Trạm vũ trụ ISS bị thủng

Lỗ thủng có kích thước khoảng 2 mm đã được phát hiện trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) nhưng nó không gây nguy hiểm cho phi hành đoàn.

Bạn đã bao giờ thức dậy và thấy mình đang nằm dưới đất thay vì trên giường như thường lệ? Các thành viên phi hành đoàn của trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vừa trải qua điều này.

Vào sáng thứ 5 (30/8), họ thức dậy và nhận được tin trạm vũ trụ đang bị rò rỉ không khí ra bên ngoài một cách từ từ. Thực tế, bộ phận điều khiển bay đã phát hiện việc lượng không khí giảm nhẹ từ đêm nhưng quyết định để cho phi hành đoàn tiếp tục ngủ vì nó không quá nguy hiểm.

Ảnh chụp phóng đại lỗ thủng kích thước 2 mm trên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Ảnh: Chris Hadfield.

Phi hành gia, tư lệnh Drew Feustel, các kỹ sư gồm Ricky Arnold, Serena Aunon-Chancellor, Alexander Gerst, Oled Artemyev và Sergey Prokopyev cuối cùng đã tìm ra nguồn rò rỉ. Nó nằm ở tàu vụ trụ Soyuz MS-09, con tàu được gắn vào trạm vũ trụ ở phía gần nước Nga, đưa phi hành đoàn Expedition 56 lên trạm vũ trụ hồi tháng 6.

Mặc dù lỗ thủng không đe dọa đến sự an toàn của phi hành đoàn, nó vẫn phải được tìm ra và sửa chữa.

Khi tìm ra chỗ rò rỉ, một lỗ hổng kích thước 2 mm trong khoang quỹ đạo của chiếc Soyuz MS-09, phi hành gia Alexander Gerst từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã bịt nó bằng ngón tay cái của mình.

Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát mặt đất của NASA nhận định đó không phải là “biện pháp khắc phục tốt nhất” cho một lỗ thủng tại một trong những cơ sở hạ tầng không gian đắt tiền nhất thế giới, theo Telegraph.

Các phi hành gia đã dùng ngón tay để bịt lỗ thủng này lại. Ảnh: European Space Agency.

Cựu tư lệnh của ISS, Chris Hadfield đã đăng tải hình ảnh của lỗ thủng 2 mm này lên Twitter vào ngày 30/8.

Giải pháp ngắn hạn được đưa ra là dùng băng keo Kapton (loại băng có độ bền cao, thường được sử dụng trong lĩnh vực hàng không) để bịt lỗ hổng trong khi các giải pháp sửa chữa lỗ hổng đang được tính đến.

Toàn bộ hệ thống của trạm vũ trụ quốc tế hiện hoạt động ổn định và cơ quan không gian của Nga (Roscocosmos) sẽ phân tích để xác định nguyên nhân gây ra lỗ thủng nói trên.

Những sự thật thú vị về trạm vũ trụ quốc tế

Trạm ISS có kích thước bằng một sân bóng đá, được xem là công trình khoa học phức tạp nhất từ trước đến nay của loài người.

Minh Đăng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tram-vu-tru-iss-bi-thung-post873529.html