'Trạm thu phí' hay 'Trạm thu giá' đều không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp

Theo ông Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc đổi tên 'Trạm thu phí' BOT thành 'Trạm thu giá' không làm tăng chi phí của doanh nghiệp vì khoản phí này đã được quy định cụ thể trong thông tư của Bộ Giao thông vận tải.

Bên lề Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 24/5, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhỏ với ông Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến chính sách giảm thiểu chi phí do doanh nghiệp.

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: DNVN/ My Anh)

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phải chăng là chi phí cho các doanh nghiệp càng ngày càng cao và chưa có dấu hiệu giảm?

Năm 2017, Chính phủ có giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị quyết về giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đã soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành và đã trình Chính phủ.

Theo đánh giá của chúng tôi thì chi phí cho doanh nghiệp thời gian qua không có xu hướng giảm mặc dù đã có rất nhiều giải pháp, chính sách của Chính phủ được đưa ra. Theo tôi, nguyên nhân là vì hiện tại có những mảng chi phí doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đang có xu hướng giảm nhưng tổng thể thì điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm toàn diện. Phí cũng như các loại chi phí đầu vào của doanh nghiệp chưa được cải thiện rõ nét nên nhìn chung là chi phí cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa được cắt giảm một cách đáng kể cả về chi phí chính thức và không chính thức.

Hiện nay, phần chi phí chính thức của doanh nghiệp cũng đã được cắt giảm trong khuôn khổ của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế thông qua trao đổi với phía doanh nghiệp thì chúng tôi cho rằng trong quá trình thực hiện cắt giảm chưa đầy đủ cho nên chi phí chính thức chưa được cắt giảm một cách toàn diện.

Về chi phí không chính thức theo tôi đánh giá về mặt chính sách hiện nay thì chưa đủ mạnh, về thực tế thì chưa có thay đổi cơ bản nên chi phí không chính thức của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm.

Như vậy, Nghị quyết này sẽ tập trung cắt giảm chi phí nào và thông qua hình thức nào?

Nghị quyếtđề cập đến cả ba mảng chi phí: Chính thức, không chính thức và các loại phí.

Về chi phí chính thức thì chúng tôi có các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa, hợp lý hóa các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Vềchi phí không chính thức thì chúng tôi cũng mong muốn đề xuất các giải pháp tăng cường minh bạch khi thực hiện các thủ tục hành chính, các quy định về kinh doanh, thanh tra, kiểm tra, để doanh nghiệp có thể có được một cách ứng xử hợp lý theo đúng pháp luật chứ không bị cán bộ có thẩm quyền “nhũng nhiễu” gây ra những khó khăn không cần thiết dẫn đến việc phải chi trả những khoản không chính thức.

Về mảng thứ ba là các loại phí, chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại các mức phí để đảm bảo tuân thủ đúng Luật Phí và lệ phí. Tức là phải đảm bảo những nguyên tắc về mức phí ấn định phù hợp với chi phí mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bỏ ra để giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp chứ không có những mức phí quá cao so với quy định.

Cái mới cuar Nghị quyết này so với các chính sách đã ban hành là về mảng chi phí không chính thức và chúng tôi chủ yếu nhấn mạnh đến vấn đề xảy ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình này cần cần có sự giám sát của bên thứ ba và các quyết định thanh tra, kiểm tra cần phải được công khai. Điều này giúp cho doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật đồng thời không phải chi trả những chi phí không đúng quy định.

Ông nói đến những chi phí không đúng quy định thì đã động đến chủ đề đang rất nóng hiện này là câu chuyện thay đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu giá”. Liệu cách đổi tên này có phải là cách mà Bộ Giao thông vận tải cố tình lách các loại phí khác nhau để có thể tăng chi phí của doanh nghiệp?

Trạm thu giá Bến Lức. (Ảnh: Thanh niên)

Theo như tôi hiểu thì việc đổi tên này không làm tăng chi phí của doanh nghiệp mà chỉ thể hiện là theo Luật phí và lệ phí thì tiền doanh nghiệp phải trả cho đường bộ mà có đầu tư của doanh nghiệp thì nó không được liệt kê vào các loại phí nên cần phải chuyển thành một thuật ngữ khác. Ở đây Bộ Giao thông vận tải chuyển thành “thu giá”, về mặt ngôn ngữ thì thuật ngữ này nghe không thuận tai và không thể hiện đúng bản chất của vấn đề.

