Trần Hoằng Nghị có phải là cha của Trần Thủ Độ tiếp tục gây tranh cãi

Hơn một thập kỷ qua, trong giới sử học và dư luận xã hội vẫn tranh cãi về việc Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu lịch sử tổ chức tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị với mục đích góp thêm tiếng nói bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc và vương triều Trần.

Tranh cãi cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị?

Năm 1994, cái tên Trần Hoằng Nghị xuất hiện lần đầu và do nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu công bố trong cuộc Hội thảo kỷ niệm 800 năm ngày sinh danh nhân Trần Thủ Độ. Công bố này được đưa ra từ những tư liệu điền dã mà nhà nghiên cứu này đã sưu tập.

Từ bài của ông Dương Quảng Châu, PGS. TS Nguyễn Minh Tường có bài “Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị Đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” tham gia hội thảo ngày 9/1/2007, tại Hà Nội, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức.

Một số bài tham luận được NXB Thế giới in thành sách “Đức Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn - tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Phương La, Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình” năm 2015.

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, trong giới sử học và dư luận xã hội xuất hiện các tranh cãi về việc có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?

PGS Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, chia sẻ: "Kể từ khi xuất hiện, nhân vật Trần Hoằng Nghị đã gây tranh cãi, làm phân tâm, chia rẽ trong họ Trần và xã hội". Ông mong các nhà nghiên cứu chứng minh, làm rõ Trần Hoằng Nghị có phải là cha Trần Thủ Độ, có xứng đáng được đưa vào chính sử để phổ cập cho thế hệ trẻ hay không?

Trong lịch sử không có nhân vật nào tên là Trần Hoằng Nghị

Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng cho hay: "Các bộ sử Việt Nam chỉ nêu Trần Thủ Độ sinh năm 1194, được Trần Lý nuôi từ nhỏ ở Lưu Gia, Tinh Cương, Hương Đa Cương (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình). Hơn 800 năm qua, trải qua nhiều hội thảo, tranh luận, nhưng chưa nhà nghiên cứu nào chứng minh được cha, mẹ Trần Thủ Độ là ai".

Phản bác quan điểm cho rằng Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ, ông Đặng Hùng cho rằng đây chỉ là những tư liệu điền dã, truyền miệng chứ không căn cứ trên văn bản, tài liệu khảo cổ học. Hai văn bản cổ là Trần triều thế phả hành trạng và Trần thế gia tộc kí tự được viết bằng chữ Hán, do người Pháp phát hiện năm 1938 không ghi nhận nhân vật trên là cha Trần Thủ Độ.

GS. Lê Văn Lan cho biết: Trong lịch sử không có nhân vật nào có tên Trần Hoằng Nghị. Tháng 12/2018, bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” đã phải dừng xuất bản vì có nội dung nói Trần Hoằng Nghị là cha của Trần Thủ Độ. Hội KHLS VN đã “trục xuất” Trần Hoằng Nghị ra khỏi những cuốn sách về sử học, khẳng định không dùng những tài liệu về Trần Hoằng Nghị.

Thế nhưng tháng 3/2019, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN – đơn vị sản xuất bộ phim tài liệu “Đức Hoằng Nghị Đại Vương” lại trả lời về việc phát sóng bộ phim của mình: “nhóm làm phim căn cứ vào kết quả nghiên cứu của hơn 30 nhà khoa học được công bố tại hội thảo khoa học ‘Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử, văn hóa Phương La’ do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội KHLS VN tổ chức ngày 9/1/2007”. Về điều này, ông Lan khẳng định: “Đừng tin vào những phim nói về Đức Hoằng Nghị Đại Vương hay ngài Trần Hoằng Nghị, vì bản chất sự việc này và nhân vật này rất vớ vẩn!”.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội KHLS VN, để tái hiện lịch sử, vật liệu quan trọng nhất là các nguồn sử liệu. Tuy nhiên, độ tin cậy và giá trị của các loại sử liệu khác nhau. Để tái hiện sử liệu cần phải khai thác tối đa mọi nguồn sử liệu, nhưng quan trọng là phải có phương pháp phân tích phê phán và xử lý khoa học phù hợp.

TS. Vũ Minh Giang cho rằng: "Cho đến giờ này, Trần Hoằng Nghị là nhân vật mới xuất hiện vào đầu thập niên 90 nhưng đã được gán ghép thành thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Thậm chí, nhân vật này còn được đưa vào sách, đưa lên phim và tạo ra sự băn khoăn trong xã hội. Do đó, cần phải xem xét nghiêm túc, khoa học về vấn đề này vì một nhân vật có thể gây ra những rắc rối khác, nhất là khi nhân vật ấy gắn liền với một nhân vật tầm cỡ trong lịch sử".

Phó Chủ tịch Hội KHLS VN cho hay: “Để kết luận Trần Hoằng Nghị có thật hay không thì về căn cứ khoa học vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận. Chúng ta chưa có đủ căn cứ khoa học để đưa ra kết luận về một nhân vật lịch sử mới, lại càng không có căn cứ để gắn nhân vật ấy với một nhân vật lịch sử khác. Do đó, cần đề nghị không đưa nhân vật này vào sách lịch sử, cũng không tiếp tục truyền bá một nhân vật mà chúng ta chưa có căn cứ”.

Trần Thủ Độ (1194-1264) đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, phò trợ vua Trần gây dựng cơ nghiệp vững mạnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua".

Phạm Lý - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/tran-hoang-nghi-co-phai-la-cha-cua-tran-thu-do-tiep-tuc-gay-tranh-cai-73343-7.html