Trăm năm ngời sáng khí tiết người cộng sản - Kỳ 1: Từ trong bóng tối lầm than

LTS: Trong chốn lao tù giữa biển trời Côn Đảo, các cựu tù chính trị đã chiến thắng chính mình, vượt lên bao đau đớn về thể xác, tinh thần lẫn sự cám dỗ, man trá tinh vi của kẻ thù.

“Địa ngục trần gian”-nhà tù Côn Đảo trở thành trường học cách mạng, như lửa thử vàng trui rèn lớp lớp thế hệ tù chính trị, đảng viên giữ vững khí tiết, niềm tin son sắt, tận hiến đến cùng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những cựu tù chính trị Côn Đảo vẫn ngời sáng biểu tượng người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm gặp các cựu tù chính trị Côn Đảo, với mong muốn thấu tỏ những điều giúp họ luôn lấp lánh như “ngọn lửa thiêng” sáng mãi.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP Hồ Chí Minh) có một gian phòng ngập tràn bóng tối, tái hiện khung cảnh người tù bị đàn áp, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo khiến không ít du khách bị sốc. Nhưng hình ảnh ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chỉ tái hiện một phần của “ngọn lửa thiêng”, chính điều này càng thôi thúc chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm gặp những cựu tù chính trị Côn Đảo năm xưa.

Người tù ở lại

Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) những ngày cuối năm 2023, khi chiều tắt nắng cũng là lúc đại dương “cửa đóng then cài”. Những du khách cuối cùng hối hả rời khỏi các khu chuồng cọp, hầm đá để ra hàng quán ăn uống, giao lưu. Côn Đảo giờ đã là thiên đường du lịch nhưng nỗi đau, sự ám ảnh về chốn “địa ngục trần gian” vẫn còn đó trong tâm khảm các cựu tù chính trị. Thực dân Pháp, Mỹ-ngụy từng giam giữ hơn 200.000 tù binh, tù chính trị, trong đó có khoảng 20.000 người đã vĩnh viễn nằm lại hòn đảo tiền tiêu này.

Ngày cuối năm, miên man sóng biển vỗ bờ theo những cơn gió cuốn vào hàng dương xanh ngát. Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo có hàng nghìn hiện vật, với những chuồng cọp, hầm xay lúa, khu đập đá, xà lim, những bức tường trại giam lởm chởm dây thép gai, mảnh thủy tinh hằn sâu trong bộ nhớ của du khách.

Tử tù Lê Hồng Tư giới thiệu với đông đảo khách tham quan trước bức ảnh của mình trong Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: NGUYỄN Á

Nhờ các đồng chí ở Ban CHQS huyện Côn Đảo kết nối, chúng tôi đến nhà cựu tù Nguyễn Xuân Viên, sinh năm 1944, ở khu dân cư số 7, thị trấn Côn Đảo. Ông Viên là cựu tù hiếm hoi còn đang sinh sống ở Côn Đảo. Sau nhiều năm hoạt động du kích ở quê nhà (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), năm 1968, Nguyễn Xuân Viên bị địch bắt, tra tấn, giam giữ ở nhiều nơi, ban đầu là lao xá Hội An, rồi đến khám Chí Hòa (Sài Gòn), Tân Hiệp (Đồng Nai) và sau cùng là đày ra Côn Đảo. Đến khi Côn Đảo được giải phóng năm 1975, Nguyễn Xuân Viên mới được trở về quê nhà ở Quảng Nam.

Năm 1978, theo tiếng gọi của đồng đội-những cựu tù, Nguyễn Xuân Viên quyết định ra Côn Đảo sinh sống, làm công tác thông tin-văn hóa, rồi giữ chức Phó trưởng ban Quản lý di tích Quốc gia huyện Côn Đảo cho đến lúc nghỉ hưu. Vợ ông Viên, bà Nguyễn Thị Tư cũng theo chân chồng ra nơi đảo xa này. Hồi tưởng lại chuyện năm xưa với chúng tôi, ông Viên hạn chế tối đa cử động do sức yếu.