Tác động về mặt chi phí tới doanh nghiệp khi chuyển thành “thu giá” là không thay đổi vì đã có khung phí được quy định trong thông tư của Bộ giao thông. Chỉ khi nào khung phí đó hoặc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và nNhà nước thay đổi thì chi phí của doanh nghiệp mới thay đổi. Tuy nhiên thì cái thuật ngữ đó tôi cũng không đồng tình. Tôi nghĩ là nên dùng thuật ngữ “thu tiền sử dụng đường BOT” thì sẽ đúng bản chất vấn đề hơn.

Theo ông đây là một loại phí hay thế nào?

Theo tôi nó là một loại phí mà doanh nghiệp phải trả cho một dịch vụ mang tính chất công cộng mà ở đây là đường giao thông. Theo truyền thống thì đường bộ, hạ tầng giao thông là do nhà nước cung cấp mà hiện nay Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác với nhau theo mô hình BOT thì nó vẫn là một hàng hóa công cộng nên về bản chất chúng ta nên dùng thuật ngữ “phí” thì đúng hơn. Vì từ phí thường gắn với những dịch vụ công cộng do nhà nước cung cấp.

Tôi cũng không hiểu sao lại phải thay đổi tên gọi của nó trong khi bản chất nó vẫn tuân theo mức thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trước đây thì do bộ tài chính giờ do bộ Giao thông vận tải. Đó vẫn là khung do nhà nước áp đặt chứ doanh nghiệp đầu tư dự án đã thỏa thuận với nhà nước trong khuôn khổ khung đó rồi nên là mọi việc cho dù tên họ là gì cũng đều không thay đổi về mặt bản chất.

Liên quan đến thuế và phí thì câu chuyện liên quan đến tăng thuế môi trường với xăng dầu cũng đang được dư luận quan tâm gần đây, theo ông, nó sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp trong bối cảnh chúng ta đang cố gắng cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng những đề xuất gần đây thì lại làm tăng lên chi phí mà người dân và doanh nghiệp phải trả? Liệu đây có phải là tận thu?

Một doanh nghiệp khi đi vào hoạt động thì phải chi trả rất nhiều loại phí và có những phí rất hợp lý cũng có những phí không hợp lý thì việc của chúng tôi là chỉ ra những loại phí không hợp lý để đề xuất cắt giảm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với phí bảo vệ môi trường thu trên xăng dầu thì hiện nay Bộ Tài chính đề xuất là thu kịch khung tức là 4.000 đồng/lít. Việc này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và cuối cùng người dân sẽ phải gánh chịu những chi phí đó. Việc mức phí này có hợp lý hay không thì cũng có rất nhiều yếu tối để nghiên cứu, đánh giá trong thời gian tới.

Với tình hình kinh tế hiện nay khi chúng ta đang muốn hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp thì theo tôi việc tăng phí này sẽ là đi ngược lại với chủ trương đó. Việc tăng phí đó như thế nào cũng là một việc đáng bàn.

Trong tình hình ngân sách hiện nay thì chúng ta có nhiều cách để đảm bảo cân đối ngân sách hơn là tăng thu. Còn có tận thu hay không thì theo đánh giá của cá nhân tôi cho rằng ở góc độ nào đó có thể cho là tận thu. Nhưng việc thu bản chất không phải xấu mà nó phải được đặt trong bối cảnh cân đối giữa thu và chi. Nếu chi hiệu quả, chi đúng để hỗ trợ cho nền kinh tế thì cũng có thể thu. Nhưng mà hiện nay mức thu ngân sách của Việt Nam trên GDP đang ở tỉ lệ rất lớn so với các nước trong khu vực nên tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ và nên cải cách về chi để đảm bảo ngân sách hơn là tăng thu.

Xin cảm ơn ông!

My Anh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/tram-thu-phi-hay-tram-thu-gia-deu-khong-lam-tang-chi-phi-cho-doanh-nghiep-1929.html