Trạm mặt đất vẫn chưa thu được tín hiệu từ vệ tinh Nano Dragon

Hiện nay, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của NanoDragon sau khi phóng vào quỹ đạo từ 9/11.

Phương tiện phóng Epsilon-5 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Phương tiện phóng Epsilon-5 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) chiều 1/12 cho biết sau 22 ngày các vệ tinh lên quỹ đạo, hiện còn 2 trên tổng số 9 vệ tinh là ARICA (của trường Đại học Aoyama Gakuin, Nhật Bản - ở vị trí thứ 8) và NanoDragon (của VNSC - ở vị trí thứ 9), khi tách khỏi tên lửa, vẫn chưa nhận được tín hiệu từ trạm mặt đất.

Trước đó, thuộc khuôn khổ "Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2 - Innovative Satellite Technology Demonstration-2" của Cơ quan Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), vào lúc 07 giờ 55 phút 16 giây (giờ Hà Nội) ngày 09/11/2021, tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản mang theo vệ tinh NanoDragon "Made in Vietnam" cùng 8 vệ tinh khác đã phóng thành công vào quỹ đạo.

Phía VNSC cho hay trong quá trình chuẩn bị phóng, vệ tinh NanoDragon đã vượt qua 4 vòng kiểm tra an toàn phóng của JAXA với nhiều tiêu chuẩn khắt khe và các thử nghiệm quan trọng về môi trường như: Các thử nghiệm môi trường nhiệt chân không trong 82 giờ, các thử nghiệm về rung động (thử nghiệm tìm tần số dao động riêng, rung động hình sin, rung động ngẫu nhiên, rung động sine burst), thử nghiệm về sốc và các thử nghiệm chức năng khác. Vệ tinh cũng đã vượt qua các vòng kiểm tra tại Việt Nam và được phép gửi sang Nhật Bản tham gia phóng theo kế hoạch của JAXA từ ngày 06/8/2021.

Toàn bộ quá trình thử nghiệm tại Nhật bản được thực hiện và giám sát chặt chẽ với các đại diện đến từ 5 đơn vị liên quan: VNSC – nơi chế tạo vệ tinh, Viện công nghệ Kyushu – nơi thử nghiệm, JAXA – Cơ quan phóng, HIREC – công ty đầu mối của JAXA thực hiện các hoạt động liên quan đến an toàn phóng và MEISEI – công ty đối tác của VNSC tại Nhật Bản, đơn vị cung cấp thiết bị thử nghiệm tiên tiến là máy tính trung tâm cho vệ tinh NanoDragon. Kết quả là tất cả các chỉ số của vệ tinh đều đạt tiêu chuẩn.

Vệ tinh NanoDragon có 3 đường truyền thông: Đường truyền dữ liệu đo xa (thông tin về trạng thái của vệ tinh) từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF; đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF; và đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S.

Hiện trạm mặt đất chưa thu được thông tin ở đường truyền dữ liệu đo xa ở dải UHF do đó các thông số trạng thái chi tiết của vệ tinh là chưa xác định được.

Các công việc liên quan đến theo dõi, vận hành vệ tinh NanoDragon mà VNSC đã thực hiện bao gồm:

- Bám sát thông tin về quỹ đạo của vệ tinh NanoDragon để theo dõi, vận hành điều khiển vệ tinh. Ở lần phóng này, có tất cả 9 vệ tinh cùng tham gia phóng và có 11 vật thể bay đã được xác định sau khi phóng (gồm 9 vệ tinh và 2 bộ phận của tên lửa). Do đó, việc xác định vật thể nào chính xác là vệ tinh NanoDragon cần khá nhiều thời gian.

- Theo dõi, vận hành trạm mặt đất 2 lần 1 ngày vào khoảng 9h30 sáng và 9h30 tối tại Trạm mặt đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

- Gửi các lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF để dò tìm tín hiệu ở băng S.

- Phối hợp với cộng đồng (Satnogs) để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó có 2 trạm có khả năng gửi lệnh lên vệ tinh NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S.

- Tìm kiếm, sàng lọc mọi dữ liệu liên quan đến tín hiệu vệ tinh NanoDragon trên cộng đồng Satnogs;

- Trao đổi, phân tích các khả năng tình huống có thể xảy ra trên vệ tinh và các tìm kiếm giải pháp với MEISEI và JAXA.

Lãnh đạo VNSC cho hay hiện nay các kỹ sư của đơn vị này vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm tín hiệu của NanoDragon./.

Minh Sơn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tram-mat-dat-van-chua-thu-duoc-tin-hieu-tu-ve-tinh-nano-dragon/757265.vnp