Trạm Tấu quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về 'Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025' (viết tắt là NQ 21), Đảng bộ huyện Trạm Tấu cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết thực sự là 'cú huých' để huyện vùng cao này nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.

Các học viên lớp nghề chế biến chè trong giờ thực hành.

Làng Nhì là 1 trong 2 xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Trạm Tấu, giao thông cách trở, địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, Đảng bộ xã luôn xác định, để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, tạo đà cho kinh tế, xã hội phát triển, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước tiên là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ công chức xã là đặc biệt quan trọng. Theo đó, đến nay, 20 công chức của xã đều có trình độ chuyên môn đại học (19 người đã đảm bảo sắp xếp theo vị trí việc làm).

Đồng chí Hà Sông Thao - Bí thư Đảng ủy xã Làng Nhì cho biết: "Thời gian qua, xã quan tâm sắp xếp, bố trí vị trí hợp lý cho cán bộ, công chức và tạo điều kiện tham gia học tập các lớp đào tạo chuyên môn cũng như lý luận chính trị để đảm bảo đủ điều kiện trình độ theo vị trí việc làm”.

Với mục tiêu, mỗi năm giải quyết việc làm cho 650 lao động, từ năm 2021 đến nay, huyện Trạm Tấu đã đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương như: hướng dẫn viên du lịch, sản xuất chế biến chè, điện dân dụng...

Ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Hàng năm, huyện Trạm Tấu đều đạt và vượt chỉ tiêu về đào tạo nghề cũng như giải quyết việc làm. Sau đào tạo, người lao động được giải quyết việc làm và chuyển dịch lao động đối với nghề phi nông nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện, đơn vị đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các xã, thị trấn mở các lớp hướng dẫn viên du lịch, vận chuyển hàng, lưu trú nhà dân, homestay. Sau học nghề, cơ bản các học viên đều có việc làm, khai thác được tiềm năng, thế mạnh tại địa phương nơi mình sinh sống”.

Nhờ những giải pháp này, từ năm 2021 đến nay, huyện Trạm Tấu đều đạt và vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ tính trong 10 tháng năm 2023, huyện đã giải quyết việc làm cho 662/650 lao động, đạt 101,8% kế hoạch năm; đào tạo nghề 817/850 lao động, đạt 96,1%.

Ông Hà Cảnh Dũng - chủ Zoni Home huyện Trạm Tấu - người trực tiếp tham gia lớp nghề hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: "Rất cần những lớp nghề như thế này. Lớp học sẽ giúp người lao động và những ai đang muốn làm du lịch có kiến thức cơ bản để phát triển ngành nghề cũng như tạo việc làm cho bản thân. Tôi mong muốn, thời gian tới có thêm nhiều lớp đào tạo như này để người lao động có kiến thức làm du lịch, từ đó khai thác được tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của địa phương”.

Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi NQ 21, Huyện ủy Trạm Tấu đã xây dựng Kế hoạch số 33, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo đạt 64%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 32,8%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT đạt 60%; vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%; vào đại học đạt 27%...; 100% cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ đại học và trên đại học, duy trì những năm tiếp theo 100% cán bộ công chức cấp xã đạt chuẩn trở lên....

Tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án số 11 của Tỉnh ủy và sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, huyện đã cử đi đào tạo trên 2.400 lượt cán bộ, công chức, viên chức, có 10 cán bộ công chức, viên chức tham gia Đề án 11, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức từ huyện đến cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, huyện chỉ đạo tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong đó, tăng cường đưa cán bộ tham gia Đề án số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để đào tạo, rèn luyện và phát triển; phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cả 3 yếu tố cơ bản: sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và cơ cấu hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đào tạo lao động có tay nghề gắn với xuất khẩu lao động, đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị...

Ngọc Sơn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/304228/tram-tau-quan-tam-dao-tao-phat-trien-nguon-nhan-luc.aspx