Trần Minh Hân - một tâm hồn rộng mở

Là một sĩ quan quân đội, một người nghiên cứu lịch sử, đồng thời là một diễn viên, nhà thơ rất có duyên… có thể nói rằng, Đại tá Trần Minh Hân - Trưởng phòng Tuyên tuyền và trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã định danh trong lòng bạn bè đồng nghiệp gần xa bởi tài năng cũng như lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Người ta bắt gặp một Trần Minh Hân chỉn chu, cẩn trọng với công việc chuyên môn song cũng đầy lãng đãng, phóng khoáng trong từng vai diễn, mỗi trang thơ. Và với những người lính nơi phên giậu, mỗi khi khoác lên mình bộ quân phục đầy tự hào sẽ còn nhớ đến ông với tư cách là tác giả chiếc quân hiệu Biên phòng màu xanh lá.

Đại tá Trần Minh Hân hướng dẫn cán bộ trưng bày hiện vật. Ảnh: Phạm Vân Anh

Chúng tôi gặp Đại tá Trần Minh Hân giữa lúc ông cùng các đồng sự của mình tất bật chuẩn bị cho triển lãm "Da cam - lương tri và công lý" của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Vừa sâu sát chỉ đạo anh chị em trưng bày hiện vật, ông vừa giải thích cặn kẽ cho chúng tôi biết về ý nghĩa biểu đạt, giá trị trưng bày của từng hiện vật cũng như ý nghĩa của từng cụm trưng bày. Mọi người có cảm giác như ông thông thuộc "lý lịch" của hầu hết những hiện vật của bảo tàng và trân trọng chúng như thể đó là một phần cuộc sống của ông vậy. "Đã gần 40 năm tôi gắn bó với màu xanh áo lính, 20 năm với công việc của một người khơi dậy ký ức, truyền lửa cho tương lai từ những hiện vật lịch sử thiêng liêng này, vậy thì không trân quý, không thấu hiểu sao được!?" - ông đã từ tốn trả lời khi tôi nói lên suy nghĩ của mình về ông như thế.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 7 bảo tàng quốc gia có nhiều hiện vật độc đáo và thu hút được đông đảo số lượt khách tham quan. Chính điều đó đã khiến cho Đại tá Trần Minh Hân và các đồng nghiệp của mình luôn phải nỗ lực để sưu tầm những đồ vật, tư liệu lịch sử nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân về văn hóa lịch sử, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và tầm vóc, sức mạnh của QĐND Việt Nam.

Chia sẻ cảm nhận về người lãnh đạo của mình, Thiếu tá Lê Thị Anh Thư cho rằng, Đại tá Trần Minh Hân là một cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp làm việc khoa học, tính tình điềm đạm, cởi mở. Khi giao nhiệm vụ, anh không phó mặc cho cán bộ mà chủ động đồng hành, đôn đốc, nhắc nhở và tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn phương pháp làm việc giúp mọi người nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là giáo viên, công tác tại vùng quê Vụ Bản, Nam Định nên dường như nét nho nhã, yêu văn chương, chữ nghĩa của người Thành Nam đã lặn sâu trong huyết quản của vị Đại tá đa tài này. Từng là một nghệ sĩ múa của Đoàn nghệ thuật Phòng không - Không quân, song sự cầu tiến và lòng yêu nghệ thuật đã thúc đẩy ông thử sức trên nhiều lĩnh vực khác, cũng như theo học các lớp đào tạo chính quy nhằm trang bị thêm kiến thức cho mình. Trong gần 40 năm công tác, ngoài công việc chuyên môn, Trần Minh Hân còn vẽ tranh, đóng hơn 20 bộ phim truyện nhựa, sáng tác hàng chục ca khúc, là chủ tịch câu lạc bộ thơ văn và là chủ nhân một bộ sưu tập huân, huy chương, kỷ vật quý hiếm…

