Trận đánh đặc biệt đưa Nga từ thế chư hầu trỗi dậy thành 'gã khổng lồ' Đông Âu

Quyết tâm đánh trận 'một mất một còn' với địch thủ lớn nhất châu Âu, Ivan Đại đế đưa nước Nga non trẻ lên hàng cường quốc.

Ivan III – một trong những Sa hoàng vĩ đại nhất của Nga (tranh: Russia Beyond)

Ivan Đại đế (Ivan III) có tuổi thơ không mấy êm đềm. Cha ông – Vasily Vasiliyevich (Vasily II), Thân vương Công quốc Moscow – lên ngôi từ năm 10 tuổi (1425) khiến nhiều thế lực không phục tùng, trong đó có Yury Dmitrievich (chú của Vasily II).

Năm 1433, Yury Dmitrievich phát động cuộc chiến nhằm lật đổ Vasily II (Nội chiến Muscovite trong lịch sử Nga). Trước đó, Yury Dmitrievich đã xin Hãn quốc Kim Trướng phong chức Thân vương Moscow. Hành động của ông khiến nhiều tướng lĩnh Moscow bất mãn bởi Hãn quốc Kim Trướng là “kẻ thù không đội trời chung” với Moscow, theo Russia Beyond.

Sau hàng loạt chiến dịch xâm lược của Mông Cổ từ năm 1235 – 1240, nước Nga bị đánh bại, chia cắt thành nhiều vùng và phải chịu khuất phục trước Hãn quốc Kim Trướng (một phần của đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn sáng lập).

Mãi đến năm 1380, Dmitry Ivanovich – Thân vương Moscow – mới đánh thắng Hãn quốc Kim Trướng một trận lớn và từng bước gây dựng độc lập cho Công quốc Moscow. Tuy nhiên, trên danh nghĩa, Moscow vẫn là chư hầu của Hãn quốc và trong một số thời điểm, phải chịu cống nạp để được yên ổn.

Năm 1453, nhờ các tướng lĩnh ủng hộ, Vasily II dẹp yên thế lực của Yury Dmitrievich và đoạt lại ngôi Thân vương Moscow. Trong những trận chiến liên miên, Vasily II bị mù (Vasily II còn có biệt danh là “Vasily II mù lòa”).

Để tránh nguy cơ ngôi vị bị “nhòm ngó” một lần nữa, Vasily II phong cho con trai – Ivan Vasilyevich (Ivan III) – làm người đồng cai trị. Năm 1462, Ivan III lên ngôi, mở ra thời kỳ huy hoàng cho lịch sử nước Nga, theo History.

Ivan III liên tục mở các cuộc chinh phạt, mở rộng lãnh thổ (tranh: History)

Ngay từ khi còn nhỏ, Ivan III đã được cha nuôi dưỡng tham vọng về một nước Nga vĩ đại và độc lập hoàn toàn. Sau cuộc Nội chiến Muscovite, Công quốc Moscow suy yếu và bị Hãn quốc Kim Trướng chèn ép. Nén tức giận, Ivan III chọn cách tạm hòa hoãn với Hãn quốc để có thời gian chuẩn bị lực lượng.

Năm 1463, Ivan III chinh phục xứ Yaroslavl (Tây Bắc Nga). Hai năm sau, ông chiếm được xứ Vereya (công quốc nhỏ cách Moscow 113km về phía Tây Nam). Năm 1485, xứ Tver (Tây Bắc Nga) khuất phục trước quân đội Moscow. Ngày nay, Yaroslavl, Vereya và Tver đều là một phần của lãnh thổ Nga.

Năm 1470, Ivan III đương đầu với thử thách lớn hơn – chinh phục Công quốc Novgorod (vùng đất ở phía bắc Nga ngày nay). Từ thời Dmitry Ivanovich, Moscow đã nhiều lần tấn công Novgorod nhưng không thành công.

Trước sức ép từ Ivan III, Novgorod tìm tới sự che chở của Casimir IV – vua Ba Lan và cũng là Đại Công tước cai trị Litva. Thời bấy giờ, Ba Lan là nước hùng mạnh bậc nhất châu Âu.

Tháng 7/1471, quân Moscow và Novgorod đụng độ bên bờ sông Shelon. Quân Novgorod đông tới hơn 30.000, nhưng phải thất bại trước khoảng 5.000 quân Moscow. Ivan III nhận định quân đội Novgorod được tổ chức quá yếu kém.

Thừa thắng xông lên, quân đội Moscow giành thêm một chiến thắng nữa trong trận đánh gần sông Bắc Dvina. Novgorod phải cắt đất, trở thành chư hầu của Moscow và chịu cống nạp, theo Russia Beyond.

