Trạm y tế xã xuống cấp, bệnh nhân 'quay lưng'

Nhiều người dân, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều xã ở huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) đang gặp khó khăn trong việc khám chữa bệnh, bởi hàng loạt trạm y tế (TYT) xã đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng...

Nhiều người dân, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều xã ở huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) đang gặp khó khăn trong việc khám chữa bệnh, bởi hàng loạt trạm y tế (TYT) xã đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng...

Nhiều phòng ốc của TYT Thượng Lộ xuống cấp, hư hỏng nặng.

Nhiều phòng ốc của TYT Thượng Lộ xuống cấp, hư hỏng nặng.

Qua tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông có 11 TYT được xây dựng cách đây gần 10 năm. Hầu hết các trạm này được các chương trình, dự án của ngành y tế hỗ trợ xây dựng khang trang, mua sắm nhiều thiết bị y tế phục vụ chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu cho dân địa phương. Nhưng thực tế cho thấy, hiện hầu hết cơ sở hạ tầng, phòng ốc các trạm đều đang trong tình trạng xuống cấp, trong khi đó các thiết bị y tế cũng hư hỏng...

Đến TYT xã Thượng Lộ vào một ngày đầu tuần, chúng tôi thấy lượng người đến khám chữa bệnh rất thưa thớt. Một cán bộ y tế tại TYT này cho biết, hầu hết, người dân miền núi đều có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng hơn 1 năm nay họ đều "quay lưng" với cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu này. Nguyên nhân là do TYT xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trang thiết bị cũng hư hỏng nên người dân không tin tưởng vào việc chẩn đoán bệnh.

Mục sở thị tại đây, chúng tôi nhận thấy, các phòng khám như: phòng hậu sản, phòng cấp phát thuốc... xuống cấp, mối mọt ăn sâu vào các cánh cửa nên được tháo rời ra, không thể đóng. Nhiều mảng tường bong tróc, thấm dột. Không ít máy móc thiết bị cũng hết hoạt động, bỏ một góc. Ông Hồ Văn Hảo (43 tuổi, trú xã Thượng Lộ) cho biết: "Nhiều bệnh nhân ở xã khi đau ốm đến TYT này để khám hoặc xin giấy giới thiệu lên tuyến trên, trong lòng rất lo sợ vì phòng ốc hư hỏng, nguy cơ bị sập đổ bất ngờ. Nhưng nếu không đến khám, xin cấp thuốc tại TYT, người dân phải đi hàng chục cây số..."- ông Hảo chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng Thị Di- Trưởng TYT xã Thượng Lộ thông tin, trạm được xây dựng từ năm 2011 và đã đạt chuẩn, hiện có 6 cán bộ. Những năm gần đây, trạm đang xuống cấp cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình khám chữa bệnh của người dân... "Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần với cấp trên với mong muốn có những dự án đầu tư vào sửa chữa, nâng cấp trạm, thế nhưng chưa biết khi nào mới thành hiện thực. Nếu không khắc phục sớm cơ sở xuống cấp, sửa chữa máy móc thiết bị y tế thì trạm có nguy cơ rớt chuẩn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh..."- bà Di nói.

Cách TYT Thượng Lộ không xa, TYT xã Thượng Quảng cùng chung số phận. Nhiều phòng tại đây nứt nẻ, thấm dột, hệ thống các cửa mục nát. Các thiết bị phục vụ việc khám chữa bệnh như máy điện tim, máy siêu âm... đã hư hỏng từ nhiều năm nay nên đành "đắp chiếu". "Máy móc có đó nhưng lâu ngày không sử dụng, không có nơi bảo quản nên hư hỏng. Mỗi lần, trong xã có ai đau ốm, muốn siêu âm để biết kết quả chính xác thì phải chạy xe mất gần 20 km về Trung tâm Y tế huyện. Còn không thì phải mất cả 60-70 km về Huế để khám"- bệnh nhân Hồ Văn Thanh cho biết.

Bác sĩ Hồ Văn Nghênh- Trưởng TYT xã Thượng Quảng cho biết, TYT này được xây gần 10 năm và thuận lợi cho người dân trên địa bàn xã vì gần nhà. Kinh phí được cấp cho trạm 1 năm chỉ 15 triệu đồng nên không đủ để tu sửa. Ông Hồ Thư - Giám đốc Trung tâm y tế H. Nam Đông thừa nhận, đa số các TYT xã tại địa bàn huyện đã xuống cấp, trong khi kinh phí của các trạm cũng nhỏ nên không thể tu bổ lớn được. "Chúng tôi đã đề xuất với Sở Y tế xin kinh phí của tỉnh để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa trong thời gian đến. Vừa rồi thì Sở cũng đã khảo sát 11 trạm để có hướng xử lý..."-ông Thư thông tin.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_216272_tram-y-te-xa-xuong-cap-benh-nhan-quay-lung-.aspx