Tràn lan vi phạm phòng cháy chữa cháy tại các chung cư : Ai bảo vệ tính mạng người dân?

Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP. Hồ Chí Minh khiến 13 người chết, nhiều cư dân đang sinh sống tại các chung cư ở Hà Nội chưa đủ điều kiện an toàn PCCC đang hết sức hoang mang, lo lắng...

Tình trạng mất an toàn phòng cháy chữa cháy hiện nay ở các chung cư đang ở mức đáng báo động - Ảnh minh họa.

Cháy và rồi lại cháy...

Trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 23/3, tại chung cư Carina Plaza (số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. HCM) khiến 13 người tử vong, 14 người bị thương, trên cả nước đã có hàng loạt chung cư cháy gây hậu quả nghiêm trọng.

Vào lúc 13h30 trưa 29/10/2002, do bất cẩn trong khi hàn xì, một ngọn lửa lớn đã bùng phát từ vũ trường Blue thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITC, sau đó lan rộng và bốc lên dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm cả tòa nhà.

Vụ cháy làm chết 60 người, trong đó có 4 người nước ngoài, bị thương 70 người do bỏng, ngạt và nhảy từ trên tầng cao tòa nhà xuống. Thiệt hại tài sản lên đến hơn 32 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn khủng khiếp này là khi hàn các bulong định vị trên trần, thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm gây cháy lan nhanh và cháy lớn.

Nhiều cư dân đang sinh sống tại các chung cư ở Hà Nội chưa đủ điều kiện an toàn PCCC đang hết sức hoang mang, lo lắng sau vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP. Hồ Chí Minh khiến 13 người chết.

Gần 20h ngày 11/10/2015, người dân ở tòa CT4A chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội) phát hiện khói đen kèm mùi khét từ tầng hầm, liền đó nhiều tiếng nổ nhỏ vang lên. Điện đột ngột ngắt, cả tòa nhà 34 tầng chìm trong bóng tối. Nhiều người dân vội chạy xuống dưới bằng thang thoát hiểm, song khói đen dày đặc bốc lên khiến nhiều người từ tầng 3 trở lên không chạy kịp bị kẹt lại.

Khoảng 22h40 đêm 15/7/2016, người dân sống trong chung cư HQC Plaza nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM) phát hiện lửa bùng lên tại tủ điện ở tầng 11 tòa chung cư. Chỉ sau ít phút, khói đen lan ra các tầng xung quanh và bao trùm toàn bộ block 4. Lực lượng bảo vệ của chung cư cố gắng chữa cháy tại chỗ nhưng không thành. Nhiều người bị kẹt trên các tầng cao hoảng loạn cầu cứu.

Ngày 16/9/2017 một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư HH4 Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khi xảy ra vụ cháy, người dân chứng kiến cho biết họ thấy khói bốc lên nghi ngút từ hộp kỹ thuật ở các tầng 34 của tòa nhà HH4. Trong vụ cháy này đã có 25 người được giải cứu, 43 người thoát nạn. Trong số này có 1 nạn nhân bị tai biến ở tầng 22, 2 trẻ em ở tầng 9.

Điểm mặt các chung cư vi phạm quy định an toàn PCCC trên địa bàn Hà Nội

Mặc dù, thời gian qua, các vụ cháy, nổ để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng nhưng vấn đề an toàn PCCC tại các chung cư vẫn tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt, sự coi thường pháp luật của nhiều chủ đầu tư và sự vào cuộc thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng đang khiến tính mạng cư dân như "đánh đu trên dây".

Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an TP. Hà Nội, tính đến cuối tháng 10/2017, toàn Thành phố đã xảy ra 626 vụ cháy, 18 người chết, thiệt hại 400 tỷ đồng.

Mặc dù Cảnh sát PCCC Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu, khuyến nghị các cơ sở có sai phạm khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC tại một số chung cư cao tầng, song nhiều chủ đầu tư vẫn không chấp hành, hoặc mang tính đối phó.Tính đến ngày 10/1/2018, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 42/79 công trình chung cư cao tầng chưa thực hiện xong quy định về PCCC.

Nhiều chủ đầu tư tòa nhà chung cư, nhà cao tầng chưa đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định nhưng vẫn được đưa vào sử dụng, vẫn tiến hành bàn giao nhà cho người dân bắt chấp nguy cơ về cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đứng đầu danh sách vi phạm là Tập đoàn Mường Thanh với 11 tòa nhà. Đáng chú ý là ngay cả những chung cư cao tầng hạng sang, đắt tiền cũng vi phạm phòng cháy chữa cháy như: Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân) - Công ty cổ phần ACC Thăng Long, Chung cư CT1 Usilk City (phường La Khê, quận Hà Đông),…

Tòa nhà Capital Garden, ngõ 102 Trường Chinh xảy ra nhiều sai phạm về PCCC - Ảnh: Hà Nội Mới.

Ngoài ra, Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng đã kiểm tra và xử lý 4 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC, bao gồm: Tòa nhà Capital Garden của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (ngõ 102 Trường Chinh), Tòa C - Chung cư và dịch vụ Star Tower của Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam - VIDEC (283 Khương Trung), Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV - VINAPHARM của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC (60 Nguyễn Huy Tưởng), Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty cổ phần bất động sản Hà Nội Sông Hồng (số 4 Chính Kinh, Thanh Xuân).

Nhìn chung qua các vụ cháy này đều cho thấy, công tác PCCC và tình trạng an toàn phòng cháy chữa cháy hiện nay ở các chung cư đang ở tình trạng đáng báo động. Một số chủ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, buông lỏng quản lý, giám sát; vẫn còn hiện tượng thờ ơ, thiếu trách nhiệm dù đã được cảnh báo từ trước.

Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy của các chủ đầu tư diễn ra chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe nên nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn phòng cháy chữa cháy. Thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che vi phạm.

Thực tế trên làm tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan và tồn tại kéo dài, đẩy nguy cơ cháy nổ ở chung cư, nhất là các chung cư mới lên mức báo động.

Đừng “đánh cược” với tính mạng người dân

Đánh giá về an toàn cháy nổ, nhiều chuyên gia cho rằng, do chủ đầu tư chạy theo tiến độ như hợp đồng đã ký kết nên phải nhanh chóng bàn giao căn hộ đúng thời hạn. Một số công trình khác lại do nhà thầu thi công không đúng với thiết kế về PCCC đã được phê duyệt, không lập hồ sơ hoàn công, trình độ năng lực của đơn vị thi công về PCCC hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc thi công hệ thống kỹ thuật PCCC.

Người dân hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn sau vụ cháy chung cư Carina Plaza. Ảnh: Dân trí

Còn về phía người dân, do nhu cầu về chỗ ở nên khi có căn hộ mới được hoàn thiện là một số người muốn vào ở ngay. Trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về PCCC theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ từ 50 - 80 triệu đồng, còn chi phí hoàn thiện hệ thống PCCC lên tới hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư chọn phương án chấp nhận chịu phạt.

Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia, người dân không nên mua nhà, không vào ở tại các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Một số khác thẳng thắn đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại các công trình nhà cao tầng, nhằm tránh tình trạng nhà cao tầng đã có người vào ở, làm việc mà không đảm bảo được các yêu cầu an toàn về PCCC .

Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp xử lí bằng pháp luật đối với những chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các tòa nhà chung cư khi chưa được nghiệm thu, chưa có công trình PCCC.

Trong khi chờ các giải pháp của các cơ quan chức năng, câu hỏi Ai bảo vệ tính mạng người dân? dường như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Hoàng Lâm

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/tran-lan-vi-pham-phong-chay-chua-chay-tai-cac-chung-cu-ai-bao-ve-tinh-mang-nguoi-dan-34630