Bà Tư bảo: “Thời gian gần đây, chú bị nhiều bệnh, đều do năm xưa bị tra tấn ở Côn Đảo, từ suy thận, suy tim cho đến khối u...”. Người ông Viên gầy quắt. Ông bình thản đón chờ ngày mình nằm xuống như bao đồng đội ở ngoài kia: “Đời tôi vậy là mãn nguyện rồi. Ngày trước, lúc bị địch đàn áp, chúng tôi còn tranh nhau cái chết thì giờ về với cát bụi có sá chi. Trời cho tôi sống thêm ngày nào, tôi còn được chăm sóc mộ của đồng đội ngày đó”.

Hồi ức của ông Viên đầy rẫy những trận đòn tàn bạo của kẻ thù. Ông bảo, nếu không kịp nhắm mắt thì đã bị mù bởi những lần địch đổ vôi bột vào chuồng cọp. Nhưng dã man hơn là sau khi rắc vôi bột, bọn cai ngục xối nước xuống khiến da thịt người tù bị lở loét, bong tróc.

“Địch đánh tù nhân bất kể ngày đêm. Nó hỏi hôm nay ngày nào, tháng nào, mình nói ra nó cũng đánh. Nó bảo chúng mày nhớ ngày tháng để chuẩn bị trốn trại à? Không nhớ cũng bị đánh, kêu chúng mày vào đây không có việc gì, có mỗi ngày tháng cũng không nhớ thì sống làm gì. Địch tra tấn, đánh đập tù nhân đến thừa sống thiếu chết, đánh một người cho đám đông sợ, kiểu tra tấn tinh thần lẫn thể xác”, ông Viên hồi tưởng mà đầu ngón tay co giật liên hồi. Nếu năm 1968, chàng trai Nguyễn Xuân Viên chịu đi lính ngụy thì đã không phải ngồi tù. Ông Viên khảng khái: “Có chết tôi cũng không đi lính ngụy, đã theo cách mạng thì phải theo đến cùng”.

Trận tuyến ác liệt...

Đêm xuống, chúng tôi vào Nghĩa trang Hàng Dương thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ. Con đường từ trung tâm thị trấn ra nghĩa trang tầm 2-3km hiếm hoi ánh đèn đường. Tiếng chó sủa ran tai phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Trong nghĩa trang, nhiều ngôi mộ không tên. Chúng tôi cố gắng thắp hương cho nhiều ngôi mộ nhất có thể. Những bóng áo trắng, áo dài nghiêng mình bên những ngôi mộ phía xa. Trời mưa tầm tã nhưng dòng người vẫn hối hả vào nghĩa trang dâng nén hương thơm thành kính. Đây là mộ cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, kia là mộ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh...

Xa xa là mộ liệt nữ Võ Thị Sáu. Ông Viên bảo chúng tôi: “Sức khỏe tôi dạo này giảm sút hẳn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy việc ra Côn Đảo lập nghiệp là hoàn toàn chính xác. Mỗi lần nhớ đồng đội, tôi lại vào nghĩa trang. Còn các cậu hỏi tôi lấy đâu sức mạnh để trụ vững trong chốn lao tù ư, tôi cho rằng không có gì ngoài ý chí, niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng. Điều đó đã giúp chúng tôi chiến thắng chính mình, không khuất phục trước sự tàn độc của kẻ thù. Đó là cuộc chiến không tiếng súng, người tù phải chiến thắng bản thân để giữ vững khí tiết, đấu tranh quyết không khai, chống ly khai, bảo vệ đồng đội và bản thân”.

Cùng với câu hỏi trên, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, khẳng định: “Lịch sử đấu tranh chính trị ở nhà tù Côn Đảo của chúng tôi là đấu tranh bảo vệ khí tiết. Đau xót khi có bạn tù không giữ được sự trung kiên; cảm thông cho những đồng đội, đồng chí đã có những giây phút đấu tranh tư tưởng, không vững vàng tâm lý, ý chí. Chúng tôi ở trong nhà lao được học tập, trui rèn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, được sống trong tình thương yêu vô bờ của các má, của chị em, của đồng đội”.

