'Trận địa' thúng chai giữa Biển Đông (bài 2)

Nghề khai thác mực xà (mực khơi) được xếp vào 'ngoại hạng' về sức chịu đựng sóng gió, kiên cường bám trụ 3 tháng liên tục và độ bao phủ rộng khắp vùng biển Việt Nam. Trở thành nghề 'độc nhất vô nhị' trên thế giới, chỉ có người dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... mới dùng thúng chai câu mực trong đêm ở giữa đại dương. Nghề khai thác mực xà Đà Nẵng đã bị 'xóa sổ' hoàn toàn, còn lại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nếu như không có những chính sách hỗ trợ kịp thời thì e rằng, một ngày không xa, nghề khai thác mực xà sẽ biến mất.

Bài 1: Hình thành hạm đội “tàu sân bay”

Bài 2: Sinh mạng “treo” đầu ngọn sóng

Chiếc tàu dài 14m không được xếp vào danh mục tàu đánh cá xa bờ, vậy mà chiếc thúng chai nho nhỏ được ngư dân ứng dụng vào khai thác ở những vùng biển xa nhất Việt Nam. Tính mạng của họ như “treo” đầu ngọn sóng dữ và số người chết giữa biển cũng được xếp đầu bảng trong nghề khai thác biển.

Các “đô đốc” thúng chai chuẩn bị hành nghề giữa đại dương mênh mông vào ban đêm. Ảnh: Ngư dân cung cấp

Các “đô đốc” thúng chai chuẩn bị hành nghề giữa đại dương mênh mông vào ban đêm. Ảnh: Ngư dân cung cấp

“Đối với nghề lưới vây, câu cá ngừ đại dương, mấy ông làm ruộng xuống tàu đi biển vài hôm là bắt chước làm được, sau vài tuần, họ đã làm rành việc. Với nghề câu mực xà, muốn trở thành “đô đốc” thúng chai thực sự, phải trải qua một năm làm “tài lọt” (nấu cơm), làm đủ thứ trên tàu, rồi đứng trên tàu tập câu kiếm tiền, ông chủ không trả đồng lương nào. Người thuyền trưởng nào đã trải qua “tài lọt” và “đô đốc” thúng chai, thì mới gọi là thuyền trưởng mực xà lão luyện” - Thuyền trưởng Bùi Mông, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nêu kinh nghiệm.

Nỗi sợ “lạc thúng”

Tất cả những người hành nghề mực xà đều rất sợ hai từ “lạc thúng”, bởi vì ban đêm giữa Biển Đông, có muôn vàn biến cố xảy ra không kịp trở tay. Chẳng hạn, đang câu gặp những cơn tố lốc đi qua sẽ làm lật úp thúng, nhấn chìm rất nhiều người. Trước khi lên cầm lái thuyền trưởng, ông Mông đã kinh qua “tài lọt” và “đô đốc” thúng chai, nên ông nhớ đời: “Lúc trước, mọi người ngồi câu trên thúng chai cách xa “tàu mẹ” từ 5-20 hải lý, không có bộ đàm, không có tín hiệu gì cả, đi “như câm”, “như điếc” giữa đại dương. Chỉ có duy nhất chiếc đèn dầu dẫn dụ mực tới. Khoảng 5 giờ sáng, “tàu mẹ” chạy đi vớt thúng lên tàu. Hôm đó, gió Tây Nam thổi cấp 3-4, đèn hết dầu tắt, tôi nhìn thấy mờ mờ “tàu mẹ” đi vớt mấy thúng phía trước. Gió thổi mạnh đẩy thúng tôi trôi xa lạc mất “tàu mẹ”. Nhưng số tôi may mắn, đến 2 giờ chiều thì “tàu mẹ” tìm ra được”.

Ông Mông cũng đã hai lần bị lật úp thúng trong đêm. Cũng may, đồng đội ở gần nhanh chóng đến cứu. Nhờ chịu khó làm ăn và tích góp chút vốn, ông Mông mua chiếc tàu trở thành ông chủ và thuyền trưởng: “Mình đã trải qua “tài lọt” và “đô đốc” thúng chai, nên hiểu nghề lắm. Ban đêm không dám ngủ, thường xuyên cho tàu chạy đi canh chừng mấy ông câu. Vậy mà sự cố xảy ra, ông “tài lọt” cứng tay của tàu tôi xuống thúng đi câu, hắn ngủ quên, thúng trôi mất dạng, tui bỏ làm biển chạy tàu đi tìm hết 7 ngày 7 đêm vẫn không ra. Vào bờ báo với gia đình toàn bộ sự việc, ông bố lập bàn thờ và tổ chức nghi lễ khấn vái ngoài bờ biển”.

Cả chủ tàu và người thân của “tài lọt” mất tích đang làm lễ mở cửa mã, tình cờ có điện thoại ở bên nhà hàng xóm reo lên, đầu dây nhận ra người hàng xóm, nên kêu chủ nhà qua nghe máy. “Nghe nói thằng Vương gọi về, tui bỏ bó hương (giang), nhảy qua hàng rào, lao vào nhà nghe điện thoại. Đầu dây bên kia nói: “Con Vương đây, chú Mông”. Cháu cứ cầm điện thoại nghe, tui chạy qua gọi ông bố qua nghe tiếng con cho an tâm.

Nghe xong quay về dẹp bàn thờ, lễ cúng, chạy đi mua bia về uống ăn mừng” - Thuyền trưởng Mông kể chuyện ly kỳ.

