Trăm nỗi đắng cay ở 'xóm Thủ Thiêm' giữa Hà Nội

Chấp nhận sống xa quê, chấp nhận tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, chấp nhận những bữa cơm chỉ đủ ấm bụng, hơn 30 người dân Thủ Thiêm vẫn cùng nhau bám trụ lại Thủ đô Hà Nội, nơi mà họ gọi là 'Trung ương' để mong có cơ hội đòi lại đất, đòi lại những quyền lợi chính đáng mà bản thân và gia đình đã bị cướp đi một cách trắng trợn.

Hơn 4 năm nay, những người dân sống quanh khu vực phố Ngô Thị Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) không còn xa lạ gì với hình ảnh mỗi sáng, chiều tối có một đoàn người luôn mang theo băng rôn yêu cầu xử lý vụ khiếu kiện đất. Chính vì vậy chỉ cần hỏi dân “làng” Thủ Thiêm bất kỳ ai ở đây cũng sẽ có thể chỉ tới tận nơi.

Trong căn phòng trọ chật hẹp ở Hà Nội, họ thường trao đổi với nhau về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn nữa”

Đó là lời bộc bạch đầy nước mắt của anh Phan Anh Ngọc (phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) khi nói về cuộc sống hiện tại trong căn phòng chưa đầy 4m2 nhưng có đến 6 người ở.

Từ 30/4 đến nay, hơn 30 người dân Thủ Thiêm thuê bốn phòng trọ trên tầng thượng một nhà nghỉ 6 tầng nằm khuất sau chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm.

Mỗi phòng trọ rộng 25 m2, giá thuê 450.000 đồng một phòng một ngày nhưng có đến 8 người ở. Riêng 6 người nằm trong diện bị thu hồi để làm dự án công ty May thuê Trường Thịnh, thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm của anh Ngọc vì không có nhiều chi phí nên thuê riêng ở một phòng trọ nhỏ và tồi tàn hơn nhiều.

Khu trọ có đến 6 phòng chỉ được ngăn với nhau bằng những tấm gỗ mỏng. Chi phí mỗi ngày là 20.000 đồng/ người, tính ra mỗi ngày cũng mất 120.000 đồng tiền thuê trọ. Căn phòng của anh Ngọc cùng mọi người thuê chỉ có độc một cái quạt và đôi ba bộ chăn gối.

“Một năm phải đi hai đến 3 lần. Kinh phí cạn thì phải xin đi nhờ, làm thuê làm mướn để về. Bữa nay là cạn rồi. Bữa nào có nhiều ăn nhiều để giành tiền đi tới đi lui để thưa kiện vì đi tới đâu cũng phải có tiền mới đi được.

Dân ra đây khổ quá không biết làm sao cầu cứu để được giải quyết nhanh chóng. Mỗi lần đi ra là tốn tiền, mỗi lần về là còng lưng trả nợ. Quanh căn phòng chưa đầy 4m2 đó họ để tất cả đồ đạc từ quần áo cho tới đồ dùng để nấu cơm, muối, mắm, gạo.

Đang chuẩn bị cơm chiều chỉ có độc một bó rau muống luộc, bà Trương Thị Yến (65 tuổi, phường Phú Hữu, quân 9) mắt đỏ hoe khi nghĩ đến cảnh cơ cực phải trải qua suốt nhiều năm qua.

“Hôm ra chúng tôi góp nhau mua được một bịch gạo đến hôm nay chỉ còn đủ một bữa. Hàng ngày chỉ có mua rau về chấm với mắm, không dám ăn gì cả vì còn phải để dành tiền lâu dài nhưng đến hôm nay thì ai cũng cạn tiền rồi. Chúng tôi còn thiếu tiền phòng của chủ trọ đến 10 ngày rồi. Bữa hôm nay còn nồi cháo trắng nấu từ trưa nữa nên chắc mọi người cũng no được bụng”.