"Làng xóm mờ trong sương khói bay/ Chiều vàng leo lét phía chân mây/ Bồi hồi gió nổi đồng phơi lạnh/ Những nẻo mòn xăm xắp heo may…", với Trần Minh Hân, thơ là một khoảng sân sau cho tâm hồn trú ngụ và quay về nhịp sống hối hả, tất bật, là tiếng tơ lòng, là sự cảm nhận về cuộc sống thực tại. Những câu thơ ông đọc cho chúng tôi nghe trong chuyến về thăm quê khiến lòng người như lắng lại. Thơ của Trần Minh Hân cũng như con người ông vậy, đằm thắm và sâu lắng triết lý nhân sinh. Chính vì vậy mà thơ của ông chạm đến tâm hồn và cảm xúc của bao người, trong đó, có những nhạc sĩ đã chọn thơ Trần Minh Hân để chở giai điệu của mình cùng tỏa sáng. Nhạc sĩ Trần Hữu Được chia sẻ rằng, những bài thơ của Trần Minh Hân đã gây cho ông ấn tượng đặc biệt, để từ đó, ông đã cho ra đời rất nhiều ca khúc phổ nhạc trên tứ thơ của Trần Minh Hân, được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Ngoài hội họa, thơ ca thì điện ảnh cũng là một lĩnh vực được ông quan tâm. Đại tá Trần Minh Hân đã từng đóng rất nhiều bộ phim truyện nhựa tiêu biểu và gây tiếng vang lớn trong cả nước như "Hà Nội mùa đông năm 1946", "Giải phóng Sài Gòn", " Hoài vũ trắng", "Tình yêu ở một con đường"... Với ngoại hình đĩnh đạc, trí thức, ông thường được giao đóng những vai chính, với hình tượng nhân vật chính diện. Ở vai diễn nào, Đại tá Trần Minh Hân cũng để lại ấn tượng khó phai trong lòng người xem, bởi phong thái diễn xuất tự nhiên, chỉnh chu và lời thoại tinh tế, thanh lịch.

Bộ sưu tập huân, huy chương của Đại tá Trần Minh Hân. Ảnh: Phạm Vân Anh

Là một người lính, nên việc Đại tá Trần Minh Hân đắm đuối với đồng đội, với đề tài chiến tranh cách mạng cũng như anh "Bộ đội Cụ Hồ" hôm nay cũng là điều dễ hiểu. Tại nhà riêng của mình, Trần Minh Hân cũng có một "bảo tàng" nho nhỏ với những bộ huân, huy chương, kỷ niệm chương qua các thời kỳ của nhiều vị tướng lĩnh, các anh hùng, những người lính dũng sĩ năm xưa. Những kỷ vật mang đậm dấu ấn thời gian và dấu tích lịch sử quý giá ấy được ông Hân kỳ công sưu tầm và gìn giữ suốt 20 năm qua. Việc sưu tập huân, huy chương, huy hiệu vốn rất kén người chơi, bởi để có được một bộ sưu tập "ra hồn", không chỉ đòi hỏi khoản kinh phí lớn, mà còn đòi hỏi đầu tư về thời gian và đặc biệt là lòng say mê nghiên cứu khoa học lịch sử.

Cũng trong "bảo tàng" gia đình của mình, người nghệ sĩ đa tài này đã dành một góc trang trọng để đặt bộ quân hàm, quân hiệu Biên phòng mà lực lượng BĐBP hiện đang sử dụng. Đại tá Trần Minh Hân hồ hởi khoe rằng, ngày đó, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động một cuộc thi sáng tác quân hiệu rất lớn, với sự tham gia của nhiều họa sĩ tên tuổi trong cả nước. Khi đó, ông mới chỉ là cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhưng với tình cảm đặc biệt dành cho những đồng đội nơi phên giậu Tổ quốc, ông đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, tìm hiểu, với mong muốn được đóng góp một mẫu quân hiệu đẹp cho BĐBP chứ không kỳ vọng sẽ đạt giải. Hồi đó, các họa sĩ lớn đã gửi đến Bộ Tư lệnh BĐBP hàng chục bản vẽ cũng như hình mẫu. Ông cũng đã xem qua các sáng tác đó và vẫn băn khoăn vì còn điều gì đó "thiếu thiếu". Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, cặm cụi bên bản vẽ phác thảo, cuối cùng, ông đã tìm được điều còn thiếu ấy là gì.

Và mẫu phù hiệu nền màu xanh lá cây, nổi bật với thanh gươm, cây súng, vành móng ngựa, trên có khắc những đường đứt nét biểu trưng cho đường biên giới quốc gia trên bản đồ đã ra đời. Khi biết tin tác phẩm của mình được lựa chọn trở thành phù hiệu chính thức của BĐBP, ông đã vui mừng khôn tả, bởi đó không chỉ là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của một họa sĩ, mà điều lớn lao hơn là ông đã cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ của mình để tạo nên niềm tự hào cho những người lính quân hàm xanh khi đeo trên vai biểu tượng riêng của lực lượng mình.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tran-minh-han-mot-tam-hon-rong-mo/