Tràn lan thực phẩm không an toàn

Từ đầu năm đến nay, dù các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng hoạt động sản xuất, buôn bán, cung cấp thực phẩm không an toàn vẫn diễn ra trên diện rộng.

Trong tháng 8/2019, Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm; xử phạt hành chính hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó 33 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hặc hết hạn trên 3 tháng...

Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm tươi sống

Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm tươi sống

Thống kê của Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP trong nửa đầu năm trên địa bàn tăng 56%. Số cơ sở bị xử phạt tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Ban quản lý tăng cường công tác, kiểm tra, xử lý và giám sát ATTP tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng, bếp ăn tập thể ở công ty, trường học. Đối với loại hình thức ăn đường phố, Ban quản lý đã triển khai 60 mô hình điểm để kiểm soát điều kiện ATTP tiến tới công nhận các mô hình điểm và nhân rộng ra trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ, gần đây, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp không đảm bảo ATTP tại các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có nhiều khách sạn từ 3 đến 5 sao, nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống cao cấp.

"Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đến các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đề nghị nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; sử dụng nguyên liệu đầu vào an toàn, nguồn gốc rõ ràng" - bà Hoa cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng không đảm bảo ATTP... trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi. Trong những tháng cuối năm, theo ông Bách, đây là khoảng thời gian mức tiêu thụ hàng hóa tăng cao, nhất là thực phẩm thiết yếu các loại. Vì vậy, Cục QLTT thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ký kết với các đơn vị, tỉnh, thành phố nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch. Nhờ vậy, các loại thực phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tran-lan-thuc-pham-khong-an-toan-125714.html