Theo bà Yến, gia đình bà cùng 21 hộ khác bị thu hồi để làm dự án công ty May thuê Trường Thịnh. Năm 2003, 22 hộ gia đình này là những người đầu tiên đồng ý giải tỏa để làm dự án nhưng mức bồi thường không thỏa đáng, UBND các cấp không thực hiện đúng phương án bồi thời khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

“Trước khi đi có phương án bồi thường được phê duyệt người ta tạm tính cho dân là 2.380.000 đồng/m2. Sau khi có quyết định phương án bồi thường số 2662/ QĐ – UB ngày 08/06/2004 của UBND TP HCM ban hành nhưng khi đó ở quận, phường cũng không gọi lên giải quyết.

Theo phương án đó chúng tôi được bồi thường giá đất mặt tiền là 3.400.000 đồng/m2 ngoài ra, còn có đất tái định cư. Nhưng tất cả đều không được công ty Trường Thịnh cùng các cấp ban ngành thực hiện.

Bất công hơn nữa 17 hộ cùng khu chuyển đi sau chúng tôi lại được bồi thường 14 triệu đồng/m2 cùng một mảnh đất tái định cư”, bà Yến bức xúc.

Nhiều ngày nay sức khỏe của mọi người cũng giảm sút đi nhiều bởi không quen với thời tiết của Hà Nội. Ai cũng mang theo thuốc bên mình, mấy hôm nay hết tiền, họ phải đi xin thuốc đông y từ thiện để chống chọi những cơn đau đầu, đau khớp qua ngày.

Những bữa cơm chỉ có rau muống luộc và cháo trắng.

Đánh đổi tất cả để đòi lại quyền lợi hợp pháp

Bản thân từng là một cán bộ trong quân đội, anh Hoàng Thăng Long (phường An Khánh, quận 2, TP. HCM) phải xin nghỉ hưu sớm bởi việc anh cùng bà con đi đòi quyền lợi ban đầu không được nhiều người thấu hiểu.

“Tôi từng là chỉ huy của một đơn vị nhưng phải xin nghỉ hưu sớm vì sợ ảnh hưởng tới cơ quan. Lúc đầu người ta cho rằng mình là người lôi kéo, kích động bà con nhưng nào có phải. Tất cả chỉ là mọi người cùng nhau đấu tranh giành lại quyền lợi chính đáng của mình mà thôi.

Chúng tôi ở đây chấp nhận từ bỏ chức vụ, sức khỏe, tiền bạc để giành lại quyền lợi chính đáng cho bản thân và cho tất cả người dân Thủ Thiêm đang phải khổ sở vì việc làm sai trái của nhiều quan tham”.

Ngồi trong căn phòng trọ chỉ có hai chiếc giường nhỏ, trong thời tiết nóng bức của miền Bắc những ngày chớm hè anh Long cho hay, từ khi bắt đầu ở TP HCM bà con đã lên kêu cứu ở Thành Ủy, lên UBND TP HCM, Văn phòng tiếp dân Trung Ương... bà con đi từ đó đến năm 2014, 2015 tổng cộng 168 lần. Mỗi tuần đi 2 ngày số lượng người đi từ 50 - 60 người.

Theo anh Long, hành trình của bà con Thủ Thiêm ngoài Hà Nội mỗi ngày sẽ được lên kế hoạch từ tối hôm trước. Theo đó, cư dân ở "làng Thủ Thiêm" phân công nhau đến nhà lãnh đạo cấp cao, cách nhà trọ chừng 11 km.

Họ tìm hiểu và đưa ra tuyến đường phải đi, tính toán giá vé xe buýt, quãng đường đi bộ sao cho tiết kiệm nhất. “Chúng tôi phải dậy từ 5h sáng chuẩn bị đến 6h xuất phát, mọi người phải bắt ít nhất hai chuyến xe buýt, đi bộ 3 km và phải đến cổng nhà trước lúc lãnh đạo đi làm để họ có thể thấy chúng tôi đang kêu cứu”.

Sau khi đến nhà lãnh đạo, người dân Thủ Thiêm lại tiếp tục đi xe buýt gần 3 km đến đường Hùng Vương (quận Ba Đình), nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan của Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Sau bữa cơm trưa, nhóm người Thủ Thiêm lại đến trụ sở Ban tiếp dân Trung ương ở cùng con phố căng băng rôn kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đơn thư.