Ba Lan không hành động khi Moscow chinh phục Novgorod. Ivan III đã dự đoán đúng điều này, trong khi giới quý tộc Moscow lo sợ bị Ba Lan tấn công.

Năm 1474, Ivan III tấn công và sáp nhận xứ Rostov. Bốn năm sau, Novgorod cũng bị sáp nhập vào Moscow. Ngày nay, Rostov và Novgorod là 2 tỉnh của Nga.

Trải qua nhiều cuộc chiến liên miên, Ivan III đã mở rộng diện tích Công quốc Moscow gấp 3 lần so với người tiền nhiệm. Trong lịch sử Nga, Ivan III có biệt danh là “Người mở đất”.

Ivan III xé chiếu thư từ Hãn quốc Kim Trướng (tranh: Russia Beyond)

Năm 1476, Ivan III xé nát chiếu thư phong tước vị của Akhmat Khan – Hãn (vua) của Hãn quốc Kim Trướng. Ông tuyên bố Moscow độc lập và không bao giờ cống nạp cho Hãn quốc, theo Warfare History Network.

Tháng 10/1480, Akhmat Khan dẫn 9 vạn quân tới thảo phạt “chư hầu” Moscow.

Ivan III lo ngại về trận chiến này. Ông chưa tìm ra cách đối phó nguy cơ Hãn quốc và Ba Lan liên minh với nhau. Một số quý tộc Moscow cũng khuyên Ivan III đầu hàng Hãn quốc.

Trong khi Ivan III do dự, Akhmat Khan đã dẫn quân áp sát sông Ugra, chỉ cách kinh thành Moscow khoảng 200km về phía tây nam. Ivan Ivanovich (Ivan trẻ) – con trai Ivan III – dẫn quân đánh chặn, không để quân Hãn quốc vượt sông Ugra.

Ivan III ra lệnh cho con trai quay về kinh thành, nhưng Ivan trẻ từ chối. Theo Vortexmag, người dân Moscow đã cổ vũ hoàng tử chống lại Hãn quốc. Trước sự “cứng đầu” của con trai, Ivan III phải đem quân tới chi viện.

Ngày 6/10/1480, quân Hãn quốc bắt đầu vượt sông. Quân Moscow dùng súng hỏa mai, đại bác bắn trả dữ dội. Mặt sông Ugra rộng từ 120 – 140 mét ở các điểm và gây khó khăn cho kỵ binh Hãn quốc. Cung tên của họ cũng không có dịp phát huy hiệu quả.

Trận chiến bên bờ sông Ugra (tranh: Russia Beyond)

Trong vòng 4 ngày, mọi nỗ lực vượt sông của Hãn quốc đều thất bại. Hai đội quân rơi vào thế đánh cầm chừng. Tuy nhiên, Ivan III biết mùa đông đang đến gần và mặt sông Ugra có thể đóng băng sau một đêm.

Ngày 26/10, Ivan III ra lệnh rút quân từ Ugra về lập đồn phòng thủ gần kinh thành Moscow. Đầu tháng 11, mặt sông Ugra đóng băng nhưng Akhmat Khan không ra lệnh vượt sông. Ông e ngại khả năng chiến đấu của quân Moscow và không chuẩn bị cho chiến tranh mùa đông. Ngày 6/11, Akhmat Khan rút quân, theo Russia Beyond.

Trận đánh bên bờ sông Ugra đã thể hiện sức mạnh của quân đội Nga thời trung cổ và chấm dứt việc Hãn quốc Kim Trướng coi Nga là chư hầu. Sau chiến thắng này, Nga được xếp vào hàng cường quốc mạnh nhất Đông Âu.

Hãn quốc Kim Trướng chịu thất bại trước quân đội Nga (tranh: Russia Beyond)

“Các nước châu Âu, vốn biết rất ít về Công quốc Moscow – mảnh đất bị kẹp giữa Litva và Hãn quốc – đã bị choáng váng trước sự xuất hiện đột ngột của đế chế khổng lồ từ phía đông”, nhà triết học Karl Marx viết về nước Nga dưới thời Ivan III.

Năm 1487, Ivan III ra lệnh tấn công và biến Hãn quốc Kazan (tách ra từ Hãn quốc Kim Trướng) thành chư hầu. Ông cũng là người đầu tiên xưng danh là Sa hoàng Nga, theo History.

Vương Nam – tổng hợp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tran-anh-ac-biet-ua-nga-tu-the-chu-hau-troi-day-thanh-ga-khong-lo-ong-au-a598581.html