Trầm mặc Văn Miếu Trấn Biên

Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Văn Miếu Trấn Biên (tỉnh Đồng Nai) được xem như Quốc Tử Giám ở đất phương Nam.

Đây là nơi lưu danh các bậc hiền tài của đất nước như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định… tiếp nối truyền thống văn hóa hiếu học ngàn năm của dân tộc Việt.

Toàn cảnh Khu di tích Văn Miếu Trấn Biên chụp từ trên cao.

Toàn cảnh Khu di tích Văn Miếu Trấn Biên chụp từ trên cao.

Văn Miếu Trấn Biên (tỉnh Đồng Nai) được xem như “Quốc Tử Giám” ở phương Nam. Đây là nơi lưu danh các bậc hiền tài của đất nước như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định… tiếp nối truyền thống văn hóa hiếu học ngàn năm của dân tộc Việt.

Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng năm 1715 tại thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Vào năm Giáp Dần (1794), Văn Miếu được trùng tu với kiến trúc quy mô có Đại Thành điện, Đại Thành môn, Thần miếu, Dục Thánh từ, Khuê Văn Các, Sùng Văn đường, Duy Lễ đường.

Hồ Tịnh Quang ngát hương sen trước cửa Văn Miếu.

Khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa vào năm 1861, đã phá hoàn toàn Văn Miếu Trấn Biên sau 146 năm tồn tại. Năm 1998, nhân sự kiện chào mừng Biên Hòa, Đồng Nai 300 năm, để khơi dậy tinh thần hiếu học truyền thống văn hóa hào hùng của cha ông, tỉnh Đồng Nai khởi công phục dựng lại Văn Miếu Trấn Biên trên nền Văn Miếu xưa và khánh thành vào đầu năm 2002.

Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly mầu xanh ngọc bằng gốm tráng men, những lầu bia uy nghi tráng lệ. Từ cổng vào lần lượt là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Bia Tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với dòng chữ lớn đầu tiên "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Cổng vào Văn Miếu Trấn Biên.

Khu thờ tự, sinh hoạt văn hóa của di tích rộng diện tích 2 hecta bao gồm: Văn Miếu môn, Nhà bia, Khuê Văn Các, Thiên Quang tỉnh, Đại Thành môn, Nhà bia Khổng Tử và Bái đường. Được xem là công trình chủ đạo trong khu vực Văn miếu, Khuê Văn Các là nơi các bậc hiền tài, những tao nhân mặc khách gảy đàn, ngâm thơ, đàm luận chuyện văn chương, thời cuộc. Ngoài ra, Khuê Văn Các còn được xem là biểu tượng của chiếc bút, lung linh soi bóng xuống Thiên Quang tỉnh.

Khuê Văn Các trong Văn Miếu Trấn Biên.

Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, nền lát gạch tàu, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương. Trong Văn Miếu Trấn Biên còn có các bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch đại đế vương.

Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật và ba vị được tôn xưng là "Gia Ðịnh tam kiệt": Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh. Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ tiền hiền - hậu hiền.

Từ trên gác Khuê Văn Các nhìn được một phần Văn miếu Trấn Biên.

Đến đầu năm 2005, tỉnh Đồng Nai đã trân trọng tổ chức lễ kỷ niệm 290 năm ngày thành lập Văn Miếu Trấn Biên, một số công trình mới như Nhà Thư Khố, Văn Vật khố cũng được đưa vào hoạt động trong quần thể kiến trúc của Văn miếu Trấn Biên, mỗi một công trình vừa là thành tố của cả quần thể, vừa có các chức năng riêng.

Hiện nay, du khách đến thăm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng đông do phong cảnh rộng thoáng, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã. Văn Miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa-giáo dục xưa và nay của dân tộc và của đất Ðồng Nai.

Tại Văn Miếu Trấn Biên thường tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian... Văn Miếu Trấn Biên là nơi đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Ðồng Nai.

Tuệ Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tram-mac-van-mieu-tran-bien-d134637.html