Trần Hùng - 'Người đàn ông thép' trên mặt trận chống buôn lậu

Từng được mệnh danh là 'người đàn ông thép' trên mặt trận chống buôn lậu và hàng giả khi còn ở Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, nhưng trong những 'trận chiến sinh tử' ấy, nhiều người thấy Trần Hùng quá đơn độc. Bởi thế, khi đảm nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, với trách nhiệm trên vai nặng nề, không nhiều người nghĩ ông sẽ thành công. Thế nhưng, liên tiếp các chuyên án khủng được xử lý cho thấy, 'bàn tay thép' của Trần Hùng như được nối dài thêm để chặn đứng những bất công cho xã hội…

“Đội đặc nhiệm” mang tên 334

Sau khi Bộ Công Thương (BCT) chính thức ký Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24/1/2018 về việc, phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020. Tổ công tác 334 (tên viết tắt Đoàn kiểm tra theo Quyết định 334 của BCT) do ông Trần Hùng, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia – đương kim Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) làm tổ trưởng đã chính thức ra đời.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hùng - "Người đàn ông thép" trên trân chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái...

Theo Quyết định trên, địa bàn hoạt động trọng điểm của 334 được xác định sẽ gồm 20 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp. Nhiệm vụ của 334 là tiếp nhận thông tin đại chúng hoặc từ đơn, thư phản ánh của người tiêu dùng. Qua đó, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác như: hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Ban đầu khi mới được thành lập, tổ công tác 334 không được mọi người chú ý lắm bởi lẽ, nó cũng giống như bao tổ công tác khác của BCT, cứ ra đời một thời gian rồi lại “lặn mất tăm”. Thế nhưng, chính cái tên Trần Hùng đã khiến nhiều người phải chú ý, sau đó là kỳ vọng. Ở giai đoạn đầu của kế hoạch, với “thương phương bảo kiếm” trên tay, Trần Hùng đã chỉ đạo tổ công tác 334 tập trung kiểm tra vào 5 mặt hàng nhạy cảm tại 2 thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là: Thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón.

Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, hàng loạt các chuyên án lớn tại 2 thành phố thí điểm đầu tiên liên quan đến các vụ việc buôn lậu, kinh doanh trái phép, giả nguồn gốc xuất xứ…đã bị Trần Hùng và các cộng sự của mình xử lý và đưa ra ánh sáng. Theo ông Trần Hùng chia sẻ, từ các kết quả đạt được, trong năm 2018 tổ công tác 334 sẽ mở rộng phạm vi kiểm tra đối với một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm tại các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Nối dài những “cánh tay thép”…

Mặc dù chỉ có 7 thành viên đều là những cán bộ của Cục Quản lý thị trường, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của “người đàn ông thép” Trần Hùng, cùng sự phối hợp nhịp nhàng từ các Chi cục QLTT trên cả nước, “cánh tay thép” của Trần Hùng như được nối dài và vươn xa. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi mới được thành lập, người ta thấy Trần Hùng và những cộng sự của mình “tả xung hữu đột” trên trận chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái…đầy tâm huyết và trách nhiệm. Như thể, họ sinh ra để ngăn chặn cái xấu, bảo vệ sự an toàn và trong sạch cho xã hội.

Nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề buôn lậu, hàng giả, hàng nhái được ông Trần Hùng và các cộng sự của mình phát hiện và kiên quyết xử lý đã tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng

Với cách làm quyết liệt của mình, bước đầu Trần Hùng và tổ 334 đã thực hiện thành công khi phá chuyên án liên quan đến thương hiệu thuốc chống ung thư Vinaca tại Hải Phòng. Để có được chiến công này, theo ông Trần Hùng đó là nhờ sự phản ánh tích cực từ các cơ quan báo chí. Đặc biệt, với sự quyết đoán, nhanh nhạy của mình ngay sau khi có thông tin, Trần Hùng đã chỉ đạo các cộng sự xử lý ngay, rút hồ sơ và chỉ đạo Chi cục QLTT địa phương giữ nguyên hiện trường… hiện tại, 334 đã phối hợp với công an Hải Phòng bước đầu thực hiện khởi tố vụ án, truy tố Giám đốc Công ty Vinaca.

Tiếp nối những chiến công trên, ngày 15/6, tổ công tác 334 của Trần Hùng đã phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình đường nhập lậu, giả xuất xứ...đang xuất hiện tràn lan trên thị trường các tỉnh, thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Kiên Giang…Cùng ngày, tổ công tác 334 đã phối hợp với Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra 10 điểm tại quận 5 và quận 6. Qua đó lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở vi phạm về kinh doanh đường nhập lậu, hết hạn sử dụng; tạm giữ 3.708 kg đường cát vàng đựng trong bao giấy dầu loại 12 kg/bao; 2.000 kg đường cát trắng đựng trong bao loại 50 kg/bao.

Đặc biệt, ngay tại địa chỉ 224 Võ Văn Kiệt, QLTT 3A tạm giữ 5.000 kg đường cát vàng có nhãn ghi Công ty CP Mía đường Sóc Trăng hết hạn sử dụng tháng 4-2018; 3.600 kg đường cát trắng mang nhãn hiệu Cơ sở Ngọc Bích không có hóa đơn chứng từ… Tổng số lượng đường bị lực lượng QLTT tạm giữ ở 10 điểm ước tính 107.400 tấn. Trước đó, vào ngày 14/6, tổ công tác 334 do ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo đã phối hợp với lực lượng QLTT Quảng Nam bắt quả tang đồng thời lập biên bản tại chỗ gần 100 tấn đường Thái nhập lậu lọt vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Có thể nói, đây mới chỉ là những thành công bước đầu nhưng lại gây được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là người tiêu dùng. Bởi, từ lâu công việc chống buôn lậu, xử lý kinh doanh trái phé, làm hàng giả, hàng nhái…đã không còn nhận được nhiều sự tin tưởng của người tiêu dùng. Thế nhưng, chỉ sau vài đợt ra quân của tổ công tác 334, mặc dù người ta thấy tình trạng nhập lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất nghiêm trọng. Nhưng, với cách làm mạnh mẽ, hiệu quả, không ngại va chạm của “bàn tay thép” Trần Hùng, nhiều người bắt đầu thấy điểm sáng và đặt niềm tin vào người đứng đầu “đội đặc nhiệm 334” trong lĩnh vực QLTT, một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp.

Đã có được niềm tin của người tiêu dùng, của xã hội, nhưng điều mà mọi người mong đợi nhất đối với tổ công tác 334 và Trần Hùng, đó chính là mong muốn tổ công tác sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm, ủng hộ từ lãnh đạo, từ Chính phủ. Từ đó, “thượng phương bảo kiếm” trên tay Trần Hùng sẽ phát huy được tối đa tác dụng và Trần Hùng cũng sẽ thể hiện được hết năng lực, khả năng của mình trong việc lập lại trật tự trong lĩnh vực QLTT, tạo sự kết nối với các địa phương và xây dựng niềm tin cho cộng đồng, với xã hội. Khi đó, Trần Hùng sẽ không còn đơn độc và ầm thầm trên trận chiến chống buôn lậu và hàng giả…

Giai đoạn 2 của Kế hoạch 334, tổ công tác tiếp tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và mở rộng phạm vi đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác như: Hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Trị, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An. Nội dung này được thực hiện từ tháng 01 năm 2019 cho đến hết tháng 12 năm 2019. Và từ tháng 1- 12/2020, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý trên diện rộng gồm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tran-hung-nguoi-dan-ong-thep-tren-mat-tran-chong-buon-lau-76019.html