Và khi họ kết thúc một ngày đi kêu cứu về tới xóm trọ và lúc 20h, tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục lại tiếp tục một hành trình dài.

"Chúng tôi nhiều lần chờ đợi ở nhà lãnh đạo đến tối khuya để bày tỏ mong mỏi được giải quyết. Chúng tôi vẫy tay chào họ mỗi sáng họ đi làm, mỗi tối họ đi làm về để họ biết mình còn ở đây mà quan tâm đến việc của mình. Có lần có người còn ngất vì nhịn đói và không quen với thời tiết ngoài này”, bà Trương Thị Yến ngậm ngùi.

Việc khiếu kiện của cư dân Thủ Thiêm diễn ra đều đặn mỗi ngày, bất kể mưa nắng. Hơn 30 người chia thành bốn nhóm thay phiên nhau đi để đảm bảo sức khỏe. Họ chỉ dừng lại khi lãnh đạo từ TP HCM ra tiếp xúc, hứa hẹn và đưa về.

“Còn ra đây là còn niềm tin vào Đảng”

Chị Tô Thị Phương Thi (phường An Khánh, quận 2, TP. HCM) mới về nhà một tuần để sắp xếp công việc gia đình, gửi con và để kiếm lộ phí vừa ra lại Hà Nội lúc sáng.

Còn chưa hết mệt mỏi sau chuyến đi dài chị Thi cho biết nhà của chị bị cưỡng chế, bị đẩy ra ngoài không có nhà ở trong khi hai đứa con chị đã sắp tới tuổi đi học.

“Không có nhà tôi làm đơn muốn mượn tạm cư nhưng người ta cũng không cho. Đất để trống dân không có nhà ở, đơn đi kêu cứu không ai giải cứu hết nên mình bất mãn lắm. Mình lên trên đấy đổ cái xe đất là quận người ta không cho mình động tới đất hết trơn.

“Đất mình nằm ngoài ranh quy hoạch thì phải thương lượng mua bán như giá thị trường nếu người dân đồng ý. Còn nói thu hồi như trước giờ đập phá vậy nhưng không có nghĩ đến đời sống của người dân như là tội ác vậy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói những kế hoạch di dân thì đến nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ, đảm bảo cho người ta có cuộc sống an sinh xã hội đàng hoàng. Đằng này như, tưởng tượng như một tổ kiến sống đàng hoàng bất ngờ có những trận mưa đổ xuống, xối xả, tan nát hết”.

Cũng theo chị Thi, đất nhà chị khi bị cưỡng chế chỉ được đền bù trên dưới 1 triệu và sau đó họ bán gấp 250 lần cho khác.

“Khi đó người ta đàn áp mình vì mình không biết gì, sau này người dân buộc phải đi tìm hiểu rồi mới biết. Bà con khăn gói ra đây đi chuyến này trả đất, trả nhà thì mới về chứ không không về. Không cam kết chặt chẽ là không về, còn những lần khác cứ dụ thế này thế kia rồi bà con về.

Thực sự bà con ra đây là còn niềm tin vào Đảng, tin vào Trung Ương sẽ còn công bằng. Mong các cấp chính quyền ở Trung Ương quan tâm đến đời sống của người dân của mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân. Lấy dân làm gốc, quan một đời, dân vạn kiếp, người dân đến đường cùng hết lương thiện là sẽ rối hết luôn”, chị Tô Thị Phương Thi cương quyết. ...

Hàng ngày trong những căn phòng nóng nực, chặt chội những người dân Thủ Thiêm vẫn động viên cùng nhau cố gắng. Họ theo dõi tất cả mọi tin tức liên quan tới mình, vui mừng khi giờ đây hành trình đòi công lý của hàng trăm hộ dân trong suốt hơn 10 năm qua đã bắt đầu có hi vọng.

Vũ Lành

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tram-noi-dang-cay-o-xom-thu-thiem-giua-ha-noi-d69417.html