Trận đánh huyền thoại của người Hy Lạp: 300 quân chống 10.000 người

Dù người Ba Tư đông gấp hơn 30 lần, các dũng sĩ Sparta đã kiên cường chống trả, đảm bảo cho quân chính quy rút lui. Nhà vua và 300 chiến binh đã anh dũng hy sinh sau trận đánh này.

Trận Cổng Lửa (tên tiếng Anh Thermopylae) diễn ra giữa quân và Ba Tư vào năm 480 TCN ở Thermopylae - khu vực thuộc miền Trung của Hy Lạp.

Sau khi giao chiến, để bảo toàn lực lượng cho quân chính quy rút lui, 300 chiến sĩ Sparta đã tử thủ, đánh lại 10.000 quân địch.

Người Sparta đã chiến đấu dũng cảm với quân Ba Tư. Giáo dài gãy, họ đổi sang dùng kiếm. Kiếm gãy, họ dùng đá ném, dùng nắm đấm đánh trả. Dù quân địch đông gấp hơn 30 lần, các dũng sĩ Sparta kiên cường chiến đấu, 3 lần đẩy lùi sự tấn công của đối phương, trước khi hy sinh.

Trận đánh Cổng Lửa đã đi vào lịch sử quân sự của thế giới. Ảnh: Hiền Đức.

Trận đánh Cổng Lửa đã đi vào lịch sử quân sự của thế giới. Ảnh: Hiền Đức.

Cuộc trả thù đẫm máu của Xerxes đại đế

Năm 486 TCN, vua Ba Tư là Darius bị bệnh qua đời. Con trai ông - Xerxes đại đế - lên ngôi và thề rằng sẽ làm theo di chúc của cha, chinh phục Hy Lạp để trả thù cho thất bại của người Ba Tư trong cuộc chiến ở Marathon vào năm 490 TCN, mà cha ông chính là bại tướng.

Ở bên kia chiến tuyến, để chống lại cuộc xâm lược của người Ba Tư, năm 481 TCN, 30 nước thuộc liên bang Hy Lạp cùng Sparta và Athens tổ chức hội nghị thành lập đồng minh quân sự. Họ đề cử Sparta là nước có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất đứng đầu để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của người Ba Tư.

Theo sách 100 cuộc chiến lẫy lừng trong lịch sử thế giới, mùa xuân năm 480 TCN, Xerxes chỉ huy hơn 100.000 quân Ba Tư (số liệu này không thống nhất trong các sách sử khác nhau) và hơn 100 chiến thuyền, bắt đầu chiến dịch chinh phục Hy Lạp lần thứ ba. Họ vượt qua eo biển Herlespond, sau đó nhanh chóng chiếm lấy miền bắc Hy Lạp, tấn công về phía Nam, tiếp cận Thermopylae.

Thống soái liên quân Hy Lạp là vua Stapart Leonidas chỉ huy khoảng 7.000 quân, đến cửa ngõ quan trọng Thermopylae trước dự tính để đón giặc mạnh. Cửa ngõ này thực tế là một đường thông hẹp, một bên là núi, một bên vực thẳm. Nó nhỏ đến mức chỉ một chiếc xe ngựa có thể đi qua. Muốn tiến vào Athens, quân Ba Tư buộc phải qua đường này.

Nhận thấy địa hình dễ phòng ngự, vua Leonidas bố trí 6.000 quân tại cửa hẹp này, 1.000 quân còn lại trấn thủ ở đường nhỏ phía sau Thermopylae nhằm tấn công bất ngờ vào hậu quân Ba Tư.

Quân Ba Tư tiến vào bình nguyên Thermopylae, hạ trại cách đó không xa. Xerxes cho rằng không cần tốn nhiều sức lực, chỉ cần dựa vào ưu thế binh đông cũng khiến quân Hy Lạp thua chạy. Nhưng trái với dự đoán đó, quân Hy Lạp không hề run sợ.

Sau 5 ngày, quân Ba Tư phát lệnh tấn công. Chiến đấu nơi rừng núi hiểm trở, họ không thể phát huy được ưu thế đông người, tên nhiều nên bị người Hy Lạp đẩy lui, dù liên tục tấn công.

300 chiến sĩ Sparta đã trở thành những anh hùng của người Hy Lạp. Ảnh: Hiền Đức.

Trận đánh làm nên danh tiếng của người Sparta

Xerxes điều đến 10.000 quân ngự lâm nổi tiếng “dũng mãnh vô địch”, nhiều lần tấn công dữ dội nhưng cũng vô hiệu, không sao xuyên thủng được phòng tuyến. Trong khi đó, người Hy Lạp càng đánh càng hăng, phòng thủ kiên cường 2 ngày liền. Quân Ba Tư tấn công không thành, thương vong nhiều vô kể.

Chính trong lúc Xerxes hết kế, bất ngờ, một tù binh Hy Lạp chỉ cho ông con đường tắt, có thể đi qua Thermopylae. Xerxes vô cùng mừng rỡ, lập tức cho quân bao vây phía sau lưng Thermopylae.

Vua Leonidas biết tin này, nhận thấy tình hình bất lợi, nếu đánh lâu ngày chắc chắn sẽ thua. Để bảo toàn lực lượng, ông ra lệnh cho quân chủ lực rút lui, còn bản thân nhà vua chỉ mang 300 chiến sĩ Sparta tử thủ tại nơi này.

Trận đánh nổi tiếng này diễn ra năm 480 TCN. Ảnh: ThingLink.

Trong thời khắc quyết định cuối cùng, họ đã chiến đấu dũng cảm với khoảng 10.000 quân Ba Tư. Người Sparta chiến đấu rất dũng cảm. Vua Leonidas bị nhiều vết thương, nhưng vẫn vung kiếm chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Để bảo vệ thi thể của nhà vua, các dũng sĩ Sparta kiên cường chống trả, 3 lần đẩy lùi sự tấn công của địch.

Cuối cùng, vì chênh lệch lực lượng quá lớn, trước sự tấn công ồ ạt của quân Ba Tư, các dũng sĩ Sparta đã hy sinh. Họ lấy tính mạng của mình để bảo vệ cho sự rút lui của quân chủ lực và nhân dân Athens.

Để tưởng niệm họ, người Hy Lạp đã dựng một bia đá ngay lại Thermopylae, bên trên khắc dòng chữ “Hỡi khách qua đường, người Sparta chúng tôi đã trung thành tử thủ, tan xương nát thịt tại nơi này”.

Trận đánh của 300 người Sparta không chỉ đi vào lịch sử quân sự nhân loại, mà còn trở thành đề tài của điện ảnh sau này. Nhiều bộ phim đã mô phỏng lại trận đánh, tôn vinh tinh thần dũng cảm của những chiến binh Sparta.

Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tran-danh-huyen-thoai-cua-nguoi-hy-lap-300-quan-chong-10-000-nguoi/20200820022511508