Houston vào khoảng 7h tối ngày 29/8.

Tuy nhiên, nó không làm kích hoạt báo động ở Trạm ISS, toàn bộ phi hành đoàn không hề hay biết có vấn đề gì xảy ra.

Do đó, NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã quyết định sẽ không đánh thức các phi hành gia và thông báo với họ về lỗ thủng trong buổi sáng ngày hôm sau. NASA cho biết, ISS vẫn có đủ oxy để kéo dài hoạt động của phi hành đoàn trong nhiều tuần nhưng nếu lỗ thủng không được bịt lại, chúng sẽ khiến ISS cạn sạch oxy trong 18 ngày.

Sáng ngày 30/8, Trung tâm điều khiển nhiệm vụ không gian ở Mỹ và Nga đã cố gắng xác định vị trí rò rỉ khí. 6 phi hành gia có mặt tại Trạm ISS đã bắt đầu tham gia vào cuộc tìm kiếm, đóng chặt các mô-đun riêng rẽ để xác định vị trí rò rỉ dễ hơn.

Vị trí rò rỉ đã được tìm thấy là phần trên của tàu vũ trụ Soyuz MS-09 gắn liền với mô-đun Rassvet của phân đoạn thuộc Nga.

Tờ Express dẫn lời một nhân viên thuộc cơ quan điều khiển tại mặt đất cho biết, trong buổi phát sóng trực tiếp từ ISS, Phi hành gia người Đức Alexander Gerst cho biết ông đang bịt lỗ thủng trên bằng ngón tay của mình.

Giọng nói trong buổi phát sóng trực tiếp này đã nói: "Bây giờ Alex đã đặt ngón tay của anh ấy lên lỗ thủng và tôi không nghĩ đó là biện pháp tốt nhất đâu".

Nhưng sau đó, phi hành gia của Roscosmos là Sergey Prokopyev đã bịt lỗ thủng này bằng keo epoxy và băng dính Kapton - một loại băng dính chịu nhiệt thường được dùng trên các tàu vũ trụ, vệ tinh hay các thiết bị ngoài không gian khác. Áp suất không khí dần trở về bình thường.

Các trung tâm điều khiển thông tin mặt đất sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ hệ thống trạm không gian để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo.

Cựu chỉ huy trạm ISS, phi hành gia Chris Hadfield đã đăng một bức ảnh chụp lỗ thủng trên Twitter.

NASA đánh giá đây là một sự cố rò rỉ áp suất không đáng kể và sức khỏe của các phi hành gia không bị ảnh hưởng.

NASA hôm 1/9 cho biết trong một tuyên bố: "Tất cả các hệ thống trạm đều ổn định và phi hành đoàn đang có kế hoạch quay trở lại lịch trình công việc thường xuyên vào thứ Sáu”.

Tháng 6 vừa qua, tàu Soyuz khởi hành từ trái đất đưa các nhà du hành lên ISS. Hiện Soyuz thực hiện các công đoạn kết nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế này. Lịch trình của Soyuz kéo dài 6 tháng.

Phi hành đoàn trên trạm hiện gồm 6 người với chỉ huy là Drew Feustel của NASA. Các phi hành gia còn lại là Ricky Arnold, Serena Aunon-Chancellor (NASA), Alexander Gerst (ESA), Oleg Artemyev và Sergey Prokopyev (Roscosmos).

Cuối năm nay, con tàu này sẽ trở về Trái Đất.

Trạm ISS là một tổ hợp công trình nhằm nghiên cứu không gian, đang ở giai đoạn lắp ráp trên quỹ đạo cận Trái Đất với sự hợp tác của năm cơ quan không gian: NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu).

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tram-iss-bi-ro-ri-khi-bit-tam-thoi-bangngon-tay-3364769/