Trăm năm Nguyễn Bính một mùa xuân xưa

Cách đây tròn trăm năm, trong cái tiết xuân đang phủ xuống xóm Trạm, vào ngày mùng ba Tết Mậu Ngọ, tức 13.2.1918, thi sĩ Nguyễn Bính ra đời.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái thi sĩ Nguyễn Bính) tại nhà lưu niệm mang tên cha bà.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái thi sĩ Nguyễn Bính) tại nhà lưu niệm mang tên cha bà.

Mùa xuân đã sinh ra Nguyễn Bính và cũng từ lúc đó nó ban cho ông những nỗi buồn chỉ có mùa xuân mới có thể mang lại.
Lúc Nguyễn Bính mới ba tháng tuổi, mẹ ông qua đời, cũng vào độ hoa đào trước ngõ bắt đầu tàn rũ. Từ đó, mùa xuân trong đời Nguyễn Bính lúc nào cũng chỉ còn một vẻ ảm đạm, như một thứ định mệnh báo hiệu trước những oan khiên trong đời người nghệ sĩ.

Đời người nghệ sĩ đa tình gói trọn trong một chữ xuân. Xuân sinh ly. Và xuân tử biệt. Như thể vũ trụ quan của cả một cõi thơ ca bình dị mà xáo trộn. Xáo trộn bởi trong một mùa xuân, một mùa xuân mang màu Nguyễn Bính. Dường như cả vòng đời ông chỉ khép kín trong một mùa xuân duy nhất, bất tận.

Trong các sáng tác của Nguyễn Bính, mưa xuân rơi xuống trên bờ giậu nhà hàng xóm, thấm đẫm chút tình chớm nở của cô thôn nữ mơ giấc mơ gặp người nàng yêu trong hội hát thôn Đoài. Nhưng rồi tình ấy cũng thành tình trộm, chớm nở rồi vội tàn. Mối tình vẽ ra trong tâm tưởng nhà thơ hơn là cảnh thực.

Nguyễn Bính (bìa trái) cùng gia đình nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết tại Hà Tiên (1944)

Sinh vào mùa xuân, mất mẹ vào mùa xuân, mùa xuân trong đời Nguyễn Bính ít khi nào là mùa xuân sum hợp. Bởi bản tính buộc ông ra đi, đi như một thiên hướng, đi như một hấp lực của những con đường từ Bắc vào Nam để tìm, tìm gì không rõ. Hay để chạy trốn? Mà chạy trốn điều gì? Một thực tại. Những món nợ với đời sống?

Chỉ biết mùa xuân trở thành nỗi ám ảnh trong thơ Nguyễn Bính:

Từng gã thư sinh biếng chải đầu
Một mình mơ ước chuyện mai sau,
Lên kinh thi đỗ làm quan trạng,
Công chúa cài trâm thả tú cầu
(Thơ Xuân)

Viễn cảnh mùa xuân tươi đẹp thanh bình, một viễn cảnh cũ. Nguyễn Bính cũng lên kinh. Nhưng giấc mộng trạng nguyên, bắt được tú cầu định duyên của công chúa chẳng qua chỉ là giấc mộng hồ điệp. Thực tế lúc nào cũng hà khắc.

Xuân về những nhớ cùng thương
Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa xôi!
Chiều ba mươi hết năm rồi
Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà
Tôi còn lận đận phương xa
Để ăn cái tết thật là vô duyên.

Đời thi sĩ đã trải qua bao cái Tết vô duyên như vậy? Bao lần gửi thân nơi đất khách, là biết bao mùa xuân khơi dậy những nỗi niềm xót xa.

Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay
(Hành phương Nam)

Đi! Đi! Có lẽ ở Nguyễn Bính cuộc giang hồ không phải cho thỏa chí mà gần như một cuộc lưu đày, một phi lý khác của định mệnh xui khiến cho cuộc lữ hành của thi nhân trở thành đường đi biệt xứ.

Nợ thế chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
(Hành phương Nam)

Nợ gì? Nợ ai? Vả chăng chỉ là món nợ thi sĩ tự quàng vào mình. Nguyễn Bính đã dựng một mùa xuân trong thi ca Việt Nam bằng thứ thơ khắc khoải một niềm tiếc nuối, một nỗi quan hoài.

Đôi lúc Nguyễn Bính cố thoát khỏi niềm ly hương ấy, cố khắc lên nền thiên thanh một bức tranh yên bình của mùa xuân, tình xuân, một giọng tả chân thật thà của Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ.