Gần 10 ngày, kể từ ngày “lạc thúng”, Vương mới về Quảng Ngãi, kể lại sự tình với mọi người. Tàu đang câu mực ở Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) bị trôi 3 ngày 3 đêm trên biển, không có nước uống 2 ngày, ngày thứ 3 trời mưa nên hứng được nước uống. Đói phải ăn mực sống đã bốc mùi thối. Thúng bị trôi xuống vùng biển Cà Mau, gặp được tàu đánh cá tỉnh Kiên Giang cứu vớt. Vương phải ở lại trên tàu chờ khi tàu khai thác xong mới vào bờ, chủ tàu cho tiền xe về quê. Thuyền trưởng Mông nói giọng buồn: “Bị “lạc thúng” với “tàu mẹ”, đại phước đại đức mới gặp tàu đánh cá hoặc tàu hàng cứu vớt, phần nhiều bị chết giữa biển, có khi gặp lại thúng, người đã chết khô từ lâu rồi”.

Ca phẫu thuật trên đảo Trường Sa

Giai đoạn đầu phát triển tàu mực xà, đa số tàu nhỏ phải “chứa” 30-40 lao động. Họ phải làm việc từ 3 giờ chiều đến 9 giờ sáng hôm sau, câu mực, xẻ mực phơi, dọn dẹp tàu, ăn cơm... Mỗi ngày, lao động mực xà chỉ ngủ từ 2-4 giờ, mỗi chuyến biển kéo dài từ 2-3 tháng, 80% thời gian trong năm họ phải ăn ở trên tàu và làm việc trên thúng chai. Kiếm được chỗ ngủ trên tàu cho thẳng chân, thẳng tay là một rất xa xỉ. “Chiếc tàu dài 14-17m, chở theo 25-35 thúng chai, rồi can, phi đựng nước ngọt, thùng chứa mấy chục ngàn lít dầu, lương thực, thực phẩm... Bạn kiếm được chỗ ngủ “đẹp” thường hay nổ ra tranh giành nhau quyết liệt. Có những anh đang ăn cơm, lẽ ra ăn thêm chén nữa mới đủ no, nhưng vì khát ngủ quá, nên bỏ đũa trước để chạy đến giành chỗ ngủ “đẹp”. Có anh bí quá, chui xuống chồng thúng ngủ. Khi tàu quay vào bờ, lo dọn bớt đồ để có chỗ xếp mấy chục tấn mực khô, nên thùng, can, phi treo đầy hai bên tàu dày đặc, nhìn giống như đoàn cải lương” - Thuyền trưởng Mông thấm thía gian khổ.

Ông Nguyễn Ngọc Quý sau chuyến tai nạn trên tàu câu mực xà, được Trạm quân y đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cứu chữa. Ảnh: Hải Luận

Lúc tôi đang nói chuyện với ông Huỳnh Trọng Thân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, thấy có một người bị cụt một cánh tay. Qua hỏi chuyện, ông Nguyễn Ngọc Quý mới kể. Năm 2017, tàu ông vào trú gió ở đảo Đá Lát, huyện Trường Sa. Tại đây, tay ông Quý bị dây cô roa máy tàu cuốn vào dập cánh tay. Mọi người trên tàu xúm lại băng bó cho ông, tăng tốc chạy tàu 3 giờ đến đảo Trường Sa Lớn cấp cứu. Các bác sĩ phẫu thuật chẩn đoán bị thương rất nặng, cần phải cắt cánh tay để đảm bảo tính mạng. Ngay lập tức, thiết lập cầu truyền hình phẫu thuật từ đảo Trường Sa với Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh): “Bác sĩ chỉ gây tê tôi ở tay, người tôi rất tỉnh táo, thấy rõ trên màn hình bác sĩ ở Viện 175 chỉ đạo các bác sĩ của Trạm quân y đảo Trường Sa phẫu thuật cắt tại vị trí nào, cách đắp da lên đầu cánh tay như thế nào. Nằm điều trị tại Trạm quân y đảo Trường Sa được 1 ngày 1 đêm, sau đó, các bác sĩ chuẩn bị thuốc, dịch truyền, pha thuốc. Bác sĩ gọi 3 ngư dân trên tàu vào phòng hướng dẫn cách thay dịch truyền, cách cho tôi uống thuốc, kể cả một số lưu ý cần thiết. Tàu tôi chạy liên tục 3 ngày 3 đêm mới đến cảng Cam Ranh, vợ tôi đã thuê xe chờ sẵn và chở thẳng vào Viện 175. Đến cổng bệnh viện, đã thấy bác sĩ Cường (bác sĩ hướng dẫn phẫu thuật qua truyền hình) đứng đón và khám cho tôi. Nằm điều trị tại Viện 175 thời gian 20 ngày, họ không lấy một đồng nào hết. Nếu như không có quân y đảo Trường Sa cứu giúp, mạng của tôi e khó giữ nổi”.

Dù bị cụt một cánh tay, ông Quý hiện nay vẫn xuống tàu mực xà đi biển hàng tháng trời. “Tôi bị tai nạn nên giao tàu cho con điều hành, tôi đi theo làm “tài lọt”, có sự cố gì trên biển, mình sẽ có kinh nghiệm giúp tụi nó xử lý kịp thời” - Ông Quý chia sẻ.

Bài 3: Vì sao tàu mực xà Đà Nẵng bị xóa sổ?

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tran-dia-thung-chai-giua-bien-dong-bai-2/