Những tử tù, cựu tù Côn Đảo mà chúng tôi tìm gặp: Lê Hồng Tư, Nguyễn Xuân Viên, Hoàng Thị Khánh, Nguyễn Ngọc Ánh, Phùng Ngọc Anh... đều thống nhất một điểm: Sự tàn bạo của Mỹ-ngụy ở nhà tù Côn Đảo đạt đến đỉnh cao tinh vi, xảo quyệt. Địch không tra tấn, giết hại tù nhân ngay mà chúng tìm cách để các chiến sĩ cách mạng chết dần chết mòn, có người hóa điên, hóa dại. Địch đẩy tù nhân đến lằn ranh sống-chết, không ngừng tìm kiếm, dùng mọi thủ đoạn tâm lý chiến để chiêu hồi, khuất phục lý tưởng, khiến tù nhân phản bội đồng đội, trở thành công cụ tay sai cho địch.

Thế hệ trẻ Côn Đảo trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe ông Lê Hồng Tư. Ảnh: NGUYỄN Á

Chúng tôi liên tưởng những tử tù, cựu tù Côn Đảo như những hàng cây bị địch liên tiếp đâm chém nhiều nhát dao vào gốc, vào cành. Cây nào sắp héo khô, chúng lại tưới chút nước; cây hồi được một chút thì lại bị chặt chém từ ngọn xuống gốc. Cứ như vậy, trải qua nhiều năm tháng, có cây biến dạng, sần sùi, bong tróc vỏ, khô cành, có cây chết một phần thân, thối một phần rễ. Kẻ thù chỉ chực chờ những phút giây người tù dao động, yếu lòng để tiếp tục tiến hành các thủ đoạn thâm độc.

Nhớ lại chuyện xưa trong chốn lao tù Côn Đảo, bà Hoàng Thị Khánh trải lòng: “Đấu tranh chính trị bảo vệ khí tiết là đỉnh cao trong phong trào đấu tranh của tù nhân Côn Đảo; với cuộc đấu tranh này, hàng vạn tù chính trị đã biến nhà tù Côn Đảo thành trận tuyến ác liệt, đối mặt trực diện với kẻ thù.

Trò chuyện cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi lại càng suy ngẫm về đạo làm người đảng viên yêu nước, thương dân, về văn hóa con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng tôi khi ở chốn lao tù lúc nào cũng cận kề cái chết. Tôi đã từng chết lâm sàng trên tay đồng đội. Chúng tôi động viên nhau phải luôn giữ vững khí tiết, giữa cái vinh nào ai hay biết và cái nhục chính mình phải cảm nhận rõ nhất”.

“Dù Côn Đảo được coi là "địa ngục trần gian", khét tiếng nhất thế giới nhưng sau dãy dây thép gai, bức tường thành của nhà tù đã sáng rõ phẩm chất cách mạng kiên cường của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Những câu chuyện của các cô, các chú hôm nay mang lại cảm xúc rất đặc biệt, thể hiện tinh thần của tù chính trị. Đó là sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung.

Kính mong các cựu tù chính trị luôn mạnh khỏe, là tấm gương để thế hệ trẻ hiện nay học tập, noi theo, tiếp nối thực hiện lý tưởng mà các cô, các chú đã từng đeo đuổi, bỏ cả cuộc đời để phấn đấu, thực hiện”.

(Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi gặp mặt, thăm hỏi cựu tù chính trị Côn Đảo ngày 19-7-2023, tại Côn Đảo)

(còn nữa)

Ký sự của ĐÌNH HÙNG - TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/tram-nam-ngoi-sang-khi-tiet-nguoi-cong-san-ky-1-tu-trong-bong-toi-lam-than-763906