Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình: Giảm gánh nặng bệnh tật từ cơ sở

Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp tạo cơ chế thông thoáng nhằm xây dựng mô hình điểm 26 trạm y tế (TYT) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 8 tỉnh, thành phố, từ đó nhân rộng trên cả nước.

Mô hình điểm

Trong những năm qua, cả nước đã có 395 TYT tế xã được đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp TYT tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, với trên 1,4 nghìn tỷ đồng.

Ngành Y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Các TYT này đã nâng cấp để đủ tiêu chuẩn, trang thiết bị, đào tạo năng lực cán bộ y tế xã để đáp ứng việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Hiện, Bộ Y tế đang chỉ đạo các tỉnh tập trung chỉ đạo để tất cả các TYT xã này đều phải thực hiện đầy đủ các hoạt động của TYT tế theo nguyên lý y học gia đình theo mô hình điểm, đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở, thực hiện chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn từ các cơ sở y tế tuyến trên để nâng cao năng lực.

Nhiều TYT đã thu hút được số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng, không chỉ ở trong xã mà cả ở khu vực xung quanh, bệnh nhân tin tưởng hợp về chuyên môn của TYT. Một số Trạm đã lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

Theo chia sẻ của bác sỹ Vương Văn Quang, công tác tại TYT xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, năm 2019 Trạm Y tế xã Tân Tiến được lựa chọn là trạm áp dụng mô hình bác sỹ gia đình. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trước đó Trạm đã có sự chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, nên khi triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các dân tộc trong xã đã không gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Vương Văn Quang, TYT luôn xác định làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở là quan trọng, góp phần giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên. Vì thế, hàng năm, Trạm đều làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe.

Giảm gánh nặng bệnh tật

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ tập trung triển khai và làm tốt 6 nhiệm vụ chuyên môn chính.

Cụ thể là các TYT sẽ tiến hành truyền thông giáo dục, nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân để từng bước phấn đấu thực hiện mục tiêu mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, mục tiêu 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe.

Các TYT cũng thực hiện quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, trước mắt là các bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch tại trung tâm y tế xã, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi; công tác dân số; phòng bệnh, tập trung vào triển khai tốt công tác tiêm chủng, thực hiện các dự án, hoạt động của chương trình mục tiêu y tế dân số, khám, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật…

Theo ông Khuê, việc ứng dụng nguyên lý y học gia đình đang được kỳ vọng sẽ giúp các trạm y tế xã phát huy được vai trò trong quản lý bệnh không lây nhiễm bởi gánh nặng bệnh tật mà Việt Nam đang phải chịu với bệnh không lây nhiễm là rất lớn.

Cụ thể, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết lại có 7 ca là do các bệnh không lây nhiễm. Hiện nay mới có trên 30% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán. Bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán mới chiếm 43,1%...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, các bệnh không lây nhiễm có chi phí phòng bệnh rất thấp nhưng mang lại hiệu quả lớn. Nếu công tác này được triển khai hiệu quả ngay từ tuyến y tế cơ sở sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời góp phần giúp ngành y tế Việt Nam sớm đạt được mục tiêu về quản lý bệnh không lây nhiễm.

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động của các TYT, hiện Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi y tế cơ sở không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện…

Ngoài ra, theo lãnh đạo ngành Y tế, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau. Phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị và phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe từ cơ sở.

Do vậy, ngành Y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh BHYT cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tram-y-te-xa-hoat-dong-theo-nguyen-ly-y-hoc-gia-dinh-giam-ganh-nang-benh-tat-tu-co-so-114741.html