Trận chiến 'cối xay thịt' trong Thế chiến thứ nhất

Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã gây ra bao tàn phá và đau thương, đồng thời để lại những trận đánh lớn về quy mô và nghệ thuật quân sự, đáng kể nhất là trận Verdun.

Sau khi nước Đức không thể giành được chiến thắng trong năm 1914, Chiến tranh Thế giới thứ nhất nhanh chóng sa vào thế giằng co. Trong năm 1915, mọi nỗ lực nhằm phá vỡ bế tắc của quân đội Đức tại Ypres, của quân Anh tại Neuve Chapelle và của quân Pháp tại Champagne đều thất bại với con số thương vong khủng khiếp.

Trong tình hình đó, Đức quyết định nhằm mũi tiến công chính vào quân Pháp thay vì quân Nga, cho rằng một khi quân Pháp đại bại thì quân Anh cũng sẽ nản chí. Bộ Tham mưu Đức chủ trương tiến công vào thành phố - pháo đài Verdun nằm ở Đông Bắc nước Pháp trên bờ sông Meuse. Mục đích là thu hút phần lớn quân đội Pháp về đây để tiêu diệt, buộc Pháp cầu hòa.

Verdun là một biểu tượng quốc gia của Pháp, do nó bảo vệ con đường trực tiếp dẫn đến Paris và các nhà máy quốc phòng nằm ở xung quanh. Thành phố được bao bởi các pháo đài với những công sự đã chuẩn bị từ trước, nhưng bị cô lập ba phía, chỉ có con lộ từ miền Nam lên là tuyến tiếp tế duy nhất.

Tại Verdun, quân Pháp có 11 sư đoàn với 600 khẩu pháo được bố trí thành ba tuyến trận địa. Phía quân Đức, tham gia tấn công Verdun có 18 sư đoàn với hơn 1.200 cỗ pháo, 170 máy bay; sau đó tăng lên 50 sư đoàn, chiếm một nửa tổng số binh lực Đức ở mặt trận phía Tây.

Mở đầu trận đánh, ngày 21/2/1916, quân Đức nã pháo vào trận địa Pháp trên phạm vi 40km. 16 giờ 45 phút, bộ binh Đức bắt đầu tấn công. Ngay trong ngày đầu tiên, chiến tuyến thứ nhất đã bị thất thủ. Sang ngày thứ 5, pháo đài Douaumont, một cứ điểm phòng thủ quan trọng trên chiến tuyến thứ ba của Pháp bị đánh chiếm.

Tranh miêu tả quân Pháp đánh nhau với Đức tại pháo đài Douaumont. Ảnh: Wikipedia

Tranh miêu tả quân Pháp đánh nhau với Đức tại pháo đài Douaumont. Ảnh: Wikipedia

Pháo đài Douaumont thất thủ. Tướng Pétain, chỉ huy mới của mặt trận Verdun đã sử dụng “con đường thiêng liêng” - đường quốc lộ thông từ miền Nam lên để vận chuyển binh lính và thuốc men, đạn dược. Mỗi tuần, đoàn xe tải gồm 3.900 chiếc vận chuyển được 190.000 lính, 25.000 tấn đạn dược và các quân trang quân dụng khác.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, các phương tiện ô tô được sử dụng rộng rãi để vận chuyển binh lực. Với viện binh được tăng cường, trận tuyến của quân Pháp dần ổn định.

Từ ngày 6/3, phạm vi tấn công của quân Đức mở rộng sang phía Tây sông Meuse, chiếm cao điểm 304 và 295. Quân Pháp cũng không ngừng phản kích, mỗi trận địa đều giành giật nhau nhiều lần, hai bên đều bị thương vong rất lớn. Cuối tháng 6, đầu tháng 7, quân Đức sử dụng cả hơi độc tấn công pháo đài Vaux và chiếm cứ điểm này.

Để hỗ trợ cho mặt trận Verdun, liên quân Anh – Pháp mở cuộc tấn công lớn (từ 1/7 đến 18/11/1916) vào quân Đức đang phòng ngự tại khu vực sông Somme. Tuy có ưu thế lực lượng, nhưng quân Anh – Pháp không phá được tuyến phòng ngự trận địa của quân Đức, chỉ tiến được khoảng 14km.

Thất bại của quân Anh – Pháp chứng tỏ không thể chọc thủng phòng ngự trận địa bằng cách đột phá trên một đoạn chính diện hẹp. Trong trận Somme, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh xe tăng đã được sử dụng. Tuy không giành thắng lợi, trận chiến này đã góp phần giảm bớt sức ép của quân Đức ở Verdun.

Từ trung tuần tháng 8/1916, quân Pháp phản kích hai lần, giành lại được một số vị trí đã mất. Từ ngày 2/9, quân Đức ngừng tấn công Verdun và lui về phòng ngự. Quân Pháp chuyển sang phản công, đến ngày 24/10 lấy lại Douaumont, đầu tháng 11 lấy lại Vaux, đến ngày 18/12/1916 về cơ bản khôi phục được hình thái cũ. Trận Verdun kết thúc.

Trận Verdun là trận chiến kéo dài nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, suốt 10 tháng. Cả hai phía đều bị tổn thất nặng: Đức mất 600.000 người, Pháp mất 358.000 người, nên trận này còn được gọi là “Cối xay thịt Verdun”. Số đạn đổ ra ở đây ước tính đến 1.350.000 tấn thép.

Đức tuy phần nào thành công trong kế hoạch “hút máu” đối phương, song bản thân họ cũng phải đổ máu và phải chấm dứt chiến lược “Hướng Tây” của mình.

Sau thất bại ở Verdun, Đức không thể nào mở một cuộc tấn công đại quy mô cho tới năm 1918. Quan trọng hơn, thất bại này đã gây nên sự bất mãn của nhân dân đối với chủ nghĩa quân phiệt Đức. Phía Pháp, tuy có những người coi trận Verdun là biểu trưng cho tinh thần bất khuất của dân tộc, song cũng nhiều ý kiến coi đây là một “chiến thắng kiểu Pyrros” - tức là “thắng hại”.

Nước Pháp bị khánh kiệt, quân đội Pháp cũng không thể hoàn toàn hồi phục và từ đó họ phải dựa vào Anh trên mặt trận phía Tây. Còn liên quân nói chung cũng trở nên khó có thể đánh bại quân Đức mà không hứng chịu tổn thất kinh hoàng cho đến ngày chiến tranh kết thúc.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/tran-chien-coi-xay-thit-trong-the-chien-thu-nhat-620894.html