Tràn đầy dòng xúc cảm chân dung Hồ Chí Minh từ tranh cổ động

Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề đặc biệt mang tên 'Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 -2011)'. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), 129 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh(19.5.1890 – 19.5.2019).

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Nội dung trưng bày gồm 4 phần: Hồ Chí Minh – Linh hồn dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh – Nhà quân sự, nhà thơ, Bác Hồ - Một tình yêu bao la, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi.

Những bức tranh khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển lãm trưng bày 60 bức tranh cổ động, chủ yếu là tác phẩm gốc, được các họa sĩ sáng tác và phát hành sau khi chủ tịch Hồ Chí Mình qua đời.

Các tác phẩm với những cách thể hiện phong phú đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi, là tấm gương cổ vũ lớn đối với các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tác phẩm của họa sĩ Trần Từ Thành "Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc"

Nhiều câu chuyện cảm động về hoàn cảnh ra đời của các bức tranh và tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ mà các tác giả dành cho lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã được chia sẻ đã khiến cho không khí cuộc triển lãm thêm giàu ý nghĩa và đọng đầy cảm xúc.

Tại sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà thay mặt Ban tổ chức giới thiệu ấn phẩm “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 – 2011)”. Cuốn sách in các tác phẩm tranh cổ động trong trưng bày và một số bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, các họa sĩ xung quanh đề tài này sẽ giúp công chúng có thêm hiểu biết về phong cách nghệ thuật cùng những giá trị lịch sử, văn hóa của đồ họa tuyên truyền Việt Nam.

Tác phẩm "Bác cùng chúng cháu hành quân" của họa sĩ Huy Oánh và Nguyễn Thụ

Các họa sĩ Trần Từ Thành, Đỗ Mạnh Cương, Nguyễn Trọng Hiệp, Lê Nhường…đã hiến tặng. Bảo tàng Hồ Chí Minh các bức tranh của mình. Mỗi tác phẩm là một biểu trưng, là sự biểu đạt tình yêu, sự kính trọng, tình cảm sâu sắc của các họa sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Trần Từ Thành bồi hồi chia sẻ ý tưởng và tâm trạng khi vẽ bức tranh manh hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi trên nền chim câu hòa bình mà suốt 40 năm qua được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. “Tôi vẽ bức tranh “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc năm 1975, ngay sau khi đất nước thống nhất. Khi ấy tâm trí tôi bị thôi thúc tìm đề tài cho bức tranh tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976. Tôi đã chọn chủ đề đất nước hòa bình gắn với hình tượng tấm gương sáng và những tình cảm yêu thương Bác Hồ dành cho thiếu niên,nhi đồng làm mạch cảm xúc chủ đạo và lựa chọn hình thức tranh cổ động, một thể loại dễ hiểu, phổ biến rộng rãi trong cuộc sống”…

Tháng 4/1976, bức tranh "Bác Hồ với thiếu nhi" đã đoạt giải cao tại Triển lãm. Cũng năm đó, để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi thống nhất đất nước, Xưởng tranh cổ động TƯ đã cho in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước. Bức tranh đã trở thành biểu tượng của khát khao, ước mơ hòa bình, cũng là lời nhắc nhở về tình yêu thương khi họa sĩ được đề nghị đưa câu khẩu hiệu "Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc" vào tranh. Tác phẩm còn được treo ở Bảo tàng Lê nin ở Matxcơva (Nga), La Habana (Cuba)… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau.

“Tôi luôn coi bức tranh là kỉ vật vô giá của cuộc đời mình nên dù sau này có nhiều nhà sưu tập ngỏ ý muốn mua tôi luôn từ chối. Hôm nay tôi quyết định trao tặng bản thảo gốc bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và bảo quản lâu dài”, họa sĩ Trần Từ Thành cho biết.

Họa sĩ Lê Huy Trấp có khá nhiều tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm. Ông từng có vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ và với ông đó luôn là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí.

Năm 1969, trong nỗi đau chung của dân tộc, họa sĩ Lê Huy Trấp đã thể hiện lòng tưởng nhớ vị cha già, lãnh tụ kính yêu trong tranh. Đây cũng là bức vẽ đầu tiên ông vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đó cũng là dấu mốc đặc biệt về sự chuyển hướng đề tài trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ.

Trong nhiều tác phẩm, bức tranh mà ông yêu quý nhất là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bức tranh gốc họa sĩ sáng tác năm 1970 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và mang tên là 1890 – 1970, Bức tranh đã được được chọn tham dự triển lãm mỹ thuật tại La Habana, Cu Ba.

Sau triển lãm, Chủ tịch Fidel Castro đã yêu cầu ấn hành tác phẩm để giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp đất nước Cu Ba. Năm 1975, họa sĩ quyết định đổi tên tranh thành "Không có gì quý hơn độc lập tự do" nhằm thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và được xưởng tranh cổ động TƯ in ấn, phát hành rộng rãi.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Huy Trấp

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm : “Trong hội họa Việt Nam có một dòng tranh độc đáo mà mỗi tác phẩm mang nhiều ý nghĩa hơn một tác phẩm nghệ thuật thông thường, đó chính là dòng tranh cổ động. Tranh cổ động là lời hiệu triệu hiện diện trên mọi nẻo đường kháng chiến, kiến quốc, trong mọi thời khắc lịch sử cam go, hào hùng của dân tộc kích thích ý chí, quyết tâm, động viên, khích lệ nhân dân vượt lên thách thức để bảo vệ và kiến thiết đất nước. Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật tranh cổ động của Việt Nam đã tự hoàn thiện để hoàn thành nhiệm vụ mà dòng tranh này mang trọng trách truyền tải và khẳng định sức sống lâu bền”.

Tác phẩm "Người là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ" của họa sĩ Lê Đức Nhân vẽ năm 1979

“Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” được trưng bày từ ngày 10/5 đến 10/10/2019.

Các em học sinh tô màu các bức ttranh chân dung Bác Hồ

Cũng trong khuôn khổ triển lãm, lần đầu tiên công chúng, đặc biệt là các em học sinh trường tiểu học Chu Văn An, THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) đã có cơ hội tham gia hoạt động khám phá, trải nghiệm thú vị như tô màu, in tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một số bức tranh mẫu được lựa chọn trong trưng bày. Các em thực hiện thao tác kỹ thuật in, đóng dấu… trên chất liệu giấy điệp, mực in để làm tranh Đông Hồ truyền thống.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tran-day-dong-xuc-cam-chan-dung-ho-chi-minh-tu-tranh-co-dong-4001962-v.html