Tràn lan đào tạo y khoa liên tục: Thả nổi đào tạo

L.T.S: Hiện nay, hoạt động giảng dạy, đào tạo và cấp CME (đào tạo y khoa liên tục) còn nhiều bất cập. Nhiều đơn vị được cấp mã ngành đào tạo đã 'bán' cho doanh nghiệp tổ chức thu phí, đào tạo học viên.

Do y - bác sĩ phải cập nhật kiến thức, tham gia CME tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 5 năm liên tục để gia hạn giấy phép hành nghề, nên nhiều đơn vị có hoặc không có mã ngành đã quảng cáo, thông báo mở lớp tràn lan, trong khi chất lượng thì thả nổi

Câu chuyện bắt đầu từ lời than vãn của bác sĩ chuyên khoa II L.H.H (vì lý do tế nhị nên chúng tôi sẽ viết tắt hoặc giấu tên) trong một khóa đào tạo cấp chứng chỉ CME (Continuing Medical Education) đầu năm 2024 do một bệnh viện tuyến trung ương tổ chức.

Học để đối phó

Báo cáo viên là một bác sĩ nội trú báo cáo về một số ca lâm sàng trong lĩnh vực khám, xử trí và điều trị bệnh lý về mắt trước một lớp học trực tuyến với khoảng trên dưới 100 học viên là bác sĩ chuyên khoa mắt. Sau khi nghe báo cáo viên trình bày, một số học viên đặt câu hỏi. Khi báo cáo viên lúng túng chưa biết trả lời thế nào với câu hỏi hóc búa từ học viên thì chủ tọa buổi hội thảo hôm ấy (là một TS-BS tên H.) đã vội vã "cứu bồ" bằng lý do rằng: "Đây là một buổi báo cáo một số ca lâm sàng". Ứng xử đối phó này là mau lẹ nhưng kiến thức để truyền đạt của báo cáo viên khiến mọi người "cười ra nước mắt".

"Thôi thì "tiền nào của đó", mình đóng 200.000 đồng, học một buổi trực tuyến qua Zoom, làm xong bài test, một tuần sau là nhận CME tương đương 4 tiết. Nói thật, tham gia khóa học, ca lâm sàng mà báo cáo viên trình bày trước lớp không hơn gì mấy ca mình gặp ở bệnh viện. Nội dung cũng không có gì mới, báo cáo viên trình bày lúng ta lúng túng, học viên hỏi một đằng trả lời một nẻo, không biết có chứng chỉ sư phạm không?..." - bác sĩ L.H.H bày tỏ.

"Nhưng có còn hơn không. Nhiều y - bác sĩ ở các bệnh viện tuyến dưới, ở tỉnh dù muốn dù không cũng phải tích góp cho đủ KPI (chỉ số đo lường hiệu quả, hiệu suất công việc) tín chỉ để sau này còn gia hạn giấy phép hành nghề. Đó mới là cái chính. Từ Tết đến giờ mình tranh thủ đầu năm còn rảnh rỗi "gom được" 30 giờ tín chỉ rồi" - bác sĩ L.H.H tâm sự thêm.

Theo bác sĩ L.H.H, Thông tư 32/TT-BYT quy định bác sĩ phải cập nhật kiến thức chuyên môn qua việc tham gia đào tạo liên tục với số lượng 120 giờ tín chỉ/5 năm. Điều đáng nói là dù luật và thông tư quy định bác sĩ tham gia đào tạo liên tục không chỉ có hình thức tham gia các lớp chuyên môn mà còn có thể cập nhật kiến thức từ việc tham gia hội nghị, hội thảo hay giảng dạy, làm luận án, luận văn và cả tham gia hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn của bệnh viện, khoa...

Giá như ngoài việc theo học, tham dự hội nghị, hội thảo để cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật, phương pháp mới nhằm nắm vững, nâng cao chuyên môn, tay nghề có tính CME thì các buổi sinh hoạt khoa học - kỹ thuật bệnh viện, hội chẩn, báo cáo ca lâm sàng điển hình tại khoa, bệnh viện cũng được tính tín chỉ một cách sòng phẳng. Như vậy đỡ gánh nặng, áp lực cho rất nhiều y - bác sĩ. Họ có cơ hội lựa chương trình chất lượng, xứng đáng với công sức bỏ ra.

"Tuy nhiên, "luật một đằng, quy định hướng dẫn một nẻo", sinh hoạt chuyên môn kỹ thuật, hội chẩn... bệnh viện, liên chuyên khoa, khoa chúng tôi có đủ nhưng nếu bệnh viện chưa được cấp mã ngành thì còn lâu mới được tính. Bởi theo quy định, hiện chỉ có một số viện, bệnh viện, trường có cấp mã ngành mới được cấp CME và được tính vào. Còn bệnh viện mình đang công tác dù là một bệnh viện lớn nhưng không có mã ngành nên đành phải đi "tầm sư học đạo" cho đủ KPI" - bác sĩ L.H.H phân trần.

Quá trình tìm hiểu, phóng viên Báo Người Lao Động đã ngẫu nhiên tham khảo ý kiến của hơn 10 y - bác sĩ, dược sĩ thì đa số cho rằng cách tổ chức, cấp phép đào tạo cấp CME hiện có quá nhiều bất cập, có không ít hội nghị, hội thảo là cơ hội giới thiệu sản phẩm cho hãng, doanh nghiệp và không khác nào "chợ chứng chỉ CME".