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
(Xuân về)

Nguyễn Bính nhìn trời xuân qua đôi mắt người thiếu nữ, cái nhìn trong trẻo nhưng ngay từ lúc đã báo hiệu một niềm buồn. Cô gái chưa chồng của xuân năm nay rồi sẽ thành vợ người, sẽ sớm chịu cảnh

Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về
(Lỡ bước sang ngang)

“Thập niên sinh tử lưỡng mang mang” (Tô Đông Pha). Mười năm sinh tử ấy, mười năm lưu lạc giang hồ, một đêm mưa xuân giăng giăng kín lối, hay kẻ cố tri nhìn nhau, giật mình nhận ra, mừng mừng tủi tủi, mặt đầy bụi, tóc pha sương.

Có thể thấy Nguyễn Bính từ khởi thủy của thơ mình đã quyết đi mãi trên con đường của kẻ lỡ bước. Lỡ bước mà mang nặng tình, trong suốt quãng đời lưu lạc của mình, không biết Nguyễn Bính đã gửi lại mỗi phương trời mà ông từng ghé qua biết bao mối tình vui trọn đêm nay rồi tiễn biệt. Để rồi người trai vướng nợ phong trần sớm mai lại lên đường. Rồi một ngày bất chợt, trên đường thiên lý, khách ngoái đầu nhận được tin người cố tri.

Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ Sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
(Oan nghiệt)

Có lẽ đó là câu hỏi đau đớn nhất trong đời Nguyễn Bính. Định mệnh bạc phận cho nòi thi sĩ, và cũng bạc nốt đối với những đứa con trót sinh ra với một ông bố nhà thơ.

Một đêm say như bao đêm say khác trong đời thi sĩ, Nguyễn Bính trao đứa con trai yêu quý của mình cho một người lạ bên đường. Sáng ra, chợt tỉnh, thì con trai đã cùng người ấy đến nơi nào không rõ. Nguyễn Bính thảng thốt gọi tên con, nhưng người phố cứ đi qua, không ai trả lời cho thi sĩ biết con ông đang ở chốn nào.

Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm, con ơi! Bạc lắm con!
Ở đây, cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...
(Oan nghiệt)

Mấy mươi năm đã trôi qua, đứa con trai thất lạc của Nguyễn Bính chắc đã trở thành trung niên đầu bạc, con đàn cháu đống, không biết ông có biết được rằng cha mình là một thi sĩ tài ba, một con người lận đận, đau khổ đến cuối đời.

Bàn thờ nhà thơ Nguyễn Bính

Rồi mùa xuân định mệnh trong đời thi nhân cũng đến. Vào một ngày 30 tháng chạp, ở nơi chốn ngàn trùng xa lìa cố thổ, Nguyễn Bính gục chết trong vòng tay những người xa lạ. Sau này, Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái thi sĩ Nguyễn Bính tìm về nơi cha tạ thế “xung quanh gốc mít chỗ thắm máu cha tôi mọc đầy những cây gừng non đâm thẳng lên trời, xanh mượt, tôi thấy cay ở sống mũi, nước mắt cứ trào ra”.

Sinh ra vào mùa xuân. Chết đi cũng vào mùa xuân. Mùa xuân năm ấy. “Mùng hai Tết, bác cả tôi là nhà viết kịch Trúc Đường cùng với con gái đi về Nam Định để đưa tang cha tôi. Dọc đường thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa tang, đâu ngờ đó lại chính là đám tang đứa em trai ruột thịt của mình”. Khép lại một cuộc đời tài hoa mà bạc mệnh.

Từ mùa xuân Mậu Ngọ năm 1918, đến mùa xuân Mậu Tuất năm 2018, tròn trăm năm của đời người. Nhà thơ mãi nằm lại trong thơ mình nối dài đời sống hiện tại này, bằng đời sống của thơ ca, trên những trang sách, trong tâm tưởng độc giả ái mộ.

Trăm năm Nguyễn Bính. Thơ một người nói hộ nỗi lòng muôn người. Dưới hoàng tuyền kia, chắc thi sĩ cũng đã tìm được niềm an ủi, cảnh xuân ấy, chắc cũng đã tìm lại được sắc hồng.

Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, được đông đảo độc giả công nhận như một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại, là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Tác phẩm nổi bật: Chân quê, Lỡ bước sang ngang, Những bóng người trên sân ga, Tương tư, Viếng hồn trinh nữ, Cô hái mơ, Cô lái đò, Tiểu đoàn 307, Đêm sao sáng...

Bài: Huỳnh Trọng Khang - Ảnh: TL

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tram-nam-nguyen-binh-mot-mua-xuan-xua-12599.html