'Trận đồ bát quái' Trường Sơn

Trường Sơn là chiến trường tổng hợp, trong 15 năm hình thành và phát triển, đường Trường Sơn trở thành con đường kỳ vĩ nhất thế giới. Nó kỳ vĩ bởi không quân của Mỹ đã đổ xuống nơi đây số lượng bom đạn lớn nhất thế giới, bởi con đường đi qua địa hình hiểm trở và dài nhất thế giới, bởi lòng quả cảm và ý chí kiên cường của cả dân tộc làm nên một 'trận đồ bát quái' Trường Sơn, đánh bại một siêu cường kinh tế và quân sự.

Bài 1: Mở đường mà tiến

Nhiều thời điểm bom đạn của Mỹ đã dội xuống đường Trường Sơn làm tắc đường, không thể nào chi viện cho các chiến trường miền Nam. Các đơn vị chiến đấu bị đói, thiếu vũ khí. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lăn ra mặt đường để giải quyết tắc đường. Trong “mưa bom”, ta đã tìm ra được những phương thức đánh trả không quân Mỹ, tổ chức hiệp đồng binh chủng vận tải vượt qua các trọng điểm ác liệt.

“Ngã ba đường 10” nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình là một trong những trọng điểm máy bay Mỹ ném bom dữ dội. Ảnh: Hải Luận

“Ngã ba đường 10” nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình là một trong những trọng điểm máy bay Mỹ ném bom dữ dội. Ảnh: Hải Luận

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn khi còn sống, kể chuyện với nhà báo: “Tôi lên chiếc xe vận tải đi thử qua mấy trọng điểm đánh phá xem tình hình như thế nào? Khi xuất hiện máy bay ném bom, anh lái xe dừng lại ẩn núp vào bụi cây bên đường. Tôi hỏi anh lái xe:

- Thế không còn cách nào khác à?

- Cháu lái xe mục đích để làm tròn nhiệm vụ, chi viện chiến trường miền Nam. Nếu đi mà xe cháy, người chết, thì cháu không đi. Vô nghĩa.

Nghe anh lái xe nói như vậy, tôi “đau” trong lòng lắm. Đây là câu chuyện theo đuổi tôi mãi. Thời điểm đó, khẩu hiệu lấy “phòng tránh” là chủ yếu. Người lái xe “cô đơn” một mình trên đường, không có pháo cao xạ, phòng không bảo vệ họ tại các trọng điểm”.

Từ “phòng tránh” sang “tiến công”

Vừa triển khai nhiệm vụ mới tại các cung đường, binh trạm, đồng thời, ông Nguyên báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, thay đổi tình hình nhiệm vụ. Từ “phòng tránh” sang “tiến công”, hình thành các đơn vị binh chủng hiệp đồng tác chiến và “chốt” giữ tại các trọng điểm đánh phá. Đại tá Nguyễn Linh Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn, khái quát vấn đề: “Xác định tư tưởng tiến công mạnh mẽ, nếu không, anh sẽ rơi vào thế “phòng ngự”. Vì thằng địch nó đánh dữ dội lắm. Đã là vận tải phải hiệp đồng binh chủng, phải có xe, có pháo, có cao xạ, thông tin, bộ binh... Xe là lực lượng xung kích, mọi binh chủng phải lấy mục tiêu “bánh xe lăn” làm trung tâm”.

Điều nan giải nhất trên tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn là bị không quân Mỹ liên tục ném bom dẫn đến tắc đường. Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn 571, Bộ đội Trường Sơn, nhớ như in: “Trọng điểm Cốc Mạc bị địch đánh tơi bời 3 ngày, tắc hoàn toàn. Lúc đó 3 giờ sáng, đồng chí Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên gọi tôi và anh Tức, Binh trạm trưởng lên cơ quan gặp. Tư lệnh nói: “Cốc Mạc bị tắc, bộ đội miền Nam rất khó khăn. Miền Nam đang kêu gọi chúng ta, cho nên các anh về giải quyết và thông ngay Cốc Mạc, bằng cách chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Tôi quay về đến binh trạm. Ngay ngày hôm sau, Tư lệnh cho lắp ngay máy điện thoại nối trực tiếp với Sở Chỉ huy Tư lệnh, cứ 2 - 3 giờ, Tư lệnh gọi để đốc thúc. Mở gần xong đường, Tư lệnh nói: “Anh ra lệnh cho thông đường, thông xe thật đúng giờ. Tôi sẽ lệnh cho toàn tuyến nổ pháo chi viện cho anh, mà tôi cho bắn đạn lửa để máy bay trên trời biết mình đang nhằm bắn vào nó, nó sẽ không dám đến ném bom”. Xong đường, đêm đó, tôi hạ lệnh cho hàng trăm xe vượt khẩu và chạy một mạch vào đến đường 9. Đây là trận chiến hiệp đồng binh chủng đầu tiên trên đường Trường Sơn.

Sau khi thế trận hiệp đồng binh chủng đã triển khai trên toàn tuyến, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên lên xe vận tải đi kiểm tra các trọng điểm. “Tôi ngồi trên ca-bin xe, thấy anh lái xe rất vui vẻ. Tôi mới hỏi: “Mấy lần trước tôi thấy các cậu đi qua trọng điểm thường hay cho xe chui vào bụi ẩn nấp, sao hôm nay các cậu chạy xe lại hớn hở thế?”.

- Thủ trưởng nhìn xem, pháo cao xạ bắn máy bay sáng cả bầu trời. “Đẹp” như vậy, sao mà không đi được.

Khi đã giải quyết được vấn đề cốt lõi của nó, bộ đội sẽ tiến công như vũ bão”.

“Cây nhiệt đới” thu phát tính hiệu điện tử được Mỹ thả xuống các tuyến đường chi viện Trường Sơn. Ảnh: Hải Luận

“Dụ” máy bay đến phá đá làm đường

Khu vực “cán xoong” tỉnh Quảng Bình là mục tiêu đánh phá dữ dội nhất, trở thành những “tọa độ lửa” của không lực Mỹ như: Bến phà Long Đại, Xuân Sơn, cung đường 12... Đại tá Phan Hữu Đại thuật lại: “Mỹ đã sử dụng máy bay B52 đánh liên tục 11 ngày vào trọng điểm ATP, cày xới nát núi rừng, tắc toàn bộ tuyến này. Anh Nguyên gọi tôi: “Anh trực tiếp ra trận địa đào hầm chỉ huy khôi phục toàn bộ đường”.

- Khôi phục thế nào được, ngày nào nó cũng đánh?

- Tìm đường tránh - Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên “chốt” lại.

Lúc đó, chúng tôi cho triển khai làm ngay 3 đường tránh đi vòng, một mặt cho xe cơ giới lên sửa chữa đường cũ đã bị đánh phá để “mời” máy bay B52 đến ném bom tiếp. Những đường tránh mới làm cho xe chạy bình thường. Đây được xem là trận địa làm đảo ngược tình thế. Thằng địch không thể ngờ tới tính sáng tạo này”.

Lịch sử chiến tranh thế giới chỉ có duy nhất Bộ đội Trường Sơn mới nghĩ ra cách nghi binh để “dụ” máy bay Mỹ đến ném bom, rồi tổ chức mở đường tránh, đường kín khác cho xe chạy cả ban ngày và ban đêm.

Thiếu tướng Ngô Huy Biên, nguyên Tham mưu trưởng Phòng không, Bộ đội Trường Sơn, kể rất chi tiết: “Anh Nguyên hỏi tôi:

- Mỗi một ngày có bao chiếc máy bay đến đánh trên tuyến đường Trường Sơn?

- Báo cáo anh, tối đa không quá 200 lần chiếc máy bay đánh phá.

- Vậy thì trên tuyến Trường Sơn có khoảng 50 trọng điểm đánh phá và có thể bị tắc đường. Bây giờ, anh phải đảm bảo cho tôi, địch muốn đánh một trọng điểm nào đó gây tắc, phải điều động từ 10 - 15 chiếc máy bay đánh phá. Vậy 200 chiếc chia cho 50 trọng điểm, thế thì mỗi ngày nó chỉ tập trung đánh tắc 2 - 3 trọng điểm. Còn các trọng điểm khác vẫn yên tâm đi được. Cần bố trí pháo cao xạ, tên lửa tập trung vào những điểm có thể bị máy bay đánh tắc đường để đánh trả quyết liệt bảo vệ mặt đường cho xe đi qua.

Chúng tôi đã áp dụng theo “mưu kế” của anh Nguyên, đã giảm tần suất tắc đường đáng kể”.

Cuộc “chiến tranh ngăn chặn” nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã được Tổng thống Mỹ Nixon, người kế nhiệm Johnson, đẩy lên một nấc thang mới, ngăn chặn bằng chiến tranh “tự động hóa”, “điện tử hóa”, “hóa học hóa” và chiến tranh tổng lực. Chẳng hạn, Mỹ thả “cây nhiệt đới” xuống mọi ngả đường, thành trạm thu tín hiệu về trung tâm tác chiến, mỗi khi có xe ô tô, bộ đội hành quân đi qua, chỉ vài phút sau, từng tốp máy bay đến ném bom. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã cho thành lập những đơn vị chuyên đi săn tìm “cây nhiệt đới”. Khi phát điện được “cây nhiệt đới” đưa cái máy nổ cũ đến sát nổ nghi binh. Và cứ thế, từng phi đội máy bay địch kéo đến ném bom xuống những cánh rừng hoang vô tội.

Ông Lê Lựu, lính Bộ đội Trường Sơn, kể chi tiết đắt giá: “Có những vị trí chúng tôi cần lấy đá để làm đường, nhổ “cây nhiệt đới” đến cắm ở núi đá, cho máy nổ ầm ĩ để “điều” máy bay Mỹ đến ném bom phá đá giúp công binh”.

Bài 2: Nông dân “kỷ luật tự giác”

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tran-do-bat-quai-truong-son/