Tràn lan thông báo tuyển sinh đào tạo liên tục (CME)

"Vỗ béo" đơn vị cấp mã ngành

Phải công nhận rằng đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức thời gian qua góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho lực lượng y tế. Tuy nhiên, làm sao để bảo đảm chất lượng, công bằng, hợp lý, tránh tổ chức tràn lan, lãng phí và ngăn chặn lợi ích nhóm là điều đáng bàn.

"Khổ nỗi y - bác sĩ bệnh viện công không phải ai xin đi học cũng được thủ trưởng bố trí. Có những trường hợp nếu thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện thì dễ thở, chứ có những nơi xin đi học không được duyệt mới là gay go. Như chúng tôi, muốn đi học thì vừa phải bỏ tiền túi ra vừa phải tự sắp xếp thời gian công việc, thời gian tại bệnh viện lẫn phòng khám cho phù hợp" - bác sĩ L.H.H nói.

Với tiêu chí cứng nhắc như hiện nay, người học cập nhật kiến thức cũng "hên xui". Có những lớp, hội nghị, hội thảo chất lượng, bổ sung kiến thức nhưng cũng có những chương trình "bổ ngửa". Bởi vậy, trong số không ít y - bác sĩ đi học nhằm cập nhật, nâng cao chuyên môn thì cũng có những y - bác sĩ tham gia "đào tạo liên tục" chỉ để có đủ giờ tín chỉ nhằm đối phó đủ điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề theo quy định.

Theo thống kê năm 2023 của Bộ Y tế, ước tính bình quân 12,5 bác sĩ và khoảng 32 giường bệnh/10.000 người dân, cả nước có hàng trăm ngàn nhân viên. Trong khi đó, số đơn vị có mã ngành đào tạo liên tục hiện rất ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Bởi vậy, nhiều trường, viện, bệnh viện, tổ chức xã hội nghề nghiệp sau khi được cấp mã ngành thời gian qua đã "bán cái" cho các hãng, công ty, doanh nghiệp tổ chức xã hội khác để đứng ra "tuyển sinh". Như vậy, khác nào "nuôi béo" các đơn vị tổ chức?

Nếu tính bình quân một bác sĩ với 200.000 đồng đến 300.000 đồng cho 2 - 3 giờ tín chỉ thì với số lượng nhân viên y tế hiện nay, tổng số tiền bỏ ra để lấy KPI cho CME (tối thiểu 120 giờ tín chỉ) trong 5 năm tính ra cũng hàng trăm ngàn tỉ đồng. Trong 5 năm gia hạn giấy phép hành nghề của y - bác sĩ chi ra để có CME quả là số tiền khổng lồ. Điều quan trọng là giá trị đem lại có xứng với công sức bỏ ra không?

"Là người lao động trong thời kỳ 4.0, không chỉ ngành y mà các ngành khác, ai cũng phải nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề thì mới đáp ứng được nhu cầu và sự phát triển của xã hội để không bị tụt hậu, đào thải. Cho dù ngành y là một ngành đặc biệt nhưng có hay không việc bắt buộc nhân viên y tế muốn có giấy phép hành nghề thì phải đi học, trong khi lại đang "ưu ái cho nhóm đào tạo" được cấp mã ngành? Có những đơn vị, trường, tổ chức xã hội dù được cấp mã đào tạo nhưng giảng viên của các tổ chức này là ai, có phải lực lượng cơ hữu không, nếu so với các bệnh viện thì cơ sở vật chất và môi trường học tập chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào" - một bác sĩ đặt vấn đề.

Theo một số bác sĩ, cần đa dạng loại hình như luật quy định. Cũng như lấy KPI lâm sàng của nhân viên y tế rồi mới cộng với KPI tham gia học, tham dự hội nghị, hội thảo... nhằm làm cơ sở. Đồng thời, cấp mã đào tạo cho các bệnh viện hạng 1, hạng 2 theo một số tiêu chuẩn mở.

Một điều khiến dư luận bất bình nữa là trong khi tiền lương nhân viên y tế ở nước ta còn thấp thì việc buộc nhân viên y tế phải thêm gánh nặng để duy trì giấy phép hành nghề bằng "giấy phép con" CME liệu có thỏa đáng?

Quá trình tìm hiểu các hội nghị, hội thảo có cấp CME, chúng tôi nhận thấy học phí, kinh phí đào tạo cũng bất nhất. Có những hội nghị, hội thảo được tài trợ, hỗ trợ từ các hãng dược, công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật tư, sản phẩm tài trợ nhưng kinh phí lại không công khai, minh bạch. Trong khi đó, các công ty, tổ chức xã hội đứng ra tuyển sinh lại thu học phí theo tài khoản cá nhân. Số tiền đó vào túi ai?

Khảo sát "bỏ túi" ngẫu nhiên với 10 bác sĩ đều cho rằng cập nhật liên tục là rất cần thiết, song để được có chứng chỉ hành nghề phải có CME 120 giờ tín chỉ mà chỉ bằng hình thức hội nghị, học hành như hiện nay là chưa hợp lý, hợp tình.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: TIẾN ĐẠT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tran-lan-dao-tao-y-khoa-lien-tuc-tha-noi-dao-tao-196240313214048691.htm