Trần Lê Khánh - Nhịp thơ hay nhịp thở

'Thi trung hữu nhạc', bên cạnh ý thơ, lời thơ thì có lẽ nhịp thơ là một phần không thể thiếu để quyết định sự thành công của bài thơ.

Chính cái nhịp thơ làm nên nhạc tính cho nó và cũng chính cách ngắt nhịp của tác giả mà ảnh hưởng đến việc đưa bài thơ ru hồn người thưởng thức. Và Trần Lê Khánh đã rất thành công trong việc đưa nhịp thơ hòa cùng hơi thở của dòng cảm xúc vào thơ.

Nếu như ở những thể thơ truyền thống như thể lục bát, ngắt nhịp kiểu 2/2/2, 4/4, nói chung là nhịp chẵn để diễn tả trọn vẹn xúc cảm. Nếu như thể thơ thất ngôn ngắt nhịp kiểu 2/2/3 hoặc 4/3 để trọn vẹn nhất những tâm tình trong lời thơ.

Bên cạnh đó, nếu như cái cấu trúc 5/7/5 truyền thống của thơ Haiku đồng thời cũng là nhịp thơ của nó, mỗi dòng là cũng là mỗi nhịp để truyền tải một cách thấu suốt những ý tứ trong tâm tình của thi sĩ.

Với thơ Trần Lê Khánh, không có một cách ngắt nhịp nào là khuôn phép cho những lời thơ của tác giả. Tất cả được hình thành một cách ngẫu nhiên có chủ đích. Tại sao tôi lại dùng một cụm từ có vẻ phi logic như thế?

Bởi vì, tôi cảm nhận được ở thơ Trần Lê Khánh một nhịp thở. Nhịp thở ấy như nhịp thở của chính tác giả vào tình đời và tình người. Sau mỗi cái nhịp ấy là một sự chiêm nghiệm đằng sau những hình ảnh quá ư là hình tượng. Có thể, mỗi câu mỗi chữ Trần Lê Khánh viết ra là ngẫu nhiên theo dòng xúc cảm.

Tuy nhiên, những cái ngẫu nhiên đó khi đi vào trang giấy thì nó như được giải phóng theo cái cách mà nhà thơ đặt để nó trong bố cục tổng thể. Nhịp thơ của Trần Lê Khánh cũng là tứ thơ mà tại mỗi quãng ngắt, người ta không thể không ngừng lại mà chiêm nghiệm những câu, những chữ trước đó.

Với tập thơ Ngày như chiếc lá, tôi cảm nhận được từng nhịp thở của tác giả gửi vào từng “sinh linh” của mình. Tôi cảm nhận lời thơ như đang sống, đang hiện diện trong cuộc sống như một phần của cuộc sống. Đôi lúc, mỗi quãng ngắt cũng là một câu, một tứ thơ.

Điều này khá giống với cách ngắt nhịp trong thơ Haiku. Tuy nhiên, ở thơ Trần Lê Khánh, khúc chiết, cô đọng là hai tính từ tôi dành trọn cho cả một hệ thống thơ. Thế nhưng, đây lại là một hệ thống bất quy tắc. Nếu như nhịp trong thơ Haiku phải 5/7/5 mới diễn đạt được ý thơ, thì hơi thở trong thơ Trần Lê Khánh lại vô định.

Nó cứ đi theo cái nhịp thở của xúc cảm để mở ra một cái không gian nghệ thuật đa chiều thỏa mãn cho những đầu óc thích suy tư, thích cảm nhận và khám phá thế giới của thơ cũng là một thế giới nhân sinh thu nhỏ.

Người ta không biết được đâu là cái quãng ngắt đúng, là cái cách xuống dòng trong từng bài thơ hay cách mà người ta ngắt trong ý thơ? Từ đó, người ta có nhiều chiều hướng để suy ngẫm về một cách toàn diện nhất về bài thơ trong cách mà người ta cho là đúng nhất khi cảm nó.

Cái vô định trong nhịp thơ của Trần Lê Khánh mà tôi cảm nhận là hơi thở trong xúc cảm của tác giả, xin được phân tích bài thơ đã đem đến cho tôi cái ấn tượng sâu sắc ngay lúc đầu. Bài thơ mang tựa đề “chiều”

trời tạnh

mây ngả lưng

dòng sông ướt sũng

nắng hồng

Đây là bài thơ ngắt nhịp theo chính cái cách mà tác giả xuống dòng. Nếu như cảm nhận một cách tổng quan, đọc từ chính nhan đề của bài thơ thì cái nhịp ở đây là 1/2/3/4/2. Chúng ta có thể nhìn thấy được sự thăng hoa trong ý thơ, sự tăng tiến trong ngôn từ về số lượng cho nên nhịp thơ cũng tăng theo cái sự thăng hoa ấy để rồi chốt hạ bằng sự cân đối, hài hòa với câu mở đầu.

Điều này giúp bài thơ trở thành một chỉnh thể trong cảm xúc, trong nhịp thở của tác giả vào những dòng suy tư về một buổi chiều tản mạn. Bên cạnh sự thăng hoa trong ý thơ, mà với cái nhịp như thế này sẽ tạo được cho người ta một cái không gian mang đậm tính hình tượng và mở ra nhiều suy nghĩ.

Thứ nhất, buổi chiều này có trời quang mây tạnh, trời yên bình, không nắng không mưa; có những đám mây mỏi mệt đang ngả lưng vào một khoảng không để tận hưởng những giây phút bình yên; có dòng sông lững lờ con nước chảy và có những tia nắng ấm chiếu xuyên từ trời, từ mây rồi đi vào con nước ửng lên sắc hồng tươi tắn của một buổi chiều an lành, yên ả cũng giống như nhịp đầu và nhịp kết 2/2 tương ứng cho sự an lành, yên ả đó.

Thứ hai, buổi chiều ở đây vừa khép lại với một cơn mưa vừa dứt, với những đám mây đen nặng trĩu tan dần và biến mất, giống như nó đang trốn vào một khoảng không nào đó để nghỉ ngơi, để thư giãn; với dòng sông sau mưa sũng nước; với ánh nắng sau mưa ấm áp, hữu tình.

Nhịp thơ 2/3/4/2 ở đây mang sự tăng tiến về diễn biến của khung cảnh thiên nhiên sau mưa, để rồi chốt lại bằng một sự ấm áp của “nắng hồng”. Thông thường, nắng hồng được dùng cho những buổi sáng đẹp trời, hay những buổi trưa đầy nắng. Ở đây, cụm từ “nắng hồng” như một sự khởi đầu tinh tươm, ấm nồng cho một cuộc đời được thanh tẩy khỏi những lớp bụi của trần ai.

Ở đây, nhịp 2/3/4/2 không theo bất kì một quy thước nào mà nó đi theo hơi thở của người cảm nhận khi đứng trước cái khung cảnh thiên nhiên đó, vào buổi chiều như thế đó. Họ có thể choáng ngợp với cái hữu tình thơ mộng, yên ả.

Hoặc cũng có thể hân hoan, nồng nhiệt đón chào những sự thay đổi trong cuộc đời. Cứ sống, cứ khao khát, cứ nhiệt huyết để đến cuối cùng, cuộc sống không còn vướng bận và trở về với bản nguyên của nó là sự yên bình.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/tran-le-khanh--nhip-tho-hay-nhip-tho